'Du lịch xanh' trên đồng dâu Thành Thịnh
Phát triển 'du lịch xanh' được xem là hướng đi phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Là vùng chuyên canh dâu tằm, xã Thành Thịnh, huyện Trấn Yên đang hướng đến phát triển cây dâu tằm gắn với xây dựng cảnh quan khu vực trồng dâu, nuôi tằm và tạo ra các sản phẩm từ cây dâu để phát triển mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm. Mô hình du lịch trải nghiệm này hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, phát huy các di sản, văn hóa, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường để tăng thu nhập cho người nông dân, người sản xuất, góp phần phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ.

Cánh đồng dâu tại thôn Lan Đình, xã Thành Thịnh rực rỡ sắc hoa, sẵn sàng đón du khách trải nghiệm hái lá dâu, quả dâu và check in.
Hồi sinh sau bão
Những ngày đầu tháng 4, đến xã Thành Thịnh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi vừa mới đây thôi cơn bão số 3 đã làm Thành Thịnh - nơi được coi là "thủ phủ” nghề trồng dâu, nuôi tằm của huyện trở nên tan hoang, xơ xác. Cả cánh đồng chìm sâu trong bùn đất, những cây dâu còn sót lại cũng bị bùn bao phủ hoặc chết khô. Vậy mà giờ đây Thành Thịnh đã hồi sinh mạnh mẽ, cánh đồng dâu khoác tấm áo mới xanh mướt, trải dọc hai bên đường là những thảm hoa cánh bướm đầy màu sắc, rập rờn trong gió. Trên những ruộng dâu người dân í ới hái lá.
Chị Vũ Thị Lan, thôn Lan Đình, xã Thành Thịnh vừa nhanh tay hái lá dâu vừa phấn khởi cho hay: "Gia đình tôi có 1,2 mẫu dâu, bão số 3 đã làm nhiều diện tích cây bị chết. May mắn được sự quan tâm của tỉnh, các bộ, ngành, chúng tôi cũng tích cực áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, phục hồi. Do vậy, đến nay toàn bộ diện tích dâu của gia đình đã hồi sinh. Những cây dâu như được "tiếp sức”, lá to dày và đây là vòng tằm thứ 2 gia đình nuôi, dự kiến năm nay gia đình sẽ thu được khoảng gần 200 triệu đồng”.
Xã Thành Thịnh có gần 300 ha dâu - đây là địa phương có diện tích trồng dâu, nuôi tằm lớn nhất của huyện Trấn Yên. Do ảnh hưởng của bão số 3, 100% diện tích dâu của xã bị ngập chìm trong nước, gần 50% diện tích bị ảnh hưởng nặng. Ngay sau bão, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại, đưa ra giải pháp phù hợp. Đối với diện tích trên cao, cứu được thì áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc để cây dâu phục hồi. Đối với những diện tích phải trồng lại, xem xét yếu tố cải tạo đất. Thành Thịnh đã sớm khôi phục diện tích để ổn định cuộc sống cho người dân.
Mở rộng diện tích trồng dâu
Nhiều năm qua, cây dâu tằm đã phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành Thịnh. Thực tế cho thấy, trồng dâu nuôi tằm hiệu quả khá cao, mỗi héc ta dâu cho thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm. Cây dâu phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, lao động nơi đây. Nhờ vậy, đến nay, việc trồng dâu nuôi tằm được phát triển mở rộng, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị trên thị trường, đem lại nguồn thu nhập ổn định và làm giàu cho nông dân Thành Thịnh.
Nhằm hỗ trợ các hộ dân tham gia liên kết mở rộng, phát triển vùng trồng, địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tổng hợp thâm canh cây dâu cho người dân. Đồng thời, xã cũng phối hợp với ngành nông nghiệp huyện chuyển giao kỹ thuật cho các hộ tham gia áp dụng mô hình nuôi tằm trên khay trượt có bánh xe dễ di chuyển, dễ vệ sinh; khi cho tằm ăn, chỉ cần kéo lần lượt các khay nên không tốn nhiều công, tiết kiệm thời gian cho ăn, bảo đảm vệ sinh.
Đồng thời tiếp tục thực hiện kỹ thuật đưa tằm lên né gỗ ô vuông và phối hợp với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Miền Bắc - doanh nghiệp liên kết phát triển trồng dâu nuôi tằm và tiêu thụ sản phẩm kén trên địa bàn. Dự kiến năm 2025, Thành Thịnh tận dụng triệt để các diện tích đất nông nghiệp để mở rộng trồng mới 10ha dâu, trồng cải tạo thay thế 26,5ha; sản lượng kén tằm đạt 515 tấn/năm; duy trì và giữ vững chứng nhận OCOP đối với các sản phẩm từ cây dâu, đặc biệt là rượu dâu Việt Thành.

Du khách trải nghiệm hái dâu trên cánh đồng Thành Thịnh.
Phát triển "du lịch xanh”
Hướng tới phát triển "du lịch xanh”, xã Thành Thịnh đã phối hợp với Công ty cổ phần Silk Tây Bắc xây dựng Dự án "Xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm trồng dâu - nuôi tằm - ươm tơ dệt lụa tại huyện Trấn Yên, giai đoạn 2024 - 2025”. Theo đó, địa phương đã xây dựng bản đồ quy hoạch tổng thể khu vực du lịch trải nghiệm dâu tằm tơ, quần thể hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, nằm trong tổng thể hệ sinh thái du lịch trải nghiệm của tỉnh. Mô hình là một quần thể hài hòa, kết hợp truyền thống và hiện đại để du khách, đặc biệt là giới trẻ hiểu thêm về tiến trình lịch sử của ngành canh cửi truyền thống, quá trình làm ra tấm lụa và các sản phẩm khác từ tằm tơ…
Không gian trải nghiệm cũng sẽ giúp du khách hiểu hơn về bản sắc văn hóa của người dân tộc Tày, Mường nơi đây. Hiện Thành Thịnh đã xây dựng bản đồ quy hoạch tổng thể mô hình du lịch trải nghiệm trồng dâu - nuôi tằm - ươm tơ dệt lụa với không gian xanh, không gian văn hóa, không gian truyền thống, không gian ẩm thực… Thành Thịnh cũng tạo ấn tượng với du khách khi đến trải nghiệm chụp ảnh, hái quả dâu, lá dâu, thăm quan nhà tằm. Tại đây, du khách còn được thưởng thức sản phẩm từ cây dâu như: trà dâu, rượu dâu, siro dâu và mua các sản phẩm từ cây dâu như khăn lụa tơ tằm…
Để triển khai thực hiện Dự án hiệu quả, Thành Thịnh đã tiến hành mở rộng các tuyến đường thôn, liên thôn từ 3m lên 5m và trồng hoa ven đường, tạo đường vào - ra trên các ruộng dâu, được người dân đồng tình hưởng ứng.
Ông Trần Văn Bắc - thôn Trúc Đình cho hay: "Gia đình tôi hiến trên 700m2 đất vườn để mở rộng đường thôn. Chúng tôi cũng đóng góp tiền và ngày công để hoàn thiện đoạn dốc đá ở đầu thôn và trồng hoa dọc tuyến. Chúng tôi mong rằng con đường rộng mở sạch, đẹp sẽ tạo ấn tượng với du khách tới tham quan, trải nghiệm tại địa phương”.
Bên cạnh đó, xã cũng vận động bà con trồng sen Quan Âm vào diện tích ruộng trũng không trồng dâu được, đồng thời phát triển dịch vụ ăn uống từ các sản vật của địa phương; mở rộng vùng sản xuất quế hữu cơ và các sản phẩm hữu cơ…
Đồng chí Nguyễn Minh Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Thành Thịnh cho biết: "Thời gian qua, Thành Thịnh thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới để phát triển du lịch và lấy phát triển du lịch để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. Cuối tháng 4 này, xã sẽ tổ chức hội thảo về du lịch để người dân các thôn thực hiện Dự án gồm: Lan Đình, Trúc Đình, Phúc Đình và thôn 5 (xã Đào Thịnh cũ) biết đến phương thức, hiệu quả làm du lịch cộng đồng. Thành Thịnh cũng sẽ "kể” câu chuyện để du khách tìm hiểu và biết đến những sản phẩm OCOP của địa phương. Hiện xã đã hoàn thành việc mở rộng các tuyến đường thôn, liên thôn, trồng 2km đường hoa, các nhà tằm đã được thu dọn sạch sẽ, gọn gàng. Xã cũng đã cử cán bộ đi học tập mô hình du lịch trải nghiệm tại một số địa phương để triển khai Dự án một cách hiệu quả.
Phát triển "du lịch xanh” gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế nông nghiệp, làng nghề và môi trường sinh thái của địa phương đang được xem là hướng đi phù hợp trong bối cảnh hiện nay của Thành Thịnh. Tin tưởng một ngày không xa Dự án "Xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm trồng dâu - nuôi tằm - ươm tơ dệt lụa tại huyện Trấn Yên giai đoạn 2024 - 2025” sẽ hoàn thành để du khách có được trải nghiệm mới tại đây.
Khi đó du khách đến với Thành Thịnh sẽ được thỏa sức hái quả dâu, check in giữa cánh đồng dâu xanh thơ mộng, trong không khí mát mẻ trong lành và có những trải nghiệm thú vị từ cánh đồng dâu, nhà tằm để hiểu được tiến trình lịch sử của nghề canh cửi truyền thống, quá trình làm ra tấm lụa cùng các sản phẩm khác từ tằm tơ, từ cây quế. Du khách cũng được trải nghiệm văn hóa đậm đà bản sắc của người Tày, Mường nơi đây. Quê hương dâu xanh, kén vàng trù phú, ấm no, trong lành và thư giãn sẽ ngày càng hút khách nơi xa.