Dự thảo Luật Nhà giáo: Đề nghị không quy định xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 6/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Nhà giáo.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 9 chương, 46 điều, giảm 04 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8.

Về chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo (Điều 25), có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp để tương thích với khả năng thay đổi chính sách lương trong tương lai. Có ý kiến đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo; quy định bảng lương linh hoạt theo cấp học, thâm niên của nhà giáo.

Với vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức; do vậy, lương của nhà giáo thực hiện theo thang bảng lương hành chính sự nghiệp áp dụng cho đối tượng viên chức. Chính sách về tiền lương, phụ cấp của viên chức hiện đang được quy định trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, do vậy, nếu chính sách lương cho viên chức có thay đổi thì vẫn phù hợp với đội ngũ nhà giáo với tư cách là viên chức.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho biết: Dự thảo Luật đã quy định, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp (điểm a khoản 1 Điều 25); ngoài ra, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng được quy định bởi pháp luật (điểm b khoản 1 Điều 25). Do vậy, đề nghị không quy định xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo.

Về việc quy định bảng lương nhà giáo linh hoạt theo cấp học, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng chính sách lương theo vị trí việc làm. Do vậy, đề nghị chưa quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chỉ nên quy định nguyên tắc và giao Chính phủ cụ thể hóa chính sách tiền lương đối với nhà giáo phù hợp với vị trí việc làm, phù hợp với chủ trương và lộ trình đổi mới chính sách tiền lương; đề nghị quy định bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo. Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa có quy định về xếp lương đối với người đang thực hiện chế độ tập sự, thử việc hoặc thỉnh giảng; đề nghị rà soát lại các quy định về chế độ phụ cấp, chế độ đặc thù đối với nhà giáo trong dự thảo Luật để bảo đảm quy định phù hợp với chủ trương đổi mới chính sách tiền lương.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết về tiền lương và phụ cấp cho nhà giáo (khoản 4 Điều 25). Việc xếp lương đối với người đang thực hiện chế độ tập sự, thử việc, nhà giáo thỉnh giảng sẽ được quy định chi tiết trong văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định nhà giáo mầm non, giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học được hưởng chế độ cao hơn nhà giáo ở các cấp học khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, công tác chủ nhiệm lớp của nhà giáo các cấp học phổ thông nói chung, giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học nói riêng được coi là hoạt động kiêm nhiệm và đã được quy đổi thành số giờ/tiết dạy. Vì vậy, đối tượng này không thuộc diện được hưởng chế độ cao hơn để bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các nhà giáo.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn, chưa đồng thuận với quy định về tăng 1 bậc lương cho nhà giáo được tuyển dụng lần đầu; đề nghị đánh giá tác động kỹ, giải trình thuyết phục hơn sự cần thiết của chính sách, bảo đảm khả thi, thống nhất và bình đẳng với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng bỏ quy định xếp lương khởi điểm tăng 1 bậc đối với nhà giáo lần đầu tuyển dụng mới để bảo đảm tương quan với các viên chức, người lao động các ngành, lĩnh vực khác.

Có ý kiến đề nghị quy định chi tiết về cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tiền lương đối với nhà giáo tại cơ sở giáo dục ngoài công lập để bảo vệ quyền lợi cho nhà giáo một cách hợp lý và công bằng.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, theo quy định hiện hành, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện chế độ hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Người lao động nói chung và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập nói riêng thực hiện quy định về chế độ tiền lương quy định tại Bộ luật Lao động (Chương VI). Việc kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách tiền lương được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; không nên quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/du-thao-luat-nha-giao-de-nghi-khong-quy-dinh-xay-dung-bang-luong-rieng-cho-nha-giao-2025050610350812.htm
Zalo