Đưa phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT: Bài 1- Doanh nghiệp phân bón giảm sức cạnh tranh do áp lực từ Luật thuế 71

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ năm 2015 khi thực hiện Luật thuế 71 đến nay, so với những năm còn áp dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% đối với phân bón, giá thành các loại phân bón đã tăng từ 5,2% - 7,8% tùy loại.

Giá thành sản xuất phân bón tăng cao

Trước khi triển khai thực hiện Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật 71) các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng thuế suất giá trị gia tăng (GTGT) 5%. Mức thuế suất này là ưu đãi so với mức thuế suất hàng hóa phổ biến là 10%. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng này được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giảm giá bán cho người nông dân và thúc đẩy sản xuất trong nước các ngành, lĩnh vực công nghiệp này.

Từ năm 2015 khi thực hiện Luật thuế 71, giá thành phân DAP trong nước tăng 7,3 - 7,8%

Từ năm 2015 khi thực hiện Luật thuế 71, giá thành phân DAP trong nước tăng 7,3 - 7,8%

Sau đó, Luật 71 có hiệu lực từ 01/01/2015, Khoản 1 Điều 3 Luật số 71 đưa các mặt hàng: “3a. Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác;” thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Theo các chuyên gia, từ khi đi vào thực thi, các quy định này hạn chế sự phát triển và đầu tư cho sản xuất phân bón trong nước.

Cụ thể, về sản xuất kinh doanh phân bón trong nước, ngay sau khi triển khai thực hiện Luật thuế 71/2014/QH13, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ chi phí sản xuất phân bón, phải tính số thuế GTGT đầu vào chi phí, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, khó khăn về nguồn vốn và không giảm được giá bán mặt hàng phân bón như mục tiêu đề ra khi xây dựng Luật thuế số 71/2014/QH13.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ năm 2015 khi thực hiện Luật thuế 71, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2 - 6,1%... so với những năm còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón. Giá thành sản xuất tăng khiến các doanh nghiệp buộc phải đẩy vào giá bán. Thực tế, giá bán bình quân hầu hết các loại phân bón năm 2015 tăng 5-7% so với giá bán bình quân năm 2014. Như vậy, người tiêu dùng đã phải chịu mua phân bón với giá cao hơn.

Hoạt động sản xuất phân bón bị ảnh hưởng nặng

Đặc biệt, việc đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất phân bón trong nước.

Cụ thể, giai đoạn 2015-2020 (sau khi Luật thuế số 71 có hiệu lực), cùng với lượng cung phân bón trên thị trường thế giới dư thừa (tình trạng dư thừa này cũng dẫn đến hàng loạt nhà máy phân bón trên thế giới phải dừng sản xuất), phân bón nhập khẩu có lợi thế cạnh tranh về giá bán dẫn đến tình trạng nhập khẩu phân bón tăng, làm gia tăng nhập siêu trong giai đoạn 2015-2020, sản xuất phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô, sản lượng sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đều có mức tăng trưởng âm, thậm chí một số đơn vị lỗ trầm trọng, có nguy cơ phá sản.

Phân bón trong nước phát huy vai trò bình ổn giá phân bón

Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, do tác động của đại dịch COVID-19, cũng như xung đột Nga - Ucraina, đặc biệt vào năm 2022, ngành phân bón thế giới hiện trong trạng thái khan hiếm nguồn cung phân bón, các nước đều hạn chế xuất khẩu phân bón, lượng nhập khẩu phân bón hạn chế và giá phân bón nhập khẩu tăng đột biến.

Trong nước, các nhà máy sản xuất phân bón giữ ổn định sản xuất, kịp thời cung cấp phân bón cho thị trường, đảm bảo cung cấp phân bón cho nông dân với giá thấp hơn phân bón nhập khẩu, bình ổn giá phân bón trong nước. Đồng thời, nhờ sản lượng tiêu thụ tăng giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sản xuất kinh doanh đều có lãi, một số doanh nghiệp trên bờ phá sản đã phục hồi, sản xuất ổn định và có lãi.

Chính sách thuế GTGT bất hợp lý khiến phân bón nội địa “lép vế” so với sản phẩm nhập khẩu vốn đang được ưu đãi về thuế

Chính sách thuế GTGT bất hợp lý khiến phân bón nội địa “lép vế” so với sản phẩm nhập khẩu vốn đang được ưu đãi về thuế

Hiện nay, năng lực sản xuất nhiều loại phân bón của các công ty trong nước đã dư thừa công suất đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhưng các nhà nhập khẩu vẫn nhập khẩu mặt hàng này vào Việt Nam.

Đến cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất phân bón thế giới đã dần phục hồi, sản lượng phân bón nhập khẩu tăng mạnh, cạnh tranh với sản phẩm phân bón trong nước. Nếu tiếp tục duy trì quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT sẽ không thể kéo giá phân bón trong nước giảm, mà còn gây nên một số tác động ngược, hạn chế hoạt động sản xuất, kinh doanh và làm suy giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Với giá tăng cao do chính sách thuế GTGT bất hợp lý khiến phân bón nội địa “lép vế” so với sản phẩm nhập khẩu vốn đang được ưu đãi về thuế. Các đơn vị sản xuất phân bón trong nước lại đối mặt với tình trạng khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu (nếu các nước gia tăng xuất khẩu), dần giảm công suất sản xuất và đi đến dừng sản xuất. Như vậy, phân bón trong nước có nguy cơ bị phân bón nhập khẩu bóp nghẹt, chi phối sản xuất nông nghiệp.

Trường hợp khi các nhà sản xuất phân bón trong nước thua lỗ lớn, không tiếp tục duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh, chúng ta sẽ phải phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, tình trạng giá phân bón nhập khẩu tăng đột biến như thời điểm 2011, 2022 vẫn có thể tiếp diễn và trong trường hợp các nước ngừng, hạn chế xuất khẩu phân bón như trong đại dịch COVID-19 và chiến tranh Nga – Ucraina như thời gian vừa qua có thể sẽ không nhập khẩu được phân bón nước ngoài, sẽ đe dọa lớn đến an ninh lương thực quốc gia.

Ngoài ra, thực tế các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong khu vực, kể cả các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, đều được hậu thuẫn để chen chân vào thị trường Việt Nam. Điều này, không những làm cho phân bón nội địa thụt lùi mà sản phẩm nông nghiệp và môi trường cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi lẽ các loại sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ lạc hậu giá rẻ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới môi trường và nông sản đầu ra, đây chính là nguy cơ rất lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Về lâu dài, sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu không thể bảo đảm phát triển nền nông nghiệp bền vững, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ công nghiệp - nông nghiệp - nông dân và nông thôn, ảnh hưởng đến an ninh lương thực của nước nhà.

Nguyệt Anh

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/dua-phan-bon-sang-doi-tuong-chiu-thue-gtgt--bai-1--doanh-nghiep-phan-bon-giam-suc-canh-tranh-do-ap-luc-tu-luat-thue-71-128882.htm
Zalo