Đưa Hà Nội thành trung tâm logistics của cả nước

Lĩnh vực logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa, xuất nhập khẩu. Do đó, thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng các trung tâm logistics quy mô, dịch vụ đồng bộ, hiện đại, thuận tiện, đáp ứng yêu cầu.

Hệ thống phân loại, xử lý hàng hóa của J&T Express.

Hệ thống phân loại, xử lý hàng hóa của J&T Express.

Mới đây, Công ty TNHH một thành viên Chuyển phát nhanh Thuận Phong (J&T Express) khai trương trung tâm trung chuyển, phân loại hàng hóa lớn nhất miền bắc của đơn vị này tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Với diện tích 38.000 m2, 23 cổng hàng vào và 150 cổng hàng ra, hàng chục băng chuyền và khu vực xử lý hàng hóa hiện đại, trung tâm còn được trang bị các thiết bị chuyên dụng chuẩn logistics điện tử thông minh như: Hệ thống ma trận phân loại hàng tự động, hàng vào cho tới khi hàng ra mất khoảng 3-5 phút; hệ thống phân loại nhiều tầng giúp phân loại kiện hàng nhỏ tự động, chuẩn xác tới 99%. Ngoài ra, hệ thống máy nạp liệu khu vực Crossbelt giúp hiệu suất nạp liệu kiện nhỏ lên đến 99.000 đơn/giờ...

Giám đốc thương hiệu J&T Express Phan Bình cho biết, việc ra mắt trung tâm trung chuyển mới của J&T Express không chỉ nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa mà còn mở rộng các dịch vụ mới, như giao hàng trong ngày và giao hàng theo yêu cầu.

Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử cũng như hoạt động giao thương hàng hóa, xuất nhập khẩu thời gian gần đây đã tác động mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy ngành logistics tăng trưởng. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, Hà Nội là một trong hai địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử. Hiện tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua hàng trực tuyến chiếm tới 52%; việc ứng dụng thương mại điện tử tại doanh nghiệp đạt 47%... Do đó, thành phố đang tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng về công nghệ thông tin, logistics, phương tiện thanh toán, nguồn nhân lực...

Năm 2024, Sở Công thương Hà Nội phối hợp các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp đầu tư vào logistics trên địa bàn thành phố rà soát tiến độ triển khai các dự án, đồng thời tham gia ý kiến, đề xuất nghiên cứu phạm vi quy hoạch trung tâm logistics tích hợp tại hai phường Trần Phú, Yên Sở (quận Hoàng Mai) và tại hai xã Trung Châu, Hồng Hà (huyện Đan Phượng). Sở Công thương cùng Hiệp hội Logistics Hà Nội tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng về quy định pháp lý về xuất xứ và quy tắc xác định xuất xứ; dự thảo hồ sơ Chiến lược Phát triển dịch vụ logistics Việt Nam (lần 2).

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch số 399/KH-UBND về việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn năm 2025. Kế hoạch này nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp dịch vụ logistics vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), gia tăng tỷ lệ thuê ngoài, giảm chi phí logistics để cạnh tranh giá cả sản phẩm của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại truyền thống, xuất nhập khẩu và thương mại điện tử. Hà Nội sẽ phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại; đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, trung chuyển và nội địa; đưa Hà Nội trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng và của cả nước.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, năm 2025, sở tiếp tục phối hợp rà soát, đôn đốc tiến độ, tháo gỡ khó khăn, khởi công các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics đã có quyết định chủ trương đầu tư; kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo Quy hoạch được duyệt để phát triển kết cấu hạ tầng logistics, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3 (3PL), mức độ 4 (4PL); hướng đến mức độ 5 (5PL), logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.

Sở Giao thông vận tải hoàn thiện, vận hành mạng lưới giao thông vận tải, cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện cho hàng hóa luân chuyển thuận lợi, nhanh chóng. Hệ thống giao thông vận tải của Hà Nội sẽ kết nối đa phương thức một cách hiệu quả, liên kết từ đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không. Sở sẽ rà soát, công khai vị trí, chức năng, dịch vụ chính, tuyến vận tải, cảng thủy nội địa; ga đường sắt đầu mối; trung tâm tiếp vận; bến, bãi tập kết hàng hóa của các hình thức vận tải…

Đại diện Cục Hải quan Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ đẩy mạnh áp dụng cơ chế "một cửa" quốc gia cho tất cả thủ tục liên quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh, quá cảnh; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất ngành hải quan trên địa bàn, địa điểm thông quan, kho bãi, điểm kiểm tra tập trung phục vụ hoạt động logistics; đồng thời chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai hải quan điện tử; xây dựng, tổ chức mô hình hải quan số nhằm tăng tốc độ thông quan, giải phóng hàng hóa xuất, nhập khẩu…

GIA MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dua-ha-noi-thanh-trung-tam-logistics-cua-ca-nuoc-post855863.html
Zalo