Dư luận quốc tế trước căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ - Pakistan

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đã bị đẩy lên một nấc thang mới đầy nguy hiểm khi Ấn Độ chính thức tấn công nhiều địa điểm ở Pakistan. Pakistan cũng tuyên bố sẽ có hình thức đáp trả tương xứng vào một thời điểm phù hợp do nước này lựa chọn. Những diễn biến mới này tại khu vực Nam Á khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại.

Trong thông điệp phát đi sáng nay (7/5), người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Stephane Dujarric dẫn lời Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres bày tỏ quan ngại về căng thẳng "mức cao nhất trong nhiều năm" ở biên giới Ấn Độ-Pakistan. Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, thế giới không thể chịu đựng một cuộc đối đầu quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan. Ông kêu gọi kiềm chế quân sự tối đa từ cả hai nước.

Lực lượng an ninh Ấn Độ đứng gác ở Wuyan thuộc quận Pulwama của Kashmir do Ấn Độ quản lý. Ảnh: Reuters

Lực lượng an ninh Ấn Độ đứng gác ở Wuyan thuộc quận Pulwama của Kashmir do Ấn Độ quản lý. Ảnh: Reuters

Phát biểu trước báo giới một ngày trước đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cũng đã nhấn mạnh vấn đề này: "Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Tôi vô cùng tôn trọng và vô cùng biết ơn chính phủ hai nước và những đóng góp đáng kể của họ cho công việc của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Và vì vậy, tôi rất đau lòng khi thấy mối quan hệ căng thẳng đang đạt đến đỉnh điểm. Vào thời điểm quan trọng này, phải tránh xung đột quân sự có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát. Bây giờ là lúc cần phải kiềm chế tối đa và tránh xa bờ vực. Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ sáng kiến nào thúc đẩy giảm leo thang, tăng cường ngoại giao và cam kết đối với hòa bình".

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại và lấy làm tiếc về tình hình hiện nay giữa Ấn Độ và Pakistan, đồng thời hi vọng, cuộc giao tranh sẽ nhanh chóng kết thúc. Tổng thống Mỹ cho biết, ông đang theo dõi sát sao vụ việc: "Thật đáng tiếc. Chúng tôi vừa được thông báo về tình hình khi chúng tôi vừa bước vào cánh cửa của Phòng Bầu dục. Họ đã chiến đấu trong một thời gian dài, trong nhiều thập kỷ và thực tế là nhiều thế kỷ nếu bạn thực sự nghĩ về điều đó. Nhưng tôi chỉ hy vọng cuộc chiến sẽ kết thúc thật nhanh".

Phản hồi về diễn biến leo thang quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng đã kêu gọi các bên bình tĩnh. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rubio cũng đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar và Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif, kêu gọi cả hai bên hạ nhiệt và theo đuổi đối thoại.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) - quốc gia vốn duy trì quan hệ ngoại giao với cả Ấn Độ và Pakistan, đã có lập trường chủ động, kêu gọi cả hai quốc gia tránh leo thang thêm nữa. Trong một tuyên bố đưa ra hôm nay (7/5), Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và sự hiểu biết lẫn nhau. Theo Ngoại trưởng UAE, các bên cần lắng nghe tiếng nói kêu gọi đối thoại và sự hiểu biết lẫn nhau để ngăn chặn leo thang quân sự, tăng cường ổn định ở Nam Á và tránh căng thẳng khu vực hơn nữa.

Trong bối cảnh cả hai nước đều sở hữu vũ khí hạt nhân, nguy cơ xung đột lan rộng là điều khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Phát biểu tại họp báo sáng nay, Bộ trưởng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nhấn mạnh: “Chúng tôi vô cùng lo ngại rằng sự cố này có thể kích động trả đũa và leo thang thành xung đột quân sự toàn diện. Để đảm bảo hòa bình ở Nam Á, chúng tôi kêu gọi cả Ấn Độ và Pakistan kiềm chế và ổn định tình hình thông qua đối thoại”.

Trong bối cảnh mối quan hệ của Pakistan với nước láng giềng Ấn Độ trở nên căng thẳng, nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới như hãng hàng không Air France của Pháp, hãng hàng không quốc gia Lufthansa của Đức, các hãng hàng không của Thái Lan, Hàn Quốc đã đình chỉ các chuyến bay hoặc tránh không phận qua Pakistan. Trong khi các hãng hàng không của Anh, Thụy Sỹ, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất lại lựa chọn di chuyển qua Biển Ả Rập và sau đó quay hướng Bắc về phía Ấn Độ để tránh không phận Pakistan.

Hồng Nhung/VOV1 (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/du-luan-quoc-te-truoc-cang-thang-leo-thang-giua-an-do-pakistan-post1197690.vov
Zalo