Đủ tuổi nghỉ hưu nhưng mới đóng bảo hiểm xã hội 15 năm, hưởng chế độ thế nào?

Trường hợp, lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng mới đóng bảo hiểm xã hội 15 năm có thể đóng bù số năm còn thiếu để hưởng lương hưu ngay hoặc chờ Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực.

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi giữ nguyên quy định về tính tỉ lệ hưởng lương hưu

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi giữ nguyên quy định về tính tỉ lệ hưởng lương hưu

Tại giao lưu trực tuyến "Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi - Những điểm mới có lợi cho người tham gia" vừa được tổ chức, nữ công nhân Nguyễn Thanh Bình đặt câu hỏi về trường hợp tham gia bảo hiểm của mình.

Nữ lao động này đủ tuổi nghỉ hưu từ tháng 8 năm nay (đủ 56 tuổi 4 tháng) song mới tham gia bảo hiểm xã hội được 15 năm. Như vậy, năm nay người lao động đủ tuổi nhưng chưa đủ điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu.

Nếu theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi vừa được thông qua thì bà đủ điều kiện nhưng thực tế đến 1/7/2025 luật mới mới có hiệu lực.

Nếu tiếp tục làm việc, đóng bảo hiểm xã hội thì tới thời điểm đó, người lao động đủ điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu nhưng quá tuổi nghỉ hưu.

Nữ lao động này băn khoăn, trong thời gian "chờ luật mới" có được hỗ trợ gì không?

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Trưởng phòng hưu trí, Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin, với trường hợp của bà Bình, nếu muốn hưởng lương hưu tại thời điểm tháng 8/2024 thì có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho thời gian còn thiếu (5 năm).

Sau khi đóng xong khoản này, bà sẽ được hưởng lương hưu tại tháng liền kề tháng đóng đủ và đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Còn trường hợp người lao động có nguyện vọng hưởng lương hưu theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi thì chờ để hưởng lương hưu ngay từ thời điểm luật mới có hiệu lực thi hành, với thời gian đóng bảo hiểm xã hội xác định là 15 năm.

Thông tin thêm về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mới được Quốc hội thông qua, tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và lao động nữ được kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành (không có sự thay đổi về tính tỉ lệ hưởng lương hưu).

Luật mới chỉ bổ sung quy định về tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm để đồng bộ với quy định giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Lý do, luật hiện hành không có quy định về tính tỷ lệ hưởng lương hưu trong trường hợp lao động nam có thời gian đóng dưới 20 năm.

Như vậy, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu cơ bản giữ như hiện hành. Lao động nữ đủ điều kiện hưởng lương hưu thì tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa là 75%.

Lao động nam đủ điều kiện hưởng lương hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên thì tỉ lệ hưởng lương hưu sẽ bằng 45% tương ứng với 20 năm đóng, sau đó cứ mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa là 75%.

Đối với lao động nam có thời gian đóng 15-20 năm, tỷ lệ hưởng lương hưu tính bằng 40%, tương ứng với 15 năm đóng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/du-tuoi-nghi-huu-nhung-moi-dong-bao-hiem-xa-hoi-15-nam-huong-che-do-the-nao-post582485.antd
Zalo