Du lịch Hà Nội sôi động trong đợt kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô
Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), TP Hà Nội có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc thu hút hàng chục nghìn khách du lịch đến tham quan. Đây là 'đòn bẩy' để Hà Nội tăng tốc bứt phá hoàn thành mục tiêu đón khoảng 26,5 triệu lượt khách trong năm 2024.
Nhiều hoạt động ý nghĩa
Vào ngày 6/10, để kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999), UBND TP Hà Nội tổ chức chương trình Ngày hội Văn hóa vì hòa bình tại khu vực Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm. Ngày hội có gần 10 nghìn người tham gia biểu diễn với nhiều tiết mục hấp dẫn. Như nghi lễ dâng hương tại tượng đài Vua Lý Thái Tổ; tái hiện buổi lễ chào cờ đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 10/10/1954, sau khi Thủ đô được giải phóng; diễu hành và giới thiệu làng nghề truyền thống tiêu biểu Thủ đô: Tranh dân gian Hàng Trống, làng nghề nón Chuông, dệt lụa Vạn Phúc, làng nghề gốm Bát Tràng, làng nghề Mỹ nghệ Thiết Úng,... Ngày hội đã thu hút hàng nghìn người đến tham dự, trong đó có rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
Cũng trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội đã thu hút hơn 63 nghìn khách đến tham quan. Được biết, đây là lần thứ ba lễ hội được tổ chức. Với mục tiêu kích cầu du lịch, bảo tồn, tôn vinh, khai thác các giá trị của tà áo dài dân tộc. Ngoài ra, lễ hội đã dần đưa áo dài trở thành các sản phẩm, quà tặng độc đáo, mang ý nghĩa trao gửi tình yêu, niềm tự hào về văn hóa truyền thống.
Tiếp nối với chuỗi ngày kỷ niệm 10/10, vẫn còn rất nhiều hoạt động ý nghĩa, đậm đà bản sắc dân tộc diễn ra ở Hà Nội đón chờ du khách ghé thăm. Như không gian bích họa Phùng Hưng diễn ra đến hết ngày 13/10. Năm nay, không gian được Ban Tổ chức phối hợp cùng các họa sĩ, nhà nghiên cứu tiến hành trang trí, sắp đặt mô hình khu phố cổ xưa, các cổng chào, cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu phục vụ người dân và du khách.
Hay tại Ngôi nhà Di sản - Số 87 phố Mã Mây diễn ra trưng bày chuyên đề “Chuyện phố Hàng” diễn ra đến hết ngày 31/10. Đồng thời, song song với buổi trưng bày, tour du lịch thực cảnh với chủ đề “Chuyện phố Hàng” được Ban Quản lý phối hợp với Nhà hát Tuổi Trẻ xây dựng.
Năm nay, Thủ đô Hà Nội đặt ra chỉ tiêu đón gần 27 triệu lượt khách đến tham quan, trong đó, có 5,5 triệu lượt khách nước ngoài. Nhưng, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024 ngành du lịch Hà Nội đã hoàn thành hơn 50% mục tiêu ban đầu. Mùa Thu - Đông, bước vào thời điểm “vàng” của du lịch Hà Nội, hứa hẹn sẽ trở thành “đòn bẩy” giúp Hà Nội vượt mục tiêu đề ra.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Minh đã nhận định những tháng cuối năm thường là cao điểm lượng khách du lịch quốc tế đến với Hà Nội để trải nghiệm mùa thu của Thủ đô, thưởng thức không khí lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch. Đối với những hoạt động này, ngành du lịch Hà Nội đã chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón tiếp.
Thực tế, theo số liệu của Sở Du lịch Hà Nội, tháng 9/2024, lượng du khách đến Hà Nội đã có sự tăng trưởng mạnh so với thời gian trước. Tổng khách du lịch đến Hà Nội tháng 9 đạt 2,16 triệu lượt. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt hơn 510 nghìn lượt, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch nội địa ước đạt 1,65 triệu lượt, tương đương so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 9 nghìn tỷ đồng. Ủy ban nhân dân TP Hà Nội đã cho biết, khách tham quan tại các di tích trên địa bàn Thủ đô trong 9 tháng tăng nhanh, doanh thu phí hoàn thành vượt 82% kế hoạch cả năm.
Bên cạnh các chuỗi hoạt động đầy ấn tượng vào tháng 10, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, từ nay đến hết năm, đơn vị sẽ đẩy mạnh triển khai các sản phẩm mới như: Du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch ứng dụng thực tế ảo... Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phát triển du lịch MICE tại các địa điểm có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch golf gắn với việc tổ chức, đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội, các chương trình lễ hội lớn của quốc gia và quốc tế.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị phát triển hệ thống điểm đến du lịch nông thôn đặc trưng, hình thành các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững; phát triển hệ thống các sân vận động, sân golf, nhà thi đấu, khu thể thao mạo hiểm ngoài trời gắn với xây dựng các sản phẩm du lịch thể thao đặc sắc, hấp dẫn.