Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số: Cần định hình được vị thế và chiến lược riêng của Việt Nam

Góp ý vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số (CNCNS) do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, các chuyên gia chỉ ra Ban soạn thảo chưa thể hiện rõ tầm nhìn của việc tại sao lại cần ban hành Luật CNCNS, đồng thời chưa có các chính sách chiến lược và hiệu quả để thu hút đầu tư với lĩnh vực này.

Chưa thể hiện rõ tầm nhìn vì sao phải ban hành luật

Dự thảo Luật CNCNS do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo cho thấy những góc nhìn mới và quyết liệt hơn trong cách tiếp cận phát triển CNCNS ở Việt Nam, đặc biệt với các chính sách ưu đãi vượt trội hơn cho nhà đầu tư nước ngoài, cũng như chính sách cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào lĩnh vực với rất nhiều cơ hội này.

Dự thảo cũng đã kịp thời đưa vào những nội dung liên quan đến những mảng tiềm năng nhưng còn thiếu cơ chế quản lý và phát triển như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn...

Đồng thời, các chính sách cho phép cơ chế thử nghiệm cũng đã thể hiện tư duy cấp tiến hơn so với các chính sách hiện hành, là điều rất cần thiết để phát triển một lĩnh vực đầy biến động và đòi hỏi sự linh hoạt trong cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể thử nghiệm ý tưởng của mình.

Ngoài ra, dự thảo cũng đã cân nhắc những yếu tố quan trọng của một chính sách phát triển kinh tế, đặc biệt đối với một ngành như công nghệ số, trong đó bao gồm việc thúc đẩy sự phát triển của ngành thông qua chính sách cho doanh nghiệp, tổ chức trong nước cũng như quốc tế; đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế, bảo vệ người tiêu dùng, người lao động; và mang tính đột phá cũng như tạo khả năng thích ứng nhanh, linh hoạt.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Ly, Giám đốc dự án Viện Tony Blair tại Việt Nam cho biết trong dự thảo hiện nay chưa thể hiện rõ tầm nhìn của việc tại sao lại cần ban hành Luật CNCNS. Hiện dự thảo cũng như tờ trình mới chỉ dừng ở việc lý giải sự cần thiết của Luật để phát triển ngành CNTT, CNCNS, để thực hiện các văn kiện, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong thời gian gần đây, như Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó có xác định định hướng chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam; hay Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có đưa ra phương hướng cần ưu tiên phát triển các ngành mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp điện tử - viễn thông, công nghiệp sản xuất robot, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động… Đây là những định hướng quan trọng cho việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ số ở Việt Nam, tuy nhiên chưa định hình được vị thế và chiến lược riêng của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, bao gồm sự khác biệt mà Việt Nam mong muốn đem lại cũng như có thể định vị mình trên bản đồ công nghệ số thế giới ra sao. Ví dụ như Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc có định vị Hàn Quốc trở thành điểm đến hàng đầu cho đầu tư về công nghệ. Tương tự như vậy, Việt Nam có thể định vị mình trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á cho các nhà đầu tư công nghệ số.

Tăng cường cơ chế thu hút đầu tư trong công nghiệp công nghệ số

Đối với một ngành công nghiệp đang có nhiều biến động không ngừng cũng như có tính cạnh tranh cao trên quốc tế cũng như trong khu vực như công nghệ số, việc nhà nước đưa ra những chính sách ưu đãi vượt trội cho nhà đầu tư là rất quan trọng, và dự thảo Luật cũng đã bước đầu đưa ra những đề xuất vượt trội này so với các ưu đãi đầu tư hiện hành.

“Tuy nhiên, để có thể mang tính cạnh tranh hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài thì việc có ưu đãi hấp dẫn chưa đủ, mà cần phải có cơ chế thu hút đầu tư mang tính chiến lược và hiệu quả. Đây là điều mà nhiều quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới đều đã thực hiện và thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài” bà Phương Ly chỉ ra.

Theo các chuyên gia phân tích, hiện nhiều ưu đãi trong dự thảo chỉ nói là áp dụng theo các ưu đãi của các luật hiện hành, song chưa chỉ cụ thể, các ưu đãi này thế nào, luật nào để sau khi luật ban hành sẽ sửa đổi để hiện thực hóa các ưu đãi này. “Quy định chính sách mơ hồ, khó triển khai sẽ dẫn tới tình trạng ưu đãi chỉ là hô khẩu hiệu", một chuyên gia nhìn nhận.

Điều 39, điểm 2.h trong dự thảo Luật có nói đến việc “hình thành mạng lưới đại diện CNCNS Việt Nam ở nước ngoài”, Song dự thảo Luật chưa nêu bật được vai trò của cơ quan đầu tư nước ngoài trong việc thu hút đầu tư cũng như những cơ chế cần thực hiện hoặc thay đổi để đẩy mạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài ở một lĩnh vực mang tính chiến lược như công nghệ số.

Từ những phân tích này, Viện Tony Blair tại Việt Nam đề xuất cần bổ sung về cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển CNCNS ở Việt Nam. Trong đó, cần thành lập bộ phận phụ trách đầu tư nước ngoài về công nghiệp công nghệ số, thuộc Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm mục đích trở thành đầu mối chính làm việc với nhà đầu tư nước ngoài về CNCNS, hỗ trợ cung cấp thông tin về ngành, chính sách cũng như các ưu đãi của Chính phủ, giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư, cũng như là cầu nối giữa nhà đầu tư và địa phương. Đây là mô hình đã được thực hiện ở một số quốc gia như Cục xúc tiến thương mại và đầu tư của Đức (German Trade and Invest - GTAI), với những bộ phận chuyên trách về từng lĩnh vực cụ thể là trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của Đức như ngành công nghiệp vận tải, sản xuất công nghiệp, năng lượng… Nhờ việc chuyên môn hóa, những bộ phận này có thể cung cấp thông tin sát với nhu cầu của nhà đầu tư cũng như hỗ trợ kết nối kịp thời với các cơ quan liên quan.

Đối với những thị trường được xác định là trọng điểm trong việc thu hút nhà đầu tư về CNCNS, cần có đại diện xúc tiến đầu tư phụ trách chuyên môn tại thị trường này để tích cực tham gia vào việc tiếp xúc với nhà đầu tư. Cơ chế đãi ngộ, xây dựng năng lực cho đội ngũ này sẽ cần được nghiên cứu và bổ sung trong các hướng dẫn chi tiết. Ủy ban Phát triển kinh tế Singapore (Singapore Economic Development Board - EDB) là một ví dụ điển hình về việc cơ cấu đại diện ở các thị trường trọng điểm, hỗ trợ là đầu mối giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư cũng như kết nối nhà đầu tư với các bên liên quan.

Điều 12, khoản 3 quy định "tổ chức, cá nhân Việt Nam nghiên cứu và phát triển, sản xuất, cung cấp và sở hữu sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu bán, xuất khẩu, chuyển giao sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu cho đối tác nước ngoài phải được chấp thuận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền". Luật sư cấp cao, Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN (liên minh của Baker McKenzie) Nguyễn Huyền Minh chỉ ra “Nghĩa vụ xin chấp thuận này sẽ tạo ra một thủ tục hành chính mới, gây phiền hà cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang có hoạt động liên quan đến sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu”. Những doanh nghiệp này, nhất là các doanh nghiệp FDI, có thể đã và đang hợp tác với các đối tác nước ngoài. Nếu bắt các doanh nghiệp này sau này phải xin phép để bán / xuất khẩu / chuyển giao các sản phẩm và dịch vụ công nghệ số, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này sẽ bị gián đoạn, gây gia tăng chi phí tuân thủ. Ngoài ra, quy định này có thể làm hạn chế đầu tư từ nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ số tại Việt Nam.

Vì vậy, Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN đề xuất Ban soạn thảo, Cơ quan thẩm tra cân nhắc giới hạn phạm vi áp dụng của nghĩa vụ xin chấp thuận liên quan đến sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu tại Điều 12 khoản 3 đối với các doanh nghiệp nhà nước (tức là loại trừ khối các doanh nghiệp tư nhân)

Hoa Hạ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/du-thao-luat-cong-nghiep-cong-nghe-so-can-dinh-hinh-duoc-vi-the-va-chien-luoc-rieng-cua-viet-nam-155122.html
Zalo