Đưa hàng Việt đến người tiêu dùng nông thôn

Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt của người dân. Người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa ngày càng được tiếp cận đa dạng chủng loại hàng hóa sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo, giá thành hợp lý.

Triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp tuyên truyền sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị, địa phương khuyến khích, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là các cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn hưởng ứng, ưu tiên lựa chọn, sử dụng hàng nội địa. Các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương xây dựng chuyên trang, chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”. Các cơ sở kinh doanh thương mại tích cực tham gia phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Các sở, ban, ngành phối hợp đẩy mạnh kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chống buôn lậu, triển khai chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 5 siêu thị, 81 chợ, khoảng 7.000 cửa hàng bán lẻ, trong đó 90 - 95% hàng thiết yếu có xuất xứ trong nước. So với những năm trước, độ phủ sóng của hàng Việt tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng. Các khu chợ, siêu thị, cửa hàng tự chọn, cửa hàng tạp hóa... bày bán đa dạng các mặt hàng có nguồn gốc Việt Nam, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Năm 2023, tỉnh tổ chức 29 hội chợ, phiên chợ với trên 2.000 gian hàng, thu hút hơn 1.900 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam và hàng hóa của tỉnh tham gia. Tạo điều kiện cho hơn 200 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm tiềm năng xuất khẩu, sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh tại các hội nghị, chương trình kết nối cung cầu sản phẩm. Trong đó có Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2023 với sự tham gia của 7 doanh nghiệp Cao Bằng thu hút trên 3.000 lượt tham quan, mua sắm.

Người tiêu dùng ở nông thôn được tiếp cận các loại hàng hóa sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giá thành hợp lý.

Người tiêu dùng ở nông thôn được tiếp cận các loại hàng hóa sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giá thành hợp lý.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại, hiệp hội các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tổ chức các chương trình, hội chợ triển lãm thương mại với mục tiêu giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của các tỉnh, thành trong cả nước. Điển hình như chuỗi phiên chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tỉnh và không gian trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản bên lề Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương thu hút đông đảo người dân, du khách và các đại biểu đến tham quan, mua sắm. Đặc biệt, Cuộc thi ảnh đẹp “Tôi tin dùng hàng Việt” do Sở Công thương tổ chức thu hút gần 50.000 lượt chia sẻ, tương tác trên fanpage. Cuộc thi ghi nhận những hình ảnh đẹp trong sản xuất, phân phối, tiêu dùng hàng Việt Nam, qua đó lan tỏa hình ảnh, giá trị của các thương hiệu nội địa đến người tiêu dùng.

Qua nhiều năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn ngày càng được tiếp cận, sử dụng hàng hóa trong nước với giá thành hợp lý. Các thương hiệu Việt có cơ hội khẳng định chất lượng, góp phần đẩy mạnh sản xuất, tạo việc làm cho người dân cũng như tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng tại địa phương.

Anh Lý Văn Tuấn, nhà phân phối Huyền Trang, xóm Nam Phong 3, xã Hưng Đạo (Thành phố) chia sẻ: Hiện nay, chúng tôi phân phối tới các huyện, Thành phố trên địa bàn tỉnh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: bánh kẹo, mỹ phẩm, đồ gia dụng... Nhận thấy chất lượng, mẫu mã hàng Việt không ngừng được cải thiện, bà con nông thôn ngày càng tin tưởng lựa chọn hàng Việt trong đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất hằng ngày.

Các chương trình đưa hàng Việt về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa từng bước thay đổi suy nghĩ, tạo thói quen ưu tiên sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt của người dân. Khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn phát triển kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Mai Chi

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/dua-hang-viet-den-nguoi-tieu-dung-nong-thon-3173130.html
Zalo