Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Lao động nghỉ việc khi đủ điều kiện hưởng lương hưu không được nhận trợ cấp thất nghiệp
Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, vì thế họ cũng không thuộc diện được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, theo đề xuất tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)...

Người lao động chờ làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Nhật Dương.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã đề xuất những quy định mới về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có trường hợp người lao động nghỉ việc khi đủ điều kiện hưởng lương hưu thì không được hưởng chế độ này.
SIẾT ĐIỀU KIỆN HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP
Theo dự thảo Luật, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
Chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật trừ các trường hợp sau: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức; người lao động nghỉ việc khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 12 tháng, thì phải đóng đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Đã nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Có việc làm và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, dân quân thường trực; đi học tập có thời hạn trên 12 tháng; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.
XEM XÉT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG HƯỞNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP KHI CHỜ LƯƠNG HƯU
Theo báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có ý kiến đề nghị xem xét cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp đối với các trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 64 của Luật Bảo hiểm xã hội, song chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động.
Tuy nhiên, vì lý do khách quan phải thôi việc như ốm đau, bệnh tật để giúp người lao động có chi phí trị bệnh trong khi chờ hưởng lương hưu.

Chi trả chế độ liên quan đến bảo hiểm cho người hưởng. Ảnh: TH.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật chỉ quy định người lao động nghỉ việc khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, bao gồm đủ điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội và tuổi nghỉ hưu là không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, đối với trường hợp nêu trên, người lao động vẫn có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đáp ứng điều kiện theo quy định.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị chỉnh lý quy định “người lao động nghỉ việc khi đủ điều kiện hưởng lương hưu” không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo hướng quy định đối tượng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp là người lao động nghỉ việc để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng dự thảo Luật quy định người đủ điều kiện hưởng lương hưu thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, Điều 168 của Bộ luật Lao động quy định đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động, tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Góp ý về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, cho rằng theo dự thảo, người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, đối tượng này không thuộc diện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, song chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động, nhưng vì lý do khách quan phải thôi việc như ốm đau, bệnh tật, tuy nhiên vẫn không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Đại biểu đề xuất, đối với các trường hợp này cũng nên xem xét cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp với thời gian hưởng theo quy định, nhằm giúp người lao động có chi phí trị bệnh trong thời gian chờ lương hưu.