Đưa đặc sản nông nghiệp của huyện miền núi biên giới vươn xa
Kể từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình OCOP, huyện miền núi, biên giới Nam Giang của tỉnh Quảng Nam đã từng bước thực hiện các khâu triển khai, tập huấn, lựa chọn sản phẩm, phối hợp với các cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cấp chất lượng, mẫu mã, đáp ứng bộ tiêu chí bắt buộc của chương trình.

Gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP và đặc sản của huyện Nam Giang. Ảnh: Quốc Phong
Nhiều đặc sản được gắn 3 sao
Huyện Nam Giang là địa bàn sinh sống của các cộng đồng người dân tộc thiểu số như: Cơ Tu, Giẻ Triêng với hai nhóm là Ve và Tà Riêng, Tày, Nùng... chiếm gần 80% dân số toàn huyện. Với diện tích tự nhiên khá lớn, tài nguyên phong phú, có những nét sinh hoạt văn hóa, ẩm thực truyền thống độc đáo mang tính đặc trưng, huyện miền núi Nam Giang có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc thiểu số như: măng nứa khô, chuối rừng khô, rượu Tà Vạc, muối đặc sản Nam Giang, trà đậu đen...
Từ một huyện miền núi kém phát triển, đến nay, nhờ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, địa phương còn lồng ghép triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất theo hướng phát triển đa dạng mô hình nông - lâm nghiệp gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm từng khu vực cụ thể để triển khai thực hiện Chương trình OCOP từ huyện đến xã, nhằm hỗ trợ các tổ chức kinh tế cộng đồng phát triển và thương mại hóa sản phẩm truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn miền núi. “Nhờ nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong Chương trình OCOP, thời gian qua, chính quyền và nhân dân các dân tộc của huyện Nam Giang đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, Chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, khơi dậy tiềm năng sản xuất hàng hóa đối với nông sản có thế mạnh, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất - kinh doanh các loại sản phẩm truyền thống có lợi thế của địa phương. Qua đó, góp phần giải quyết bài toán việc làm, tạo thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn” - ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết.
Sau hơn 7 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, huyện miền núi Nam Giang đã có 6 sản phẩm được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh, bao gồm: sản phẩm túi A’Đhir của Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Cơ Tu Za Ra; thịt heo đen Pơ Riêng của hộ kinh doanh A Lung Trinh; hoa đu đủ ngâm mật ong Hương Quyền của hộ kinh doanh Văn Đình Quyền; mắm cải Đắc Hía của hộ kinh doanh Zơ Râm Năm; rượu Nếp Tăm của hộ kinh doanh Pơ Loong Vinh; muối ớt rang rây Thảo Nguyên của hộ kinh doanh Hiên Khí.
Đưa sản phẩm OCOP vươn xa
HTX dệt thổ cẩm Cơ Tu Za Ra, xã Tà Bhinh, huyện Nam Giang là nơi lưu giữ những nét cổ truyền của văn hóa dân tộc, không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, mà còn là điểm đến thu hút khách du lịch.
Bà Nguyễn Thị Kim Lan, Giám đốc HTX dệt thổ cẩm Cơ Tu Za Ra cho biết, HTX được thành lập từ năm 2011 theo Chương trình OCOP. Các sản phẩm chính của HTX bao gồm: túi, khăn, ví, khố, áo choàng, váy của đồng bào Cơ Tu. Ngoài ra, HTX còn phát triển thêm nhiều sản phẩm mới để phục vụ du lịch như: bao gối, áo, tấm đắp, khăn trải bàn đến túi xách, túi đeo, ví nam, ví nữ..., trong đó, túi A’Đhir được xếp hạng OCOP 3 sao. Đến nay, HTX đã cung cấp cho thị trường từ 200 đến 300 sản phẩm các loại, trong đó, có rất nhiều sản phẩm hấp dẫn khách du lịch nước ngoài. Hầu như các mặt hàng đều được tiêu thụ hết, góp phần giúp đồng bào phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Hợp tác xã dệt thổ cẩm Cơ Tu Za Ra tại xã Tà Bhinh, huyện Nam Giang. Ảnh: Quốc Phong
Hiện nay, bên cạnh việc thiết kế mẫu mã sản phẩm mới, HTX còn tiến hành nghiên cứu, phục dựng được 50 mẫu dệt truyền thống đang có nguy cơ mai một của đồng bào Cơ Tu. Không chỉ phục vụ cho thị trường nội địa, mà các sản phẩm thổ cẩm của HTX còn có mặt ở thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ..., trở thành mặt hàng xuất khẩu của địa phương. Đặc biệt, từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, túi A’Đhir bán chạy hơn so với nhiều sản phẩm khác. Riêng năm 2024, HTX dệt thổ cẩm Cơ Tu Za Ra cung ứng ra thị trường khoảng 800 dòng sản phẩm, mang về doanh thu hơn 140 triệu đồng.
Để các đặc sản, sản phẩm OCOP có thể vươn xa tới nhiều thị trường trong nước và quốc tế, thời gian tới, Nam Giang sẽ tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình OCOP; phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chương trình theo từng nội dung cụ thể, góp phần tôn vinh vẻ đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc Cơ Tu.
Cùng với đó, vấn đề quan trọng nhất là phải tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, huyện Nam Giang cũng sẽ tăng cường tập huấn, đào tạo, hướng dẫn chuyên ngành theo lĩnh vực quản lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm về an toàn thực phẩm, công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác. Tăng cường hoạt động quản lý, giám sát chất lượng chuyên ngành hoặc liên ngành. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm cải tiến, hoàn thiện sản phẩm. Có như vậy mới nâng cao được giá trị kinh tế của sản phẩm.