Đưa nhạc cổ điển đến gần công chúng

Thời gian gần đây, những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc ở Việt Nam đã có nhiều cố gắng, nhiều nỗ lực làm mới để âm nhạc cổ điển đến gần với công chúng, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên đó là con đường rất gập ghềnh.

Điện Kiến Trung trong đêm khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024.

Điện Kiến Trung trong đêm khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024.

Nhạc cổ điển vốn vẫn là dòng nhạc “khó nghe”, tuy rằng luôn được đánh giá cao về tính học thuật. Trong năm 2024, nhiều hoạt động âm nhạc cổ điển đã được tổ chức, tạo cơ hội để công chúng được thưởng thức những màn trình diễn đẳng cấp, đồng thời tìm hiểu và khám phá vẻ đẹp của nhạc cổ điển châu Âu.

Tháng 4, chương trình Four Season Concert do Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versailles thực hiện tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), mở màn cho chuỗi chương trình nghệ thuật quốc tế Musical Seasons 2024 - 2025.

Theo nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, sự xuất hiện của chuỗi chương trình nghệ thuật quốc tế Musical Seasons 2024 - 2025 là tín hiệu đáng mừng. Việc đưa các tác phẩm kinh điển về Việt Nam biểu diễn là điều rất tốt. Ông Vinh cho biết, những nước phát triển ở châu Âu, châu Mỹ hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực này. Những tác phẩm kinh điển như: “Carmen”, “The Four Seasons”, “The Nutcracker” (Kẹp hạt dẻ), “Swan Lake” (Hồ Thiên Nga)... hàng năm đều được biểu diễn nhiều lần, còn ở Việt Nam các tác phẩm này được diễn với tần suất ít hơn.

Nói về chương trình Musical Seasons 2024 - 2025, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cho rằng, thật tuyệt vời khi Việt Nam được đón chào các nghệ sĩ đến từ quốc gia “cha đẻ” của những tác phẩm kinh điển. “Với tư cách khán giả, tôi rất muốn đi xem các chương trình hòa nhạc này vì đó là cơ hội được tiếp xúc với các tác phẩm nguyên gốc của nước ngoài do các dàn nhạc đỉnh cao trình diễn. Dưới góc độ một người làm nghề, tôi mong muốn ngoài những tác phẩm kinh điển của nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, chúng tôi sẽ được tiếp cận cả với những tác phẩm từ nửa sau thế kỷ XX đến hiện tại” - ông Vinh nói.

Trong một nỗ lực khác, Dàn nhạc Trẻ thế giới (World Youth Orchestra - WYO) cũng có chương trình tập luyện và biểu diễn cùng các thành viên Dàn nhạc Giao hưởng trẻ (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) (VNAMYO). Đáng chú ý là buổi hòa nhạc “Đêm Thăng Long” tại phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và chương trình Gala Opera Puccini tại Nhà hát Lớn Hà Nội với nhiều tác phẩm khí nhạc kinh điển cùng các tác phẩm đặc sắc của các nhà soạn nhạc lỗi lạc thế giới như Tchaikovsky, Rossini, Puccini... và một số tác phẩm của các nhà soạn nhạc Việt Nam như Đặng Hữu Phúc, Trần Mạnh Hùng.

Còn trong khuôn khổ Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024, nghệ sĩ nổi tiếng thế giới Steve Barakatt đã có buổi biểu diễn ấn tượng trong không gian di sản tại vườn Thiệu Phương (Đại nội Huế). Tại không gian đặc biệt này, nghệ sĩ đã mang đến cho khán giả những cảm xúc khó quên với những tác phẩm nổi tiếng.

Như vậy, có thể thấy, âm nhạc châu Âu cổ điển đang dần lan tỏa, đến gần hơn với công chúng Việt Nam qua sự giao lưu quốc tế và nhất là với nỗ lực của các nghệ sĩ trong nước. Điều đó hy vọng sẽ gỡ bỏ được “mặc định” giao hưởng, thính phòng, opera... chỉ phục vụ cho một bộ phận khán giả rất hẹp.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, dòng âm nhạc cổ điển chiếm thị phần không nhiều so với các dòng nhạc khác. Nguyên nhân một phần là do trong đời sống âm nhạc hiện nay, bên cạnh nhu cầu thưởng thức dòng âm nhạc chính thống, một bộ phận công chúng chỉ chú ý vào các ca khúc thị trường. Nhiều người trẻ quên đi hoặc không biết tới dòng âm nhạc chính thống, kinh điển và dòng âm nhạc dân gian, cổ truyền.

Tuy nhiên, nhằm gỡ bỏ ranh giới với công chúng, trước hết các đơn vị nghệ thuật biểu diễn, các nhà hát cần làm mới chính mình, cần đổi mới từ cách đặt vấn đề cho tới cách thức biểu diễn. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân còn nhấn mạnh tới yếu tố đầu tư cho các tài năng, cần chú trọng đào tạo nhạc sĩ sáng tác trẻ, bởi họ là những người sẽ tạo ra các tác phẩm có giá trị về nội dung và tư tưởng ở các thể loại lớn như opera, giao hưởng, hợp xướng. Đồng thời đưa việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc trở thành một nội dung trong việc giáo dục và bồi đắp tâm hồn của con người.

NSND Bùi Công Duy - Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho biết, ở nhiều nước, một dàn nhạc giao hưởng càng nổi tiếng thì càng có nhiều sự hỗ trợ về mặt vật chất và tinh thần từ nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, người yêu âm nhạc. Nhưng tại Việt Nam, nhiều chương trình giao hưởng bán vé 5 - 10 triệu đồng. Người ta nghĩ rằng bán vé đắt là sang, hoặc để chứng minh đẳng cấp. Việc đó chưa hẳn đúng. Nếu xem bảng giá của những nhà hát, dàn nhạc giao hưởng Top 5, Top 10 thế giới, người ta có thể thưởng thức hòa nhạc với giá thấp hơn Việt Nam. Dàn nhạc không cần bán giá cao để chứng tỏ đẳng cấp. Bởi đẳng cấp không phải quyết định chỉ bởi giá tiền.

Phương Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dua-nhac-co-dien-den-gan-cong-chung-10297284.html
Zalo