Đưa kỹ thuật ghép thận về đồng bằng sông Cửu Long
Sau 07 tháng tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ghép thận từ các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy, đến cuối năm 2024 Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã thực hiện phẫu thuật thành công liên tiếp 05 trường hợp ghép thận cho người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, trong đó 03 trường hợp cùng huyết thống, 02 trường hợp khác huyết thống (vợ hiến thận cho chồng), hiện sức khỏe của các bệnh nhân hồi phục ngoạn mục sau ghép. Từ đó, bệnh viện này cũng đã trở thành trung tâm ghép thận thứ 26 tại Việt Nam.
05 ca ghép thận thành công
Theo đó, cặp ghép thận thành công thứ năm với người hiến sống khác huyết thống được diễn ra vào ngày 03.12.2024 bệnh nhân nam L. V., sinh năm 1986, địa chỉ ở Vĩnh Long.
Tháng 3.2024, bệnh nhân thấy khó thở, nhập viện Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối có chỉ định lọc máu cấp cứu và sau đó bệnh nhân được chạy thận nhân tạo định kỳ tại đây.
Với mong muốn được ghép thận, trở về cuộc sống bình thường, hai vợ chồng đã đăng ký ghép thận với người hiến là vợ của bệnh nhân. Cặp ghép được chuẩn bị đầy đủ các thủ tục từ chuyên môn đến cơ sở pháp lý, hội chẩn liên khoa, liên viện đánh giá các chuyên khoa và tiến hành ghép. Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công bằng phương pháp lấy thận bên phải của người hiến, ghép vào hố chậu phải của người nhận.
Tình trạng hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định, các chỉ số cận lâm sàng tiến triển thuận lợi, chức năng thận của bệnh nhân đã phục hồi gần như bình thường. Trước đó, 03 cặp ghép thận với người hiến sống cùng huyết thống và 01 cặp ghép là khác huyết thống (vợ hiến thận cho chồng) tình trạng sức khỏe hồi phục tốt, đang được theo dõi, điều trị với lịch hẹn tái khám ngoại trú mỗi tháng 01 lần tại khoa Thận – Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Đặc biệt cặp ghép thứ hai (D. V. B., 28 tuổi) bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy tim nặng, tràn dịch màng phổi trước ghép, đến nay sau gần 02 tháng ghép thận và điều trị nội khoa, vấn đề suy tim và tràn dịch màng phổi của bệnh nhân đã cải thiện, đồng thời tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân được nâng lên, sức khỏe tốt.
Làm chủ kỹ thuật khó
Ghép thận cho người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối từ người hiến sống và từ người hiến chết não là kế hoạch ấp ủ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ từ nhiều năm trước. Để đáp ứng các yêu cầu cho một trung tâm ghép thận được thành lập theo quy định của Bộ Y tế, bệnh viện đã từng bước xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư các trang thiết bị, máy móc, đào tạo đội ngũ chuyên khoa (18 bác sĩ, 21 điều dưỡng, kỹ thuật viên), sự phối hợp đồng bộ giữa các chuyên khoa: ngoại khoa, nội khoa, gây mê hồi sức, theo dõi chăm sóc và điều trị bệnh sau ghép. Ngày 31.1.2024, BVĐK TW Cần Thơ chính thức được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người hiến sống và từ người hiến chết não (Quyết định số 240/QĐ-BYT).
Với thành công của cặp ghép thứ năm, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã dần tiếp nhận thành công kỹ thuật ghép thận với sự chuyển giao tận tình của các chuyên gia từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Đặc biệt, hiện tại bệnh viện cũng đang chuẩn bị hồ sơ pháp lý, chuyên môn cho 08 cặp tiếp theo, các trường hợp này sẽ được tư vấn kỹ càng, đồng thời thực hiện các xét nghiệm sàng lọc, đánh giá khả năng phù hợp để xem xét kế hoạch ghép thận trong thời gian tới.
Có thể nói, 05 trường hợp ghép thận thành công không chỉ giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe mà còn mang lại cuộc sống hạnh phúc cho từng bệnh nhân và các gia đình. Sau ghép thận, chất lượng sống của bệnh nhân phục hồi, người bệnh không phải thường xuyên đến bệnh viện lọc máu định kỳ. Đây cũng là thành quả của cả một quá trình dài nỗ lực, hoàn thiện, phát triển cả về nhân lực, trang thiết bị và trình độ chuyên môn tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Càng ý nghĩa hơn, khi kỹ thuật ghép thận triển khai thành công tại miền Tây sẽ giúp người bệnh có cơ hội điều trị ngay tại khu vực, thuận lợi hơn về kinh tế cũng như quá trình chăm sóc, tái khám sau ghép, bệnh nhân không phải vượt đường xa lên tuyến trên như trước nữa.
Đây cũng là bước tiến vững chắc trong hành trình làm chủ các kỹ thuật khó, hiện đại và chuyên sâu, khẳng định vị thế là bệnh viện tuyến cuối trực thuộc Bộ Y tế tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu quan trọng nhất là ngày càng nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân, giúp người dân có cơ hội tiếp cận, điều trị tốt nhất bằng những kỹ thuật cao, tiến tiến ngay tại đồng bằng sông Cửu Long.