Du lịch xanh - Cơ hội để du lịch Đồng Tháp bứt phá
Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên phạm vi toàn cầu, du lịch xanh có trách nhiệm với môi trường đang trở thành xu hướng. Với những lợi thế về thiên nhiên, văn hóa và vị trí địa lý, Đồng Tháp đang có nhiều dư địa trong khai thác phát triển du lịch xanh, bền vững. Du lịch xanh, với những giá trị bền vững và trải nghiệm độc đáo, được kỳ vọng sẽ là 'chìa khóa' để du lịch Đất Sen hồng bứt phá, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm là xu thế tất yếu
Phát triển du lịch xanh và bền vững đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Đối với một khu vực “nhạy cảm” với biến đổi khí hậu như ĐBSCL thì đây vừa là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức không nhỏ. Hòa nhịp chung với xu hướng của thế giới, thời gian qua, một số tỉnh ở ĐBSCL đã bắt đầu có nhiều cách làm sáng tạo trong việc phát triển du lịch xanh. Hướng đi mới đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp không khói của ĐBSCL.
Là một trong những đơn vị có sáng kiến trong việc khai thác du lịch xanh và bền vững tại tỉnh Bến Tre với mô hình giảm phát thải trong du lịch, Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T (tỉnh Bến Tre) đã mang đến “làn gió mới” cho du lịch xứ dừa. Ông Võ Văn Phong - Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T, chia sẻ: “Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng đến kinh tế nông nghiệp của Bến Tre, đặc biệt là các loại cây trồng chủ lực như dừa và cây ăn trái. Nhận thức được những thách thức này, công ty chúng tôi đã quyết định xây dựng mô hình du lịch “Net Zero” - một hành trình khám phá Bến Tre xanh và bền vững. Qua các tour du lịch này, du khách không chỉ được đắm mình trong văn hóa đặc sắc, thưởng thức ẩm thực địa phương mà còn trực tiếp tham gia bảo vệ môi trường. Từ việc di chuyển bằng xe đạp, thuyền đến việc dùng bữa với các món ăn hữu cơ, hạn chế rác thải nhựa, mỗi hoạt động trong tour đều hướng tới mục tiêu giảm thiểu tác động đến môi trường. Nhờ những nỗ lực không ngừng, mô hình du lịch này đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ nhiệt tình từ du khách, bước đầu mang đến nhiều thay đổi tích cực trong tư duy làm du lịch bền vững của người dân địa phương cũng như sự thay đổi nhận thức về du lịch trách nhiệm đối với du khách”.
Tại Đồng Tháp, nhiều khu, điểm du lịch cũng đang hướng đến xây dựng mô hình du lịch xanh, bền vững. Các đơn vị đã chủ động áp dụng các giải pháp như: sử dụng năng lượng tái tạo, nói không với rác thải nhựa, sử dụng các loại thực phẩm hữu cơ, có nguồn gốc tài nguyên bản địa để phục vụ du lịch...
Anh Hồ Ngọc Hiếu - quản lí Điểm du lịch Như Ba Farmstay, (xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò), cho biết: “Phát triển du lịch xanh đang là xu hướng. Như Ba Farmstay mong muốn mang đến trải nghiệm du lịch xanh, bền vững. Chúng tôi đã tích cực triển khai nhiều giải pháp thân thiện với môi trường như: tận dụng năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho các hoạt động dịch vụ và tưới tiêu cho vườn cây ăn trái tại Farm. Để bảo vệ đất và nguồn nước, Farm hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, chúng tôi đã xây dựng hệ thống ủ phân hữu cơ từ rác thải thực vật để cung cấp nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho cây trồng. Bên cạnh đó, Farm ưu tiên sử dụng các nguyên liệu địa phương trong quá trình phục vụ khách hàng, góp phần bảo tồn văn hóa và kinh tế địa phương...”.
Có thể thấy du lịch xanh không chỉ là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bức thiết. Ngày càng nhiều du khách sẵn sàng chi trả cao hơn để trải nghiệm những dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường và cộng đồng. Điều này cho thấy, du lịch xanh không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn là cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng. ĐBSCL với tiềm năng du lịch sinh thái và văn hóa đặc sắc, có thể tận dụng xu hướng du lịch xanh để phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thành công, các địa phương ở khu vực này cần tập trung vào một số giải pháp như: đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch xanh, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo gắn với bảo tồn thiên nhiên, nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch bền vững, xây dựng các mô hình hợp tác công - tư để thu hút đầu tư.
Du lịch xanh - Cơ hội để du lịch Đồng Tháp bứt phá
Mặc dù không có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ như nhiều tỉnh, thành khác ở ĐBSCL, song theo nhiều chuyên gia về du lịch, Đồng Tháp lại có nhiều tiềm năng trong thúc đẩy phát triển du lịch xanh bền vững. Theo ông Phạm Văn Lương - Giám đốc Helvetas Việt Nam, Đồng Tháp có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch xanh và bền vững như: có địa lý thuận lợi, nằm trên tuyến du lịch từ Sài Gòn và các tỉnh ĐBSCL. Song song đó, Đồng Tháp sở hữu những tài nguyên thiên nhiên quý giá như: Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim, các khu, điểm du lịch nông nghiệp, điển hình là vườn hoa Sa Đéc, vườn quýt hồng Lai Vung hứa hẹn mang đến những trải nghiệm mới lạ cho du khách...
Bà Bùi Minh Nguyệt - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch WildBird, huyện Tam Nông, chia sẻ: “VQG Tràm Chim là tài sản vô giá của Đồng Tháp, mang đến những lợi thế cạnh tranh độc đáo trong việc phát triển du lịch bền vững. Là một trong số ít những vùng đất ngập nước còn sót lại của vùng Đồng Tháp Mười, VQG Tràm Chim sở hữu hệ sinh thái đa dạng phong phú, đặc biệt là các loài chim quý hiếm. Điều này đã thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước yêu thích thiên nhiên và thích khám phá. Tận dụng lợi thế này, công ty đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo như: ngắm bình minh, hoàng hôn, quan sát chim bằng ống nhòm chuyên dụng và các tour khám phá kết hợp văn hóa bản địa. Nhờ đó, VQG Tràm Chim không chỉ là điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn mà còn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của hệ sinh thái đất ngập nước...”.
Bà Phan Yến Ly - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam cho rằng: “Du lịch nông nghiệp là một thế mạnh của Đồng Tháp. Thông qua các lễ hội về nông sản như: Lễ hội sen, xoài, cá tra... không chỉ là dịp để người dân vui chơi, mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh và sản phẩm đặc trưng của địa phương. Việc kết hợp du lịch nông nghiệp với các hoạt động trải nghiệm như tham gia thu hoạch, chế biến sản phẩm nông nghiệp, hay thưởng thức ẩm thực địa phương sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo và khó quên. Tuy nhiên, để phát triển du lịch xanh, bền vững, Đồng Tháp vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Cơ sở hạ tầng du lịch còn nhiều hạn chế, chất lượng dịch vụ chưa đồng đều và nhận thức của người dân về du lịch bền vững chưa cao... là những “điểm nghẽn” của du lịch Đồng Tháp. Vì vậy để giải quyết những thách thức này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch Đồng Tháp cũng là một yêu cầu cấp thiết.
Du lịch xanh là tiềm năng, lợi thế của Đồng Tháp. Để phát huy hiệu quả, tạo đột phá cần có sự chung tay của cả cộng đồng, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ môi trường là những yếu tố quyết định thành công.