Dữ liệu - 'dòng máu' của chuyển đổi số

Trong kỷ nguyên số, chúng ta sẽ bị lạc hậu, bị thụt lùi nếu không nắm giữ lấy tài nguyên lớn - đó là dữ liệu. Đây không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là nền tảng cốt lõi cho mọi hoạt động của chính quyền, doanh nghiệp và xã hội. Xác định tầm quan trọng của dữ liệu số đối với quá trình thực hiện chuyển đổi số (CĐS), các ngành, đơn vị trong tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện số hóa, phát triển dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời, tăng cường kết nối, chia sẻ để khai thác các dữ liệu số phục vụ tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và tạo ra nhiều tiện ích cho người dân.

KHAI THÁC HIỆU QUẢ DỮ LIỆU SỐ

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Chúng ta đang bước vào giai đoạn bình minh của kỷ nguyên số, thời kỳ dữ liệu đã trở thành tài nguyên, tư liệu sản xuất quan trọng, trở thành một năng lượng mới, thậm chí là “máu” của nền kinh tế số. CĐS, với dữ liệu là trung tâm, đang làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và phát triển.

Xác định tầm quan trọng của dữ liệu trong CĐS, những năm qua, Bình Phước đã xây dựng dữ liệu theo hướng đồng bộ, tập trung và phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tỉnh đã xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng như: Cơ sở dữ liệu dân cư, liên thông với hệ thống quốc gia, phục vụ xác thực danh tính, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Cơ sở dữ liệu đất đai được số hóa và cập nhật, phục vụ công tác quy hoạch, cấp giấy chứng nhận, quản lý tài nguyên. Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, nông nghiệp… đang được cập nhật và đồng bộ hóa. Cùng với đó là xây dựng Trung tâm dữ liệu (Data Center) của tỉnh.

Trung tâm tích hợp dữ liệu là nơi tập trung dữ liệu và các phần mềm của toàn tỉnh, phục vụ nhu cầu truy cập, khai thác dữ liệu của các cơ quan nhà nước

Trung tâm tích hợp dữ liệu là nơi tập trung dữ liệu và các phần mềm của toàn tỉnh, phục vụ nhu cầu truy cập, khai thác dữ liệu của các cơ quan nhà nước

Cơ sở dữ liệu một số ngành, lĩnh vực trong tỉnh đã được xây dựng, từng bước hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở phục vụ tiến trình xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh. Điển hình trong lĩnh vực y tế, hầu hết cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện số hóa dữ liệu kết quả khám, chữa bệnh của người dân và cập nhật lên hệ thống của ngành y tế.

Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Nguyên, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: “Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện số hóa dữ liệu kết quả khám, chữa bệnh của người dân và cập nhật lên hệ thống ngành y tế, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục trực tuyến. Dữ liệu liên thông đồng bộ đã giúp đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế giảm bớt thao tác, đưa ra kết quả nhanh chóng, kịp thời, chính xác”.

Lĩnh vực giáo dục cũng đang đẩy mạnh số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, kết nối cơ sở dữ liệu ngành với các cơ sở dữ liệu quốc gia một cách hiệu quả. Hiện toàn bộ thông tin của cán bộ, giáo viên, học sinh trong tỉnh được cập nhật lên phần mềm trực tuyến. Ông Nguyễn Văn Diễn, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Chơn Thành cho biết: Mỗi trường học trên địa bàn thị xã đang triển khai 8 phần mềm để thực hiện các nhiệm vụ CĐS, kết nối liên thông với Bộ GD&ĐT. Học bạ số đã triển khai ở 100% cấp tiểu học và đang triển khai cho cấp THCS, hướng tới thay thế hoàn toàn văn bản giấy, giúp nâng cao công tác quản lý, quản trị, tra soát các thông tin về học sinh theo hướng khoa học, hệ thống.

Cơ sở dữ liệu lĩnh vực nông nghiệp đang được cập nhật và đồng bộ hóa. Trong ảnh: Từng cây sầu riêng của Hợp tác xã sầu riêng Long Bình (huyện Phú Riềng) được đánh số thứ tự và gắn mã QR để quản lý quy trình sản xuất

Cơ sở dữ liệu lĩnh vực nông nghiệp đang được cập nhật và đồng bộ hóa. Trong ảnh: Từng cây sầu riêng của Hợp tác xã sầu riêng Long Bình (huyện Phú Riềng) được đánh số thứ tự và gắn mã QR để quản lý quy trình sản xuất

Cùng với đó, việc số hóa và khai thác dữ liệu số trong giải quyết TTHC được tỉnh triển khai ở tất cả lĩnh vực. Ông Đỗ Xuân Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Hiện nay, hồ sơ công dân đã từng nộp đều được số hóa, do đó ở lần giao dịch TTHC tiếp theo nếu phải sử dụng lại những giấy tờ mà công dân từng nộp thì cán bộ có thể tra cứu trên hệ thống để đối sánh, thẩm định giải quyết TTHC thuận lợi cho người dân. Qua đó, tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại, đồng thời nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức.

HỆ THỐNG DỮ LIỆU PHẢI “NÓI CHUYỆN” VỚI NHAU

Bên cạnh xây dựng cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị, Đề án ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06) đang được ứng dụng để phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển kinh tế - xã hội, công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư.

Hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện số hóa dữ liệu kết quả khám, chữa bệnh của công dân và cập nhật lên hệ thống của ngành y tế. Trong ảnh: Người dân đăng ký khám, chữa bệnh tại Kiosk tự động, Bệnh viện đa khoa tỉnh

Hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện số hóa dữ liệu kết quả khám, chữa bệnh của công dân và cập nhật lên hệ thống của ngành y tế. Trong ảnh: Người dân đăng ký khám, chữa bệnh tại Kiosk tự động, Bệnh viện đa khoa tỉnh

Đại tá Nguyễn Huy Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Bình Phước đã nỗ lực, quyết tâm đảm bảo dữ liệu về dân cư luôn ở trạng thái “đúng, đủ, sạch, sống” để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Để khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh đã hoàn thiện dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, bảo đảm 100% dữ liệu công dân được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tích hợp, chia sẻ thông suốt với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được chuẩn hóa đến từng cá nhân và được bổ sung, cập nhật thường xuyên nên bảo đảm độ chính xác cao. Từ đó, cung cấp thông tin chính xác cho việc xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn phù hợp.

Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Để kết nối, đồng bộ và khai thác hiệu quả các nguồn cơ sở dữ liệu đã được xây dựng, tỉnh đã hoàn thiện hạ tầng và nền tảng kết nối liên thông. Đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số, đặc biệt là trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh, kết nối với Trục quốc gia (NGSP). Xây dựng kiến trúc dữ liệu tổng thể của tỉnh để thống nhất kết nối dữ liệu giữa các cơ quan, ngành. Chuẩn hóa định dạng, tiêu chuẩn kỹ thuật dữ liệu, đảm bảo các hệ thống có thể “nói chuyện” với nhau. Khi các dữ liệu được kết nối thông suốt, liên ngành, tỉnh Bình Phước sẽ có được “dòng máu số” mạnh mẽ để điều hành thông minh và phục vụ người dân hiệu quả hơn.

CĐS không thể thành công nếu dữ liệu không được xem là tài sản chiến lược. Nhiều cơ quan vẫn coi dữ liệu là “tài liệu nội bộ”, ngại chia sẻ, chưa chuyển sang tư duy mở, liên thông, dùng chung. Nhiều hệ thống dữ liệu phân tán, trùng lắp, không đồng bộ, gây lãng phí và khó khăn khi khai thác. Chưa có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu toàn diện giữa các ngành... Những bất cập này đặt ra yêu cầu khẩn cấp, đồng bộ và kiên quyết cho các cơ quan chức năng trong việc chuyển từ “lưu trữ dữ liệu” sang “quản trị dữ liệu”, từ đó mới nâng tầm hiệu quả của dữ liệu trong CĐS.

Ông NGUYỄN MINH QUANG, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số. Đẩy mạnh CĐS gắn với bảo đảm an ninh, an toàn. Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách TTHC thực chất. Phát triển kinh tế số, xây dựng công dân số.

Trong kỷ nguyên số, chúng ta sẽ bị lạc hậu, bị thụt lùi nếu không nắm giữ tài nguyên lớn - dữ liệu. Vì vậy, dữ liệu phải đảm bảo các tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”, phải được quản trị hiệu quả để khai thác tối đa giá trị hiện hữu. Khi ấy, dữ liệu sẽ là nguồn tài nguyên quý giá và vô tận để phục vụ Chính phủ - doanh nghiệp và người dân.

Ngân Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/502/171891/du-lieu-dong-mau-cua-chuyen-doi-so
Zalo