Đưa phong trào 'Bình dân học vụ số' vào vị trí trung tâm

Sáng 9/5, Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ phát động Phong trào 'Bình dân học vụ số'. Cùng với điểm cầu chính tại trụ sở Tỉnh ủy Quảng Bình, Lễ phát động còn diễn ra trực tuyến tại tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình ấn nút phát động Phong trào “Bình dân học vụ số”. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình ấn nút phát động Phong trào “Bình dân học vụ số”. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Hoạt động có ý nghĩa cấp thiết và sâu sắc với mục tiêu "không ai được phép đứng ngoài cuộc cách mạng chuyển đổi số"; đồng thời, truyền tải thông điệp kỹ năng số ngày nay chính là “chữ quốc ngữ” của thế kỷ 21, không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng chuyển đổi số của đất nước.

Tại tỉnh Quảng Bình, phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh, trong đó, cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu. Mỗi công dân sẽ được trang bị kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số, sử dụng dịch vụ số thiết yếu, an toàn trong môi trường mạng.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang phát động Phong trào “Bình dân học vụ số”. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang phát động Phong trào “Bình dân học vụ số”. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Phát động phong trào, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang nhấn mạnh, phong trào “Bình dân học vụ số” được truyền cảm hứng và kế thừa từ Phong trào “Bình dân học vụ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng cách đây gần 80 năm. Ngày nay, phong trào “Bình dân học vụ số” như một cuộc cách mạng mới về nhận thức, kỹ năng và hành động; mục tiêu là đưa tri thức số đến từng người dân, từng hộ gia đình, từng ngõ xóm, từng cộng đồng, không để ai đứng ngoài quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Thời gian qua, Quảng Bình đã triển khai hiệu quả các dự án trọng điểm về chính quyền điện tử, đô thị thông minh, hạ tầng số và số hóa dữ liệu. Đến nay, 100% trung tâm xã có kết nối cáp quang; mạng 3G/4G phủ sóng trên 98% dân cư; mạng 5G phủ gần 83% thành phố Đồng Hới. Dữ liệu hộ tịch, y tế, giáo dục, đất đai được số hóa mạnh mẽ; hồ sơ hành chính được xử lý trực tuyến với hơn 94% số hóa.

Đáng chú ý, gần 8.000 cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp tại tỉnh đã tham gia học tập qua nền tảng trực tuyến. Đầu năm 2025, UBND tỉnh Quảng Bình đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Viettel để triển khai mô hình “Đảng bộ số - Chính quyền số”. Trong tháng 5/2025, Viettel sẽ tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số đang được đẩy mạnh, tạo nền tảng để Quảng Bình phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Để phong trào “Bình dân học vụ số” được hiện thực hóa một cách quyết liệt, bài bản, sáng tạo và linh hoạt, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang đề nghị các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải đặt phong trào vào vị trí trung tâm trong triển khai các chương trình chuyển đổi số của địa phương. Bên cạnh đó, mỗi sở, ngành, địa phương phải có mô hình riêng, cách làm riêng, sáng tạo và hiệu quả. Tỉnh phát huy vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội nghề nghiệp, đoàn viên thanh niên, sinh viên, trí thức, doanh nghiệp công nghệ số - trở thành những “đại sứ số”, “người hướng dẫn số” trong cộng đồng; đồng thời, tăng cường truyền thông, cổ vũ phong trào thi đua học tập kỹ năng số, khơi dậy tinh thần “tự học, tự làm, tự chuyển đổi”.

Mạnh Thành (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dia-phuong/dua-phong-trao-binh-dan-hoc-vu-sovao-vi-tri-trung-tam-20250509094020565.htm
Zalo