Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi: Bổ sung tội danh 'sử dụng trái phép chất ma túy'

Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi đã bổ sung tội danh sử dụng trái phép chất ma túy; tội danh này đã được bãi bỏ và không còn quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo tờ trình, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi do Bộ Công an chủ trì xây dựng.

Bộ Công an đã bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256a); đề xuất nâng hình phạt tù, phạt tiền; xác định Ketamine là loại chất ma túy cụ thể, hạ mức định lượng để định khung hình phạt... đối với 13 tội danh từ Điều 247 đến 259 Chương XX dự thảo đối với nhóm tội phạm về ma túy.

Điều 256a tội sử dụng trái phép chất ma túy quy định, người nào đang trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế hoặc đã từng cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy mà bị phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 2-3 năm.

Trường hợp tái phạm tội này thì bị phạt tù từ 3-5 năm.

 Các đối tượng bị bắt quả tang khi sử dụng trái phép chất ma túy. Ảnh: CA.

Các đối tượng bị bắt quả tang khi sử dụng trái phép chất ma túy. Ảnh: CA.

Trước đây, tội sử dụng trái phép chất ma túy từng được quy định tại Điều 199 BLHS năm 1999. Người sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; trường hợp tái phạm, bị phạt tù 2-5 năm.

BLHS hiện hành (BLHS năm 2105, sửa đổi bổ sung 2017) quy định các tội phạm về ma túy tại Chương XX, như: tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250)...; không có tội sử dụng trái phép chất ma túy.

Hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 1 và điểm a, d khoản 8 Điều 23 Nghị định 144/2021, cụ thể sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 1-2 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; người nước ngoài nếu vi phạm sẽ bị trục xuất.

 Các bị cáo trong đường dây vận chuyển, mua bán số lượng đặc biệt lớn ma túy của Oanh Hà. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các bị cáo trong đường dây vận chuyển, mua bán số lượng đặc biệt lớn ma túy của Oanh Hà. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bên cạnh đó, dự thảo đã nâng hình phạt tù, phạt tiền; hạ mức định lượng để định khung hình phạt... đối với nhóm tội phạm về ma túy.

Đơn cử, theo khoản 3 Điều 249 dự thảo, hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy có thể bị phạt tù 15-20 năm tù (quy định hiện hành 10-15 năm tù). Theo khoản 4 Điều 249 dự thảo, hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy bị phạt tù từ 20-30 năm hoặc chung thân (quy định hiện hành 15-20 năm hoặc chung thân). Hình phạt bổ sung đối với tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo quy định hiện hành sẽ bị phạt từ 5-500 triệu đồng, nay theo dự thảo sẽ nâng lên mức 10 triệu đồng đến 1 tỉ đồng.

Hay theo điểm h khoản 2 Điều 251 BLHS hiện hành, hành vi mua bán trái phép chất ma túy như nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 g đến dưới 1 kg sẽ bị phạt tù 7-15 năm; nay dự thảo đã quy định lại định lượng này, chỉ còn 300 g đến dưới 1 kg.

Theo a khoản 4 Điều 251 BLHS hiện hành, hành vi mua bán nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 5 kg trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Dự thảo đã sửa đổi, hành vi mua bán nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 5 kg đến dưới 30 kg sẽ bị phạt tù đến 30 năm hoặc tù chung thân.

Trong trường hợp, mua bán nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng trên 30 kg, dự thảo đã bổ sung Khoản 5 quy định người phạm tội sẽ bị phạt tù chung thân không xét giảm án hoặc tử hình.

Đề xuất xử lý hình sự khi không chấp hành biện pháp cai nghiện bắt buộc

Bên cạnh bổ sung tội "sử dụng trái phép chất ma túy", Bộ Công an đã đề xuất bổ sung tội "không chấp hành bản án, quyết định của tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc" (Điều 380a).

Theo đó, người nào đã có quyết định của tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc mà bỏ trốn thì bị phạt tù 2-3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: chống lại người thi hành bản án hoặc người đang thi hành công vụ; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt thì bị phạt tù 2-5 năm.

Theo quy định hiện hành, người không chấp hành bản án, quyết định của tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Theo Khoản 2 Điều 54 Nghị định 116/2021, trường hợp người nghiện ma túy không chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ quan Công an cấp huyện quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật để đưa người phải chấp hành đến cơ sở cai nghiện bắt buộc.

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/du-thao-bo-luat-hinh-su-sua-doi-bo-sung-toi-danh-su-dung-trai-phep-chat-ma-tuy-post843019.html
Zalo