Dư nợ cho vay ngoại tệ liên tục giảm

Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định là yếu tố tác động tích cực lên hoạt động sản xuất kinh doanh, của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Thời báo Ngân hàng phỏng vấn ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh xung quanh hoạt động cung ứng và cho vay ngoại tệ đáp ứng các nhu cầu hợp pháp của cá nhân và doanh nghiệp.

Thưa ông, vì sao tỷ trọng cho vay ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng những năm gần đây có xu hướng giảm dần?

Thưa ông, vì sao tỷ trọng cho vay ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng những năm gần đây có xu hướng giảm dần?

Có thể nói cho vay ngoại tệ là loại hình cho vay có điều kiện, đối tượng vay ngoại tệ là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu theo quy định của NHNN Việt Nam tại văn bản hợp nhất 06/VBHN-NHNN ngày 11/1/2019, quy định về cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú. Theo đó, các TCTD chỉ cho vay ngoại tệ phục vụ các nhu cầu: cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; Cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; Cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; Cho vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Với quy định này, cùng với chính sách quản lý ngoại hối với yêu cầu chống đô-la hóa nền kinh tế, dư nợ cho vay ngoại tệ có xu hướng giảm dần trong thời gian qua. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, dư nợ ngoại tệ trong 5 năm gần đây chiếm khoảng 7% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và luôn có xu hướng giảm dần.

Cụ thể, năm 2019 dư nợ ngoại tệ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chiếm 7,25% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn; tỷ lệ này năm 2020 chiếm 6,76%, năm 2021 chiếm 7,06%, năm 2022 chiếm 5,21%, năm 2023 chiếm 4,28% và 8 tháng đầu năm 2024 dư nợ cho vay bằng ngoại tệ chỉ chiếm 3,6%. Diễn biến này là tích cực, phản ánh hiệu quả cơ chế chính sách về quản lý ngoại hối của NHNN Việt Nam góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát, ổn định giá trị tiền đồng, bảo đảm tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định. Song vẫn đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu tăng trưởng.

Dư nợ cho vay ngoại tệ giảm như vậy sẽ giúp cho việc đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được thuận lợi, thưa ông?

Dư nợ cho vay ngoại tệ giảm như vậy sẽ giúp cho việc đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được thuận lợi, thưa ông?

Mặc dù cho vay ngoại tệ giảm, cơ cấu dư nợ thay đổi theo hướng tỷ trọng cho vay VND là chủ yếu, song ngành Ngân hàng vẫn đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ và đầu tư. Theo đó, để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ, doanh nghiệp có thể mua ngoại tệ để thanh toán, thay vì vay ngoại tệ với những công cụ hối đoái rất tiện ích và linh hoạt đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngoại tệ để doanh nghiệp sử dụng hiệu quả và phòng ngừa rủi ro do biến động tỷ giá.

Những kết quả trên là khá tích cực sau hàng loạt chính sách thực hiện chủ trương chống đô-la hóa nền kinh tế?

Chính sách quản lý ngoại hối và mục tiêu chống đô-la hóa tiếp tục được thực hiện, không chỉ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ ổn định giá trị tiền đồng mà còn hỗ trợ thúc đẩy hoạt động kinh tế đối ngoại, như: xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và hội nhập… Vì vậy, như tôi đã phân tích ở phần trên, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp hoàn toàn được đảm bảo. Những thay đổi về tỷ trọng hoặc tăng trưởng dư nợ ngoại tệ mang tính chất ngắn hạn, về cơ bản trong trung dài hạn, cho vay ngoại tệ sẽ ở mức hợp lý gắn với chính sách điều hành của NHNN Việt Nam nhằm vừa thực hiện nhiệm vụ chính sách tiền tệ, vừa đảm bảo khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngoại tệ qua hệ thống ngân hàng.

Xin cảm ơn ông!

Hải Nam

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/du-no-cho-vay-ngoai-te-lien-tuc-giam-155775.html
Zalo