Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có nhiều điểm tiến bộ
Bày tỏ quan điểm đối với Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng, Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám có nhiều điểm tiến bộ so với các bản dự thảo trước đó.
Phát biểu tại nhiều cuộc hội thảo về sửa thuế TTĐB, ông ủng hộ đề xuất nâng thuế suất đối với hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế và mở rộng cơ sở thu. Vậy cơ sở nào để ông đưa ra quan điểm này?
Nghị quyết 07-NQ/TW (ngày 18/11/2016) của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước đã chỉ đạo, hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế. Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 508/QĐ-TTg (ngày 23/4/2022) cũng đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ đến năm 2030 tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; bảo đảm tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế gián thu và thuế trực thu ở mức hợp lý.
Như vậy, quan điểm của Đảng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, từ nay đến năm 2030, phải hoàn thiện hệ thống chính sách thuế. Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội cho ý kiến, thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng, Thu nhập doanh nghiệp và thuế TTĐB theo hướng cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thu là thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chiến lược Cải cách hệ thống thuế.
Nhưng thưa ông, việc đánh thuế đối với nước giải khát có đường đang nhận được sự không đồng thuận của doanh nghiệp và người tiêu dùng?
Quyết định 508/QĐ-TTg yêu cầu phải rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB để điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường.
Việt Nam chính thức ban hành Luật Thuế TTĐB từ năm 1998 và từ năm 2008 đến nay đã 4 lần sửa đổi, bổ sung và hầu như lần nào, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế. Bộ Tài chính đã nghiên cứu thông lệ quốc tế, xin ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, chuyên gia các lĩnh vực; tiếp thu ý kiến đóng góp, cuối cùng đều rút đề xuất đánh thuế TTĐB với nước ngọt. Tôi nghĩ, hiện là thời điểm chín muồi để đánh thuế TTĐB với nước ngọt, không nên lùi thời hạn.
Không riêng gì thuế TTĐB, mà bất cứ sắc thuế nào khi áp dụng hoặc nâng lên đều nhận được sự phản ứng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Để giảm phản ứng tiêu cực, tăng phản ứng tích cực, nhiệm vụ của truyền thông rất quan trọng.
Theo ông, nhiệm vụ của truyền thông trong vấn đề này thế nào?
Trong kỳ họp này, Quốc hội thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng và cho ý kiến vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Hiện tại, các nước trên thế giới áp thuế suất thuế giá trị gia tăng cao hơn Việt Nam rất nhiều, Bộ Tài chính từng có đề xuất nâng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% hiện nay lên 12%, nhưng cân nhắc mọi yếu tố và quyết định vẫn giữ nguyên thuế suất. Lần sửa đổi thuế giá trị gia tăng lần này cũng vẫn giữ nguyên thuế suất.
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đề xuất áp mức thuế suất 17% hoặc 15% (phụ thuộc vào doanh thu), thay vì áp thuế 20% cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thuế nhập khẩu cũng giảm dần theo lộ trình.
Trong cân đối ngân sách nhà nước, giảm khoản thu này phải tăng khoản thu khác, thì Nhà nước mới có tiền để đầu tư cho y tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách... Doanh nghiệp, người dân được giảm, ưu đãi các loại thuế khác thì khi sử dụng hàng hóa chịu thuế TTĐB cũng phải có nghĩa vụ trở lại với ngân sách nhà nước. Truyền thông, báo chí cần phải tuyên truyền cho doanh nghiệp, người dân hiểu để đồng thuận.
Nhưng đề xuất áp thuế 10% đối với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml, theo nhiều chuyên gia, là không hợp lý?
Cần có nghiên cứu cụ thể là nếu áp mức thuế 10% hay 5% thì tác động trực tiếp tới doanh nghiệp thế nào, tác động gián tiếp tới các ngành nghề khác như sản xuất bao bì, vỏ lon, vỏ chai... ra sao. Chưa có số liệu cụ thể, thì phát biểu là hợp lý hay không hợp lý đều là ý kiến chủ quan, cảm tính.
Theo dự kiến, tháng 6/2025, Quốc hội mới thông qua Luật Thuế TTĐB sửa đổi, nên vẫn còn đủ thời gian để Ban Soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan quản lý nhà nước hữu quan, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu để đưa ra mức thuế hợp lý cũng như hàm lượng đường trong nước ngọt bao nhiêu mới phải nộp thuế. Mọi ý kiến đóng góp phải dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn khách quan, thông lệ quốc tế, thói quen tiêu dùng của người dân, chứ không nên cảm tính, chủ quan.
Tháng 6/2025 mới thông qua Luật Thuế TTĐB sửa đổi, nhưng ông đã nhận định, bản dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám có nhiều điểm tiến bộ?
Quyết định 508/QĐ-TTg đặt ra yêu cầu nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối với thuế TTĐB như nhiều nước đã thực hiện. Các dự thảo Luật Thuế TTĐB trước xây dựng theo hướng đánh thuế tuyệt đối và thuế hỗn hợp, nhưng bản trình Quốc hội vẫn thực hiện đánh thuế tương đối theo tỷ lệ phần trăm tính trên giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, sau khi Ban Soạn thảo tiếp thu ý kiến.
Tại Việt Nam, giá bán bia rượu, thuốc lá có rất nhiều phân khúc. Vì đại bộ phận sử dụng sản phẩm bình dân, nếu áp dụng ngay phương pháp hỗn hợp hoặc tuyệt đối, sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng. Do đó, áp dụng phương pháp tính thuế tương đối như hiện nay là phù hợp.