Ngữ lục của Hòa thượng Tuyên Hóa
Những lời dạy của Hòa thượng Tuyên Hóa thật ngắn gọn, dễ hiểu, trí tuệ và đáng quý, phù hợp với Chính Pháp của đức Phật. Chúng ta nên tìm hiểu thêm các sách của Ngài.
Ngữ Lục (Goroku): “Lời nói được ghi chép lại” của hòa thượng Tuyên Hóa. (Goroku : “Recorded sayings” of Master Hsuan Hua.)
Hòa thượng TUYÊN HÓA- Master Hsuan Hua or Xuanhua (1918-1995) là một cao tăng thời hiện đại.
Ngài là một trong những bậc thầy Phật giáo Trung Hoa lỗi lạc nhất của thế kỷ XX. (One of the most eminent Chinese Buddhist masters of the twentieth century)
Ngài nổi tiếng với các tác phẩm được tái bản ở Việt Nam nhiều lần với số lượng lớn: Gậy kim cang hét, Quê Hương Cực Lạc, Pháp ngữ hòa thượng Tuyên Hóa, Khai thị của Hòa thượng Tuyên Hóa, Luận Đại Thừa Trăm Pháp Minh Môn, Chú Đại Bi Giảng Giải, Kinh Thủ Lăng Nghiêm Giảng Giải, Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Giảng Giải …
*Khi Ngài nhập Niết Bàn, trong lễ trà tỳ Ngài, người ta thu được hàng ngàn viên xá lợi rất đẹp, đủ hình dạng, màu sắc.
(The Venerable Master Hsuan Hua's sharira (relics after cremation) include teeth sharira.
More than four thousand sharira seeds and several hundred sharira clusters have been counted.
The sharira are white, light yellow, green, blue, black, and other colors.
Some of the sharira which are formed on the bones gleam like green jade.
They are particularly rare.
One of the Venerable Master's disciples, moved by the sight of the Master's teeth sharira, said,
"In his life, the Venerable Master lectured on the Sutras and spoke Dharma in several tens of thousands of assemblies.
No wonder his cremation yielded teeth relics!"
Another disciple commented, "The Venerable Master only spoke true and actual words.
That's why his teeth have become relics after cremation."
- By GONG TONGZUO- source: cttbusa.org)
Ngài Tuyên Hóa đã từng đến Việt Nam thuyết pháp vào tháng 12, năm 1974, tại chùa Xá Lợi.
1. ĐẠO PHẬT & PHẬT PHÁP
(Trích sách “Tuyên Hóa pháp ngữ lục”- Nhà xuất bản Đồng Nai- 2016, trang 81)
Tông chỉ của Phật Giáo là mọi người ai cũng có thể thành Phật.
Chúng sinh trong hiện tại là cha mẹ của chúng ta thuở quá khứ, là chư Phật trong tương lai.
Nếu đối với chúng sinh mà khởi tâm sân hận tức là sân hận với cha mẹ và chư Phật, trở thành người con ngỗ nghịch, bất hiếu.
Tôi gọi đạo Phật là đạo của chúng sinh, vì ai ai cũng không chạy ra khỏi hư không, Pháp-giới, ai ai cũng là chúng sinh.
Thế nên, đạo Phật là đạo học của tất cả chúng sinh.
Tôi cũng gọi đạo Phật là đạo của con người, vì tất cả mọi người đều có tư cách thành Phật.
Chỉ cần chuyên nhất tu hành thì cuối cùng chắc chắn ai ai cũng sẽ thành Phật.
Tôi lại gọi đạo Phật là đạo của tâm, vì mọi người đều có tâm.
Tu hành tức là dẹp trừ vọng tâm và lưu giữ chân tâm.
Có VỌNG TÂM là phàm phu, có CHÂN TÂM là Phật.
Dâm dục là nguồn gốc của sinh tử.
Nếu không đoạn dâm dục thì muốn sinh lên trời cũng không được.
Huống hồ là muốn chứng Đạo Vô thượng Bồ-đề?
Vì vậy, nếu muốn tu phép Thiền-định Tam-ma-đề, muốn vượt khỏi biển sinh tử khổ đau, thì trước hết phải vượt qua cửa ải này.
*Muốn phát tâm Bồ-đề, nhất định phải nghe và học Phật Pháp cho nhiều.
Khi hiểu rõ Phật Pháp rồi thì tự nhiên sẽ phát Tâm Bồ-đề.
Đạo Phật bao trùm khắp hư không, Pháp-giới.
Tất cả chúng sinh đều đầy đủ Phật-tính, đều có thể thành Phật.
Hiện tại nếu chư vị chưa tin tưởng Phật Pháp, thì tương lai sẽ tin tưởng.
Nếu tương lai chư vị vẫn chưa tin tưởng Phật Pháp thì kiếp sau sẽ tin tưởng.
Không những nhất định chư vị sẽ tin tưởng Phật Pháp mà chắc chắn sẽ thành Phật nữa!
*Chú Thủ-lăng-Nghiêm là vua trong các Chú, cũng là bài chú dài nhất.
Bài chú này rất quan trọng đối với sự thịnh suy của Phật Giáo.
Trên thế giới, nếu còn người trì tụng Chú Thủ-Lăng-Nghiêm thì Chính Pháp sẽ còn tồn tại.
Nếu không còn người nào trì tụng Chú Thủ-Lăng-Nghiêm, thì sẽ không còn Chính Pháp.
Chú Thủ-Lăng-Nghiêm là thần chú do hóa thân của Như-Lai từ ánh quang minh trên đảnh Đức Phật tuyên thuyết.
Thế nên, diệu dụng không thể nghĩ bàn.
Mỗi chữ đều hàm chứa biết bao diệu dụng thâm sâu.
Thời Mạt Pháp, tất cả thiên ma ngoại đạo, lỵ, mỵ, vọng, lượng, yêu quái núi sông, v.v... sợ nhất là chú Thủ-Lăng-Nghiêm.
Chú Thủ-Lăng-Nghiêm là thần chú "phá tà hiển chính."
Thời Chính Pháp, người người đều muốn tu hành.
Trong thời Mạt Pháp, ai ai cũng đều không tu hành.
Nếu mọi người đều tu hành, thì Mạt Pháp biến thành Chính Pháp.
*PHẬT PHÁP là gì?
Nói vắn tắt, Phật Pháp là chìa khóa.
Hiện tại giảng Kinh, tức là giảng về chiếc chìa khóa này.
Hiện tại thuyết Pháp, tức là thuyết về chiếc chìa khóa này.
Đây là chìa khóa trí huệ mở tung ống khóa vô minh.
Phật Pháp vẫn còn tại thế gian.
Nếu chúng ta có thể dũng mãnh vượt ra khỏi dòng thác điên đảo, phát tâm Bồ-đề rộng lớn, chí thành khẩn thiết mà tu trì Phật Pháp, thì vẫn còn có cơ hội vượt thoát ra khỏi thế giới Ta-bà.
Bằng ngược lại, chúng ta cứ xoay chuyển trong sáu đường không ngưng nghỉ, vĩnh viễn không thể thoát khỏi khổ nạn trong cõi này.
2. CHÂN THẬT NIỆM PHẬT:
(Trang 11, sách “Tuyên Hóa pháp ngữ lục”- Nhà xuất bản Đồng Nai- năm 2016, Phần 1 : QUÊ HƯƠNG CỰC LẠC):
Chúng ta không được may mắn, sinh nhằm vào thời mạt pháp cách Phật khá xa. “Pháp nhược, ma cường”.
Nhưng trong cái không may mắn đó, lại gặp PHÁP MÔN NIỆM PHẬT.
Pháp môn niệm Phật đã không tốn công, lại chẳng phí sức, rất dễ dàng và tiện lợi cho sự hành trì tu tập.
Bởi vì niệm Phật là thành Phật.
*VÌ SAO NIỆM PHẬT LẠI THÀNH PHẬT?
Vì trong vô lượng kiếp trước, đức Phật A Di Đà đã phát ra 48 lời nguyện.
Trong 48 lời nguyện đó, có một nguyện:
“Nếu có chúng sinh xưng niệm danh hiệu của tôi, mà không sinh về thế giới Cực lạc, tôi thệ không thành Chính Giác”.
Phật A Di Đà đã phát ra nguyện lực này, mỗi nguyện mỗi nguyện đều nhiếp thọ chúng sinh vãng sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc.
Với điều kiện là họ phải có lòng tin mãnh liệt.
Đó là tin có đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây phương Cực lạc, nên nguyện đến đó làm đệ tử của đức Phật A Di Đà.
Tha thiết một lòng xưng niệm danh hiệu Ngài và lấy ba món tư lương – TÍN, HẠNH, NGUYỆN – làm căn bản cho việc vãng sinh.
Thế giới Tây phương Cực Lạc, đủ các thứ an vui không bị các thứ khổ não.
Không có ba đường ác – địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Chỉ có các loại chim Bạch hạc, Khổng tước, Anh võ, Ca lăng tần già, Cộng mạng.
Những loại chim đó đều do thần lực của Phật A Di Đà biến hóa ra để diễn hát pháp âm.
Chẳng phải là loại súc sinh thật.
Thế giới Cực Lạc không có các thứ ác duyên phiền não, khổ đau như thế giới Ta bà.
Mà ở đó ngày đêm sáu thời diễn nói diệu pháp – niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Vì vậy, chúng ta muốn vãng sinh về thế giới Cực lạc thì phải chân thành niệm Phật.
Chân thành niệm Phật chính là tâm của mình phải chuyên nhất với câu Phật hiệu, dù thành Phật hay không thành Phật, vãng sinh hay không vãng sinh không cần để ý tới.
Điều quan trọng ngay trong hiện tại chỉ có một việc là nhất tâm niệm Phật mà thôi.
Niệm Phật phải niệm cho chuyên nhất.
Đến khi bạn lâm chung, nhất định đức Phật A Di Đà sẽ đến tiếp dẫn bạn về thế giới của Ngài và tương lai nhất định thành Phật.
*Vì sao người thông thường như chúng ta mà được Phật A Di Đà đến tiếp dẫn?
Lời nói này rất khó tin.
Đúng thật, vì đây là pháp môn khó tin.
Cho nên trong kinh A Di Đà không có vị nào thưa hỏi mà tự đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói.
Vì không có người hiểu và cũng khó có người tin nhận về pháp môn này.
Do vậy, đức Phật Thích Ca Mâu Ni thương xót chúng sinh thời mạt pháp, nên chọn con đường ngắn nhất để dạy bảo chúng ta tu hành.
Chân thành niệm Phật chính là miệng niệm Phật, tâm niệm Phật.
Đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm Phật.
Trong tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà.
Toàn thân hành trì A Di Đà Phật.
*Sao gọi là HÀNH?
Giống như chúng ta bây giờ đến đây tham dự khóa tu niệm Phật.
Cho dù là bận trăm công ngàn việc, gia duyên bận rộn … khi vào tu, thì ta phải buông hết xuống.
Làm thế nào khi ta đến đây tham gia khóa tu này phải phát tâm tu tập thật tha thiết.
Phát tâm niệm Phật cho đến nhất tâm bất loạn.
Muốn nhất tâm bất loạn thì mình phải trì niệm liên tục.
Chẳng phải là niệm một chút, rồi thấy hơi vất vả lại đi tìm chỗ nghỉ.
Đó là tâm giải đãi muốn tìm sự an nhàn theo thế gian.
Thế là không đắc niệm Phật tam muội, không chân thành niệm Phật.
Người chân thành niệm Phật là nhất tâm, nhất ý niệm Phật.
Ngay cả khi ăn cơm, uống nước, mặc áo, đi ngủ cũng không quên.
Xưa nay việc thường tình của con người là ăn, uống, ngủ nghỉ.
Đây là việc không thể thiếu được.
*Riêng người tu niệm Phật lại khác, khác gì?
Là khi vào tu có những việc cần phải quên:
Không để ý tới việc ăn ngon, mặc đẹp, đói khát, ngủ nghỉ …
Đây chính là chân thành niệm Phật.
Nếu công phu tu một chút thì nghĩ đến ăn cơm.
Đó chẳng phải chân thành niệm Phật;
Hoặc lạnh một chút thì vội đi tìm áo mặc cho ấm thân.
Đó cũng phải là chân thành niệm Phật;
Hoặc sợ thiếu ngủ đi tìm chỗ ngủ tiếp, cũng chẳng phải là chân thành niệm Phật.
Người chân thành niệm Phật không luận là đi đứng nằm ngồi hoặc làm bất cứ việc gì, trong tâm chỉ biết câu hồng danh sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”.
Bạn trì niệm liên tục như thế lâu ngày sẽ kết thành một phiến.
Muốn được điều này bạn phải trì niệm liên tục không đứt đoạn.
Đến cả nước chảy cũng nghe niệm câu “Nam Mô A Mi Đà Phật”.
Gió thổi cũng nghe niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”.
Tiếng chim kêu cũng thành tiếng “Nam Mô A Di Đà Phật”.
Câu niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” phải hòa với chính ta không tách rời.
Niệm câu “Nam Mô A Di Đà Phật” không phải một mình ta.
Nghĩa là: ta là yếu tố chính, là năng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”.
Còn câu “Nam Mô A Di Đà Phật” là sở niệm.
Cả hai hòa lại thành một.
Đến đây, gió thổi cũng chẳng lay.
Mưa to cũng chẳng động.
Đạt đến niệm Phật tam muội;
Nước chảy, gió động đều diễn nói diệu pháp :
Niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”.
Như thế mới đúng thật là chân thành niệm Phật.
Giả như nước chảy, gió động mà tâm cứ chao động, trông Đông, ngóng Tây, rồi phân biệt động- tịnh như thế nào?
Đó chẳng phải là chân thành niệm Phật.
Hoặc miệng niệm Phật, mắt thì nhìn trước ngó sau như trộm đồ.
Thế cũng chẳng phải là chân thành niệm Phật.
Chân thành niệm Phật chính là tâm thiết tha với câu Phật hiệu.
Chẳng xen tạp một vọng tưởng nào vào.
Nếu như lúc thì niệm lúc thì nghĩ đến chuyện ăn cơm uống nước, đúng sai, được mất thì không phải là chân thật niệm Phật.
Tất cả các thứ ấy phải buông bỏ hết.
Như thế mới là chân thành niệm Phật.
Niệm Phật không có bí quyết gì cả.
Chỉ đòi hỏi sự chuyên tâm mà thôi, chẳng cần quét vọng tưởng.
Đây chính là chân thành niệm Phật.
Bạn đề khởi chính niệm, đó chính là chân thành niệm Phật.
Bạn muốn hết loạn tưởng, quét hết tà niệm.
Đó chẳng phải chân thành niệm Phật.
Cho nên chân thành niệm Phật thật là vi diệu không thể nói.
Chỉ khi nào bạn dụng công tu, khi ấy bạn mới nhận biết mà thôi.
Khi ấy bạn lại càng đại tự tại, không nhân, không ngã, không chúng sinh, không thọ giả, chỉ có “Nam Mô A Di Đà Phật”.
“Nói” là “Pháp”.
“Hành” là “Đạo”, không chỉ nói mà không hành cũng như miệng nói ăn đồ ngon mà trong bụng lại bị đói, một chút thức ăn cũng không có.
Hôm nay, tôi nói về đạo lý này, mong các vị phải hiểu rõ.
Điều chính yếu phải thiết tha chân thành niệm Phật, chân thành tu niệm Phật.
Thời gian và sinh mạng của chúng ta quý báu vô cùng.
Nhớ đừng bỏ qua.
Hy vọng mọi người luôn ghi nhớ ba điều này trước khi bước vào tu tập “kiên trì, thành thật, hằng ghi”.
3.NIỆM PHẬT GIỐNG NHƯ (GỌI) ĐIỆN THOẠI
(~Trang 16, sách “TUYÊN HÓA PHÁP NGỮ LỤC”- Nhà xuất bản Đồng Nai- Năm 2016, (Mã ISBN :978-604-52-5418-9), phần 1 : QUÊ HƯƠNG CỰC LẠC):
“Mỗi niệm chân thành mỗi niệm thông
Tịch lặng cảm ứng tịch lặng trong
Cho đến non cao nước cùng tận
Rong choi pháp giới khắp Tây Đông.”
Có ai trong pháp hội hiểu ý nghĩa bài kệ này không?
Chữ “niệm” thứ nhất là niệm phải từ nơi tâm phát ra.
Chữ “niệm” thứ hai là từ nơi miệng phát ra.
Niệm phải từ nơi tâm rồi phát ra nơi miệng.
Nếu chỉ “niệm” bằng miệng thì chẳng phải chân thành niệm Phật.
Cho nên, niệm Phật hoặc niệm danh hiệu Bồ tát tâm miệng phải tương ưng, thiết tha, chân thành.
Quý vị niệm đến tâm-khẩu hợp nhất, một mà chẳng thấy hai, cũng chẳng phải niệm theo kiểu tùy hứng.
Cũng không phải tán loạn mà niệm, lại cũng chẳng phải xen tạp vọng tưởng mà niệm.
Làm được những điều trên, mới gọi là niệm Phật “chân thành”.
Niệm một cách chân thành mới có sự cảm ứng.
Cảm ứng này như thế nào?
Chính là tâm phàm phu cùng với ánh quang minh của Phật và Bồ tát tương thông.
Vậy nên nói “Quang quang tương chiếu, khổng khổng tương thông”.
Tức là ánh sáng quang minh của Phật, Bồ tát hòa với bản tâm sáng suốt xưa nay của bạn, đến từng lỗ chân lông trên toàn thân thể của bạn.
Sao lại có cảm ứng này?
Giống như gọi điện thoại, khi gọi đúng số thì bên kia “Alô!”.
Bắt đầu giao tiếp liên lạc với nhau.
*Niệm Phật, niệm Bồ tát cũng giống như gọi điện thoại.
Khi làn sóng của bạn phát đi, thì bắt gặp làn sóng của Bồ tát.
Và ở bên kia các Ngài cũng hỏi bạn:
“Người nam lành, người nữ lành kia, bạn muốn cầu gì nào?”
Thì biết, lúc đó bạn có sự cảm ứng rất màu nhiệm.
Niệm Phật mà chẳng thành tâm, thành ý, thì giống như điện thoại có năm số mà bạn chỉ bấm gọi ba số.
Thế làm sao gọi được?
Niệm Phật và Bồ tát cũng như thế.
Nếu như bạn niệm một lúc rồi không niệm nữa, thiếu sự chuyên tâm thành ý thì nhất định chẳng thông được.
*Khi quý vị tu tập thành tâm thành ý, thì trong người quý vị sẽ phát ra một loại ánh sáng.
Ánh sáng đó giao cảm với ánh sáng quang minh của chư Phật và Bồ tát.
Muốn được điều này, mỗi vị trong chúng ta phải cố gắng tu tập.
Giống như gọi điện thoại thì biết rõ ràng tiếng nói của đầu dây bên kia.
Mắt thịt phàm phu không thể nhìn và nghe xa được.
Cho nên nói “Lặng lặng cảm ứng lặng lặng trong” là vậy.
Câu “Cho đến non cao nước cùng tận” nghĩa là đạt đến trình độ “Trăm đầu sào chỉ một bước chân, giơ tay nắm hết cả càn khôn”.
Khi niệm đến chỗ “Sơn cùng thủy tận”.
Đó thật là niệm mà chẳng phải niệm, kết thành một khối, niệm thành một phiến.
Đến đó, quý vị “Rong chơi pháp giới, dạo Tây- Đông”.
Nếu như quý vị muốn vãng sinh về thế giới Tây phương Cực lạc, thì ứng một niệm là lập tức đi ngay.
Muốn giương thuyền từ để cứu độ chúng sinh thì từ thế giới Tây phương Cực lạc chỉ ứng một niệm là bạn đến ngay thế giới Ta bà và khắp tất cả pháp giới.
Chỉ cần bạn ứng một niệm là đi ngay.
Nên nói “Rong chơi khắp Đông- Tây”, tức là dạo khắp tất cả.
Hoặc “Nhất như ý nhất thiết như ý, nhất tự tại nhất thiết tự tại” tức là bạn đại tự do, đại tự tại rồi.
Do đó, chúng ta là người học Phật, mỗi nơi mỗi chỗ đều phải chân thành, không hư ngụy.
Hư ngụy thì như “Hoa không nở. Quả không kết”.
Người học Phật phải ghi nhớ điều này.
Đừng bao giờ lừa dối với chính mình.
Kế nữa, người xưa nói: “Quân tử cầu nơi mình, tiểu nhân cầu nơi người”.
Chúng ta không quan tâm ỷ lại, nên biết cảm ứng là tự mình nỗ lực chứ chẳng phải tự nhiên đến được.
Có người nói:
“Niệm Phật được sinh về Tịnh Độ, phải nương nhờ vào Phật lực tiếp dẫn”.
Câu nói này, nếu không khéo hiểu, sẽ bị sai lầm.
Vì sao vậy?
Bởi vì câu nói là đối cơ mà nói, tức đối với người chưa hiểu biết gì cả.
Chư Tổ phương tiện tạo ra sự ham thích cho chúng sinh khởi tâm niệm Phật, hy vọng có thể dụng công ít mà thu hoạch lại lớn.
Giống như buôn bán kinh doanh, bỏ vốn ra ít mà thu vào thì nhiều.
Vì vậy, chư Tổ tùy cơ ứng biến, nói có Phật lực tiếp dẫn, mục đích là khích lệ cho chúng sinh nỗ lực niệm Phật.
Thực ra, người niệm danh hiệu Phật và Bồ tát mà được vãng sinh Tịnh độ, hoàn toàn có niềm tin rất lớn nơi chính mình.
Vì sao vậy?
Có phải niệm Phật là Phật niệm thay bạn được không?
Niệm một câu danh hiệu Bồ tát là Bồ tát hiện ra không?
Nếu nói không phải, sao nói nương dựa vào tha lực của các Ngài?
Giống như Phật và Bồ tát phóng ánh hào quang gia hộ cho bạn.
Đó là do công đức của chính bạn đã trì niệm danh hiệu Phật Bồ tát.
Cho nên mới có cảm ứng như thế.
Thí dụ như gọi điện thoại, nếu như bạn chẳng gọi, thì có ai đầu dây bên kia nói chuyện với bạn được không?
*Cho nên, người niệm Phật cũng như gọi điện thoại là vậy.
Lý lẽ ở chỗ này.
Tâm hy vọng trông mong nương tựa vào năng lực của Phật để tiếp dẫn mình vãng sinh Tịnh Độ.
Thật ra đó chính là tâm tham, tâm ỷ lại, không thể được.
Chúng ta tu hành, chính yếu là phải tự lực, tinh thần phải mạnh mẽ dũng khí, tinh tấn, được kết quả chẳng phải tự dưng do người khác ban tặng cho.
Niệm Phật, có thể nói không nên trông mong và nương tựa vào sự tiếp dẫn của Phật.
Cổ nhân nói:
“Làm tướng vốn không phải là cha truyền con nối, nam nhi nên tự cường”.
Chúng ta là người học Phật nên có ý thức câu nói này:
“LÀM PHẬT VỐN KHÔNG PHẢI PHẬT BAN CHO THÀNH PHẬT, CHÚNG SINH NÊN TỰ CƯỜNG”.
Nếu chẳng được như thế, thì cả ngày cứ ỷ lại Phật lực tiếp dẫn.
Giống như con em nhà giàu ỷ lại sản nghiệp của cha mẹ.
Rốt cuộc tự làm hại chính mình.
Mọi người nên tỉnh giác chỗ này!
==
4. BÀI NÓI CHUYỆN CỦA HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA VÀO THÁNG 12, 1974 TẠI TẠI SÀI GÒN, VIỆT NAM
Ngài Tuyên Hóa đã từng đến Việt Nam vào tháng 12, 1974.
Bài nói chuyện được trích một phần dưới đây của Hòa Thượng Tuyên Hóa vào tháng 12, 1974 tại tại Sài Gòn, Việt Nam, nhân chuyến viếng thăm châu Á từ mùa đông 1974 đến mùa xuân 1975.
Trích dịch từ Nguyệt San VAJRA BODHI SEA, số tháng 12, 2007, trang 20-23, và số tháng 1, 2008, trang 18 - 19
(Sa Di Ni CẬN KINH dịch sang Anh ngữ)
Ngày 22 tháng 12 năm 1974 tại chùa Xá Lợi, Việt Nam.
Chư vị thiện tri thức:
Bởi chúng ta đã gieo trồng pháp duyên từ vô thủy kiếp trước, nên nay chúng ta có thể tập hợp tại Phật Đường này và học Phật Pháp.
Tôi không chỉ là người duy nhất nghiên cứu về Phật Pháp.
Trên thực tế, rất nhiều người đã biết và nghe về Phật Pháp.
Các đạo lý mà tôi chuẩn bị nói đây trong quá khứ có thể những người khác đã nói qua rồi.
Cho dù có người đã nói qua các đạo lý này, thì có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong việc nói Pháp.
Dù quý vị đã từng nghe trước đây, thì cũng sẽ không có hại gì để kiên nhẫn nghe thêm một lần nữa.
Khi quý vị nghe thêm lần nữa, thì quý vị sẽ nhớ và hiểu hơn.
Những ai trong số quý vị chưa từng được nghe thì có thể hiểu rõ về các đạo lý của Đạo Phật.
Những đạo lý này được nói ra từ chỗ nông cạn, rồi người ta có thể nhập vào chỗ thâm sâu.
Từng chút một, quý vị sẽ lãnh hội được nhiều hơn.
Cho dù trước đây quý vị đã từng nghe hay chưa, thì trước hết, quý vị cũng nên thanh tịnh tâm ý mình trước.
Chỉ khi tâm ý thanh tịnh, quý vị mới có thể đón nhận được sự thấm nhuần và trưởng dưỡng của Phật Pháp.
Nếu quý vị không làm thanh tịnh tâm ý mình và không có chút kiên nhẫn gì thì sẽ khó khăn cho quý vị có thể tiếp thọ được Phật Pháp.
Nói về Phật Pháp, ai đó sẽ hỏi câu hỏi: “PHẬT PHÁP LÀ GÌ?”
Nếu quý vị muốn biết Phật Pháp là gì, thì quý vị cần phải hiểu cái gì không phải là Phật Pháp.
Do quý vị không thể tìm ra được cái gì không bao gồm trong Phật Pháp, nên tất cả mọi sự vật trong trời đất, núi sông đại địa, nhà cửa, đường đi đều thuộc về Phật Pháp.
– Y BÁO (môi trường) và CHÍNH BÁO (thân của chúng ta) đều bao gồm trong Phật Pháp.
Nếu chúng ta phân loại Phật Pháp, thì có 84,000 Pháp môn.
Nếu chúng ta kết hợp những pháp môn này, thì chỉ có duy nhất Pháp từ Tâm ta, cái đó được phân thành:
Tâm pháp có 8 loại,
Tâm sở pháp có 51 loại,
Sắc pháp (hiện tượng) có 11 loại,
Bất tương ưng hành pháp có 24 loại,
Vô vi pháp có 6 loại,
TỔNG CỘNG là 100 Pháp (1)*.
Nếu những pháp này được phân chia thêm, thì có 84,000 Pháp môn.
Cũng có người hỏi rằng, “Pháp môn nào là quan trọng nhất?”
Trong 84,000 Pháp môn, Pháp môn nào cũng là quan trọng nhất.
Thế thì Pháp môn nào đứng thứ hai?
Chẳng có Pháp thứ hai.
Có người không đồng ý với điều này và nói:
“Có 84,000 Pháp môn; làm sao mà cả 84,000 Pháp môn đều là đệ nhất được?
Cách nói này hoàn toàn sai.
Bởi vì các con số vốn có thứ tự: một, hai, ba, và bốn.
Nếu có số một, thì sẽ có số hai và cứ như vậy cho tới số 84,000”.
Quý vị có thể nói lý thuyết của tôi không đúng, nhưng thực tế tôi có bằng chứng ủng hộ cho luận điểm của mình.
Trong số 84,000 Pháp môn, mỗi một Pháp môn trong số đó đều là đệ nhất.
Kinh Kim Cang dạy điều này rất rõ ràng:
“Tất cả các Pháp đều bình đẳng. Không có Pháp cao hay thấp” (2)*.
Vì không có cao hay thấp, nên có phải mỗi Pháp đều là đệ nhất phải không?
Quý vị lại nói: “Đây là những điều mà Kinh Kim Cang dạy.
Khi gộp chung 84,000 Pháp môn lại, thì chúng không thể là đệ nhất”.
Tuy nhiên, tôi nói rằng tất cả đó đều là đệ nhất, nhưng là ở trong bối cảnh mà chúng sinh có thể tương ưng với cơ duyên của mình.
Một khi Pháp môn nào tương ưng với cơ duyên của mình, thì đó là Pháp môn đệ nhất.
Nếu nó không tương ưng với cơ duyên của quý vị, thì Pháp đó không thể là đệ nhất.
Tuy nhiên, quý vị cũng không thể nói Pháp môn đó là thứ hai.
Bởi vì tất cả các Pháp đều bình đẳng, không cao thấp.
Do đó, quý vị không thể xếp thứ tự cho các Pháp môn như là con số.
Tất cả các Pháp môn đều có ý nghĩa rốt ráo và là Pháp vi diệu không thể nghĩ bàn, và cũng là đệ nhất.
Vì vậy, nếu nó tương ưng với cơ duyên của quý vị, thì đó là đệ nhất Pháp.
Trong số 84,000 Pháp môn này, quý vị sẽ tìm được một Pháp môn phù hợp với cơ duyên của mình, cho dù quý vị là ai.
Tương ưng với cơ duyên của quý vị có nghĩa là nó có thể chữa lành bệnh của quý vị.
Bất cứ đơn thuốc nào có thể chữa lành bệnh tật của quý vị thì đó là cái phương thuốc đệ nhất.
Nếu không thể chữa lành bệnh, thì đó không thể là phương thuốc đệ nhất, cho dù đó là phương thuốc tốt thế nào đi nữa.
Tôi đang nói nếu Pháp tương ưng với cơ duyên của quý vị, thì đây chính là Pháp đệ nhất.
Vì thế, không có sự cao hơn hay thấp hơn giữa các Pháp.
Tất cả các Pháp môn đều bình đẳng.
Thậm chí còn không có sự phân biệt giữa các Pháp thâm sâu hay nông cạn nữa.
Người có trí thì tự thấy trí huệ;
Người nhân từ thì sẽ thấy lòng từ;
Người thâm sâu thì thấy chiều sâu. Và người nông cạn thì thấy sự nông cạn.
Đó không phải là vì Pháp đó thâm sâu hay nông cạn.
Mà chỉ vì tâm người phân biệt.
Trong số 84,000 Pháp môn đều có 84,000 Pháp môn đệ nhất.
Điều tôi muốn nói tới hôm nay là đạo lý của NHÂN QUẢ LUÂN HỒI.
Vào buổi trưa hôm nay tại Trung Tâm Phật Giáo có một cư sĩ hỏi sự luân hồi trong Lục Đạo có thật sự có hay không.
Bà ấy có một vài mối nghi ngờ về điều này vì bà ta chưa hiểu rõ ràng.
Bà ta nói:
“Nếu chúng sinh thật sự luân hồi trong Lục Đạo, thì tại sao mỗi năm lại càng có nhiều người tạo ác hơn như vậy?
Nếu những người phạm tội bị sa vào ba đường ác đạo, thì tại sao chúng ta không thấy dân số thế giới giảm đi?
Bà ta đưa lý do rằng bởi vì có nhiều người ác bị sa vào địa ngục, nên thế giới này tất nhiên sẽ bớt đi những người tạo tội ác”.
Câu trả lời của tôi lúc đó là:
“Giả sử có 10,000 người vào trong địa ngục.
Thì có thể có tới 20,000 người được ra khỏi ba đường ác.
Thậm chí còn có thể 100,000 hoặc 1 triệu người.
Số người được thoát ra còn nhiều hơn số người bị đọa vào.
Những người này nghĩ rằng vì họ đã thật sự trải qua sự thống khổ trong ba đường ác rồi, nên dù có tạo thêm nghiệp ác nữa, thì họ nghĩ cũng sẽ không bao giờ phải chịu quả báo ba đường ác lần nữa.
Vì thế họ lại tiếp tục tạo ác và thậm chí còn tạo ác nhiều hơn”.
Đây là câu trả lời đơn giản của tôi.
*Xem thêm bài giảng này tại:
https://www.dharmasite.net/PhapVuTamDangChieuCoKim_30_31.htm
Những lời dạy của Hòa thượng Tuyên Hóa thật ngắn gọn, dễ hiểu, trí tuệ và đáng quý, phù hợp với Chính Pháp của đức Phật. Chúng ta nên tìm hiểu thêm các sách của Ngài.
--
Ghi chú:
(1)* 百法 - Bách Pháp (Trăm pháp) - Xem thêm Luận Đại Thừa Trăm Pháp Minh Môn
(2)* 是法平等無有高下
Thị pháp bình đẳng vô hữu cao hạ
Bài: Huy Khiêm
Tranh: Guo Tu-C.T MLS