Xi măng lại oằn vai lo bán hàng
Ngành xi măng lại oằn vai lo bán hàng khi tại Hà Nam, 'thủ phủ' xi măng vừa có thêm 1 dây chuyền đưa vào vận hành, bổ sung nguồn cung cho thị trường thêm 2,3 triệu tấn/năm.
“Bội thực” nguồn cung
Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng Group vừa tổ chức lễ đốt lò, chính thức đưa vào vận hành dây chuyền 5, chuyên sản xuất các sản phẩm xi măng chất lượng cao và xi măng chịu mặn bền sunfat tại Hà Nam. Sự kiện này đã đưa tổng công suất xi măng của Thành Thắng Group lên 10 triệu tấn.
Cách đây chưa đầy 3 năm, tháng 12/2021, dây chuyền 4 với công suất tương tự đã được chủ đầu tư này đưa vào vận hành và giờ đến lượt dây chuyền 5.
Còn nhớ, 6 năm trước, ngày 28/12/2018, dây chuyền 4 và 5, Xi măng Thành Thắng, với công suất mỗi dây chuyền 2,3 triệu tấn/năm, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch Công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung 2 dây chuyền Nhà máy Xi măng Thành Thắng, tỉnh Hà Nam (dây chuyền số 4 và số 5), mỗi dây chuyền có công suất là 2,3 triệu tấn xi măng/năm, kết hợp xử lý rác thải bảo vệ môi trường và tạo ra các sản phẩm xi măng chất lượng cao, xi măng chịu mặn bền sunfat phục vụ xây dựng các công trình ven biển và hải đảo vào Quy hoạch ngành.
Bộ Xây dựng cho biết, dự kiến cuối năm nay, Dự án Nhà máy Xi măng Xuân Sơn (Hòa Bình), tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, công suất 2,3 triệu tấn/năm sẽ được đưa vào vận hành, thị trường lại tiếp tục dư cung.
Trong đó nêu rõ, thời gian đưa vào vận hành dây chuyền số 4 sau năm 2021 và dây chuyền số 5 sau năm 2025. Như vậy, dây chuyền 5 đã về đích sớm hơn 1 năm.
Việc có thêm dây chuyền mới đưa vào vận hành, khiến nhiều nhà sản xuất xi măng lo ngay ngáy, bởi thực tế lúc này, ngành xi măng đang dư cung lớn chưa từng thấy. Kể cả 2 dây chuyền mới của Thành Thắng có đặc thù là sản xuất các sản phẩm xi măng chất lượng cao và xi măng chịu mặn bền sunfat, thì nỗi lo tiêu thụ với chính chủ đầu tư dự án này cũng chưa hề vơi đi.
Chưa kể, nguyên liệu chính để làm xi măng (đá vôi, đất sét) không còn thuận lợi vì thủ tục cấp phép nâng công suất khai thác mỏ, nguồn cung nguyên liệu phụ gia trong sản xuất clinker khan hiếm, giá thành cao, làm đội chi phí sản xuất.
Năm 2023, tiêu thụ xi măng nội địa chưa tới 60 triệu tấn, nhưng công suất thiết kế toàn ngành đã vượt 123 triệu tấn và hoàn toàn có thể sản xuất vượt mức này nhờ điều chỉnh tỷ lệ phụ gia.
Do không bán được hàng, năm 2023, hầu hết dây chuyền trong ngành xi măng chỉ hoạt động đạt 75% công suất thiết kế. Theo Bộ Xây dựng, riêng năm 2023, có 42 dây chuyền phải ngừng sản xuất 1-6 tháng, một số dây chuyền phải dừng cả năm. Trong số này, hàng loạt nhà máy “đóng đô” tại Hà Nam đều phải dừng sản xuất từ 1 tháng tới 1 năm. Đơn cử, Xi măng Thành Thắng dừng cả năm 1 dây chuyền, Vissai Hà Nam dừng cả năm 1 dây chuyền, Xi măng Phúc Sơn (Hải Dương) dừng cả năm 2 dây chuyền…
Tiêu thụ nội địa quá thấp, ngành xi măng đẩy mạnh xuất khẩu để có đầu ra, nhưng 2 năm gần nhất, sản lượng xuất khẩu chỉ quanh mức 31-32 triệu tấn, giá xuất khẩu cũng xuống thấp, đại cục ngành xi măng đang cực kỳ khó khăn.
Tại thời điểm này, khó khăn của ngành xi măng vẫn còn nguyên. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), cả tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu đều thấp. Trong khi đó, giá xi măng và clinker liên tục giảm, nhiều sản phẩm đang phải bán dưới giá thành sản xuất.
Số liệu từ Báo cáo ngành xi măng cho thấy, lượng tiêu thụ xi măng nội địa tháng 7/2024 ước đạt 4,65 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023; lũy kế 7 tháng năm 2024 vẫn giảm 4% so với cùng kỳ, đạt gần 32 triệu tấn.
Kênh xuất khẩu cũng không khả quan hơn, khi sản lượng xấp xỉ cùng kỳ năm trước, với 18,4 triệu tấn, nhưng do giá xuất khẩu xuống thấp nên trị giá giảm mạnh, chỉ thu về 705 triệu USD, bằng 87,5% mức thực hiện cùng kỳ.
Chưa dễ thở hơn
Tổng mức đầu tư ngành xi măng Việt Nam hiện lên đến 500.000 tỷ đồng, với tổng công suất đạt 123 triệu tấn/năm. Nhu cầu yếu, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, thị trường cạnh tranh khốc liệt cả nội địa lẫn xuất khẩu đang là những chỉ dấu không tích cực với ngành xi măng.
Ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) thừa nhận, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng khủng hoảng này là do dư thừa sản lượng.
Theo đó, 6 tháng đầu năm, Vicem ghi nhận lợi nhuận âm 863 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm 2023. Đối mặt với kinh doanh sa sút vì đầu ra chưa cải thiện, Vicem cho biết, doanh nghiệp đã và đang cắt giảm mọi chi phí sản xuất để có giá thành cạnh tranh, tăng sức tiêu thụ xi măng, rà soát và xây dựng các kịch bản chạy lò hiệu quả.
Hiện tại, áp lực dư thừa công suất sản xuất clinker trong nước rất lớn, trên 50 triệu tấn, trong khi tốc độ xây dựng lại rất chậm, dẫn đến áp lực nợ xấu ngành xi măng đang và sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.
Với những dự án mới đưa vào vận hành như dây chuyền 5 của Thành Thắng Group, do thị trường tiêu thụ không thuận lợi, “bội thực” nguồn cung, chắc chắn sẽ dẫn đến áp lực trả nợ lãi vay, trả nợ gốc rất lớn với doanh nghiệp này.
Theo nhận định của phần lớn doanh nghiệp xi măng, khả năng hoàn thành kế hoạch năm nay là rất khó khăn. Thị trường xây dựng từ nay đến cuối năm được dự báo vẫn trong tình trạng cầu thấp. Dự kiến, tiêu thụ nội địa năm nay khó đạt 60 triệu tấn (năm ngoái đạt 56,6 triệu tấn, bằng 83,5% năm 2022). Xuất khẩu sẽ thấp hơn năm ngoái. VNCA ước tính, tiêu thụ xi măng cả năm nay chỉ tương đương năm ngoái (88-90 triệu tấn).