Dự thảo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật: Giao Bộ KH&CN thẩm định quy chuẩn QCVN
Giao Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định quy chuẩn QCVN; thống nhất Quy chuẩn kỹ thuật trên toàn quốc; cho phép thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá của nước ngoài tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu… là những nội dung đáng chú ý trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Sáng 10/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành phiên họp
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật gồm: 5 Chương, 59 Điều (giảm 18 Điều, bổ sung 13 Điều so với dự thảo Chính phủ trình).
Quy chuẩn kỹ thuật cần thực hiện theo trình tự, thủ tục riêng biệt
Với các ý kiến của ĐBQH cho rằng việc xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) đang được thực hiện theo 02 quy trình, do vậy, đề nghị quy định quy trình xây dựng, ban hành QCKT đồng bộ, thống nhất với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), UBTVQH nhận thấy, do tính chất bắt buộc áp dụng nên QCKT là một loại VBQPPL, mặc dù trong Luật Ban hành VBQPPL không quy định cụ thể về hình thức văn bản này. Theo pháp luật hiện hành, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành QCKT quốc gia (QCVN), UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành QCKT địa phương (QCĐP); trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành QCKT được thực hiện theo quy trình kép, vừa tuân thủ quy định tại Luật TC&QCKT, vừa tuân thủ quy định tại Luật Ban hành VBQPPL. Do đó, nhiều bước thực hiện trùng nhau, một số thủ tục mang tính hình thức, không cần thiết, dẫn đến kéo dài thời gian xây dựng, ban hành, tăng chi phí tuân thủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo
Để bảo đảm tính đặc thù của QCKT là văn bản có tính chất kỹ thuật chuyên sâu, có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe con người, dịch vụ, môi trường nên quá trình xây dựng, thẩm định QCKT phải tiến hành nhiều hoạt động như thử nghiệm, khảo nghiệm, đánh giá tác động…; theo đó việc xây dựng, thẩm định, ban hành QCKT cần thực hiện theo trình tự thủ tục riêng biệt, tuân thủ quy định của Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Vì vậy, cần được quy định cụ thể tại dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bảo đảm phù hợp, thống nhất.
Về đề nghị làm rõ, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ KH&CN và các cơ quan trong thẩm định QCVN, bảo đảm tính thống nhất, khách quan, tránh lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng, ban hành QCVN, đặc biệt trong một số lĩnh vực giao thoa về phạm vi, đối tượng áp dụng, theo UBTVQH, dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại (Kỳ họp thứ 8) quy định giao trách nhiệm thẩm định cho các cơ quan ban hành QCVN (khoản 1 Điều 27) nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm, hạn chế những bất cập trong công tác xây dựng, thẩm định và ban hành. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, có ý kiến đề nghị giao Bộ KH&CN thẩm định QCVN như quy định của Luật hiện hành để thể chế hóa đầy đủ yêu cầu tại Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư nhằm tăng cường vai trò của cơ quan đầu mối quốc gia để quản lý nhà nước về TC&QCKT, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khách quan, loại bỏ chồng chéo trong xây dựng, thẩm định và ban hành QCKT. Tiếp thu ý kiến trên, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng giao Bộ KH&CN thẩm định QCVN và chỉnh lý một số quy định, rõ ràng hơn về quy trình, thời hạn, trách nhiệm của từng cơ quan; xin ý kiến ĐBQH tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách, các Đoàn ĐBQH và cơ bản không có ý kiến góp ý nội dung này.
Cho phép thừa nhận kết quả đánh giá hợp quy theo quy chuẩn của nước ngoài tạo thuận lợi cho xuất – nhập khẩu
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định theo nguyên tắc mỗi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình hoặc môi trường chỉ được điều chỉnh bởi một QCKT thống nhất trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp được phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật (điểm a, khoản 3, Điều 26a); đồng thời, bổ sung quy định về trường hợp không phải công bố hợp quy và thể hiện như tại Điều 69a dự thảo Luật. Quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng phải thực hiện đồng thời 02 thủ tục công bố hợp quy theo Luật TC&QCKT và yêu cầu, biện pháp quản lý tương ứng trong các luật chuyên ngành.
Tiếp thu ý kiến cho rằng việc thử nghiệm, chứng nhận, công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa trong nhiều trường hợp bị lặp lại, gây tốn kém chi phí, tăng thời gian cho doanh nghiệp, làm cản trở, chậm trễ hoạt động xuất khẩu, tại Điều 48 dự thảo Luật đã bổ sung quy định về công bố hợp quy được dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được công nhận hoặc đăng ký theo quy định của pháp luật để hạn chế việc phải thực hiện thử nghiệm, chứng nhận lặp lại, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Ngoài ra, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau, cho phép được thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức nước ngoài nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp thông lệ quốc tế và cam kết FTA thế hệ mới (Điều 57 dự thảo Luật).

Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, khoản 2, Điều 8a dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung nội dung và nhiệm vụ chủ yếu của Chiến lược tiêu chuẩn quốc gia nhằm hoạch định chính sách, dẫn dắt công nghệ, định hướng thị trường, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững; phát triển nền tảng số và hệ thống tiêu chuẩn phục vụ đo lường hiệu quả chính sách công; nâng cao vai trò của tiêu chuẩn trong hình thành và phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược, năng lượng tái tạo, sản phẩm xuất khẩu chủ lực; thúc đẩy hội nhập quốc tế và chủ động xây dựng tiêu chuẩn quốc tế cho các sản phẩm, công nghệ có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn; lồng ghép tiêu chuẩn vào cải cách thể chế và quản trị quốc gia; định hướng hoạt động tiêu chuẩn gắn với phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh.

Các đại biểu tham dự phiên họp
Liên quan đến ý kiến của ĐBQH đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm Bộ Khoa học và Công nghệ trong xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; cơ chế khai thác, vận hành và phân cấp quản lý từ trung ương đến địa phương, theo UBTVQH, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng, quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (điểm b khoản 6 Điều 8c); quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, tổ chức, cá nhân phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cập nhật, chia sẻ thông tin về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (điểm c, khoản 6, Điều 8c). Còn việc quy định cơ chế khai thác, vận hành và phân cấp quản lý từ trung ương đến địa phương, dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết (khoản 7, Điêù8c).
Ngoài những nội dung đã tiếp thu, giải trình, UBTVQH chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, tiếp thu các ý kiến của ĐBQH, cũng như rà soát, chỉnh lý các quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; hoàn thiện kỹ thuật lập pháp, văn phong của dự thảo Luật.