Du lịch mùa đông Thanh Hóa có gì?

Không chỉ sở hữu những bãi biển đẹp nổi tiếng, xứ Thanh còn hấp dẫn du khách bởi những điểm đến đặc sắc trong mùa đông, cho du khách trải nghiệm 'Hương sắc 4 mùa'.

Khách tham quan tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh.

Khách tham quan tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh.

Mùa đông tại Thanh Hóa thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 1 theo lịch dương với nền nhiệt trung bình từ 12 - 22oC, trời ít mưa và số ngày nắng khá nhiều, thuận lợi cho các hoạt động du lịch. Đặc biệt, dưới cái lạnh của mùa đông, thiên nhiên xứ Thanh như được khoác lên mình “tấm áo” mới nhiều màu sắc, thú vị và độc đáo hơn. Chính vì thế, hành trình khám phá xứ Thanh của du khách trong những dịp này sẽ có thêm nhiều trải nghiệm mới lạ.

Được mệnh danh là “Tràng An thu nhỏ” của xứ Thanh, khu danh thắng Kim Sơn, xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc) ngày càng được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Khám phá khu danh thắng, du khách không thể không trải nghiệm đi thuyền trên dòng suối Ấu, thả mình theo vẻ đẹp của những bông hoa súng dọc hai bên bờ. Dòng suối Ấu hiền hòa uốn mình quanh núi Nham Sơn và động Kim Sơn, tạo thành một vòng nối với dãy núi Thung Vịnh (nơi có động Tiên Sơn được phát hiện vào năm 2003).

Một trong những điểm nhấn cũng là sự thu hút du khách đến nơi này chính là những bông hoa súng nở dọc hai bên suối. Hoa súng ở đây nở đẹp suốt 4 mùa, trong đó rực rỡ nhất là vào mùa hè và mùa thu đông. Đặc biệt, vào mùa đông, hàng cây thủy bặn, một loài cây lấy gỗ, ưa nước trồng hai bên bờ suối, chuyển màu gợi nhớ đến những vùng xứ lạnh, tạo nên sự độc đáo trong cảnh sắc thiên nhiên. Bên cạnh đó, sự tĩnh mặc của mùa đông khiến không gian, cảnh vật, nhịp sống nơi đây dường như tách biệt với cuộc sống náo nhiệt bên ngoài, mang đến cho du khách cảm giác thư thái, dễ chịu.

Suối Ấu cũng là nơi trồng củ ấu nhiều nhất ở Thanh Hóa. Vì vậy, vào mùa thu hoạch ấu từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 11 dương lịch, khi đến đây, du khách còn được trải nghiệm cùng người dân bản địa chèo thuyền thu hoạch củ ấu. Chị Nguyễn Thị Thỏa, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Trong không gian yên tĩnh của dòng suối Ấu, chúng tôi nghe rõ từng nhịp chèo thuyền, được suýt xoa cái lạnh của mùa đông... Không những thế, từ nhỏ tôi đã được ăn củ ấu nhưng không biết củ ấu trồng thế nào. Nay, tận mắt nhìn, mới thấu hiểu thiên nhiên thật tuyệt vời, cỏ cây cũng vô cùng mạnh mẽ”.

Với “bức tranh” “sơn thủy hữu tình”, khu danh thắng Kim Sơn còn bị “mê hoặc” bởi hệ thống các hang động. Trong đó động lớn nhất là Ngọc Kiều với chiều dài hơn 50m, rộng gần 20m. Trên vách động còn lưu giữ nhiều văn bia Hán Nôm. Đến Kim Sơn, du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp chùa Linh Ứng, xây dựng từ thời Lý và trùng tu vào thời vua Bảo Đại.

Du khách đi thuyền trên dòng suối Ấu.

Du khách đi thuyền trên dòng suối Ấu.

Thêm một điểm dừng chân thú vị cho chuyến du lịch mùa đông này là Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, một trong những điểm đến nổi tiếng của Thanh Hóa. Khu di tích thu hút khách tham quan 4 mùa trong năm. Giữa không gian rộng lớn trên 140ha, với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi sẽ là trải nghiệm khó quên của du khách.

Khu di tích gồm hệ thống các công trình: đại điện (chính điện), các tòa thái miếu, tả vu, hữu vu, tây thất, đông trù, nghinh môn, sân rồng, hồ bán nguyệt, sông Ngọc, cầu Bạch, hồ Tây, hồ Như Áng, hệ thống tường thành... Đặc biệt, với vai trò là “kinh đô” tưởng niệm, Lam Kinh nổi bật với một hệ thống lăng mộ, bia đá ghi công lao của vua Lê Thái Tổ (Vĩnh Lăng), Lê Thái Tông (Hựu Lăng), Lê Thánh Tông (Chiêu Lăng), Lê Hiến Tông (Dụ Lăng), Lê Túc Tông (Kinh Lăng)... Đây là những công trình kiến trúc nghệ thuật có quy mô lớn, thể hiện trình độ cao về kỹ thuật, mỹ thuật của kiến trúc thời Lê sơ và Lê Trung Hưng.

Không chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước bởi kiến trúc độc đáo đậm chất Á Đông của khu kinh thành cổ, Lam Kinh còn thu hút du khách với những câu chuyện truyền thuyết mang màu sắc huyền bí tại khu lăng tẩm của các vị vua thời Hậu Lê. Đó là truyền thuyết về cây ổi cười. Chỉ dùng ngón tay chạm nhẹ vào thân cây thì đầu lá sẽ rung lên như đang cười. Rồi chuyện “cây lim hiến thân”. Cây lim này khi đang xanh tươi, khỏe mạnh bất ngờ trút hết lá “ra đi” ngay khi dự án phục hồi phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt năm 2010. Thân và cành lim được ước lượng đủ kích thước để làm một bộ gồm: cột cái, cột quân, cột góc và thượng lương để phục vụ lễ phạt mộc khi khởi công cung điện vào tháng 10 cùng năm...

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện truyền thuyết mà du khách sẽ được trực tiếp trải nghiệm khi đến thăm Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, trong những ngày đông để ngược dòng về quá khứ mà nhớ đến một thời kỳ hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gia tăng trải nghiệm “hương sắc 4 mùa” đang là thế mạnh của Thanh Hóa. Đến xứ Thanh mùa nào du khách cũng sẽ có những lựa chọn phù hợp, thậm chí cùng một điểm đến nhưng mỗi mùa sẽ có sản phẩm du lịch khác nhau và những điều thú vị khác nhau.

Bài và ảnh: Phan Thị

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/du-lich-mua-dong-nbsp-thanh-hoa-co-gi-34449.htm
Zalo