Làng Bahnar chuẩn bị đón Tết
Không khí Tết cổ truyền đã len lỏi vào từng buôn làng, nếp nhà của người Bahnar ở huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Không kể mùa 'ăn năm uống tháng', bà con cùng nhau chuẩn bị để đón Tết Nguyên đán đủ đầy, ấm cúng.
Tới đầu làng Pyang (thị trấn Kông Chro), chúng tôi đã nghe hương rượu cần phảng phất trong gió. Càng đi sâu vào làng, hương rượu càng nồng đượm. Ngôi làng Bahnar gần 200 hộ hầu như gia đình nào cũng ủ rượu với đủ thứ nguyên liệu từ hạt bo bo, bắp nếp, mì gòn đến gạo rẫy.
Bà Đinh Thị Blung đang tỉ mỉ rải bột men lên những mẹt bắp nếp nấu chín ở một góc nhà. Bắp lên men ủ từ hôm trước, nay bà chuẩn bị cho vào ghè ủ rượu. Bắp làm rượu hạt nhỏ, dẻo và thơm. Sau khi thu hái bắp trên rẫy về phơi khô, mang giã dập rồi nấu chín như cơm, để thật nguội và ủ men 2 ngày 1 đêm cho dậy mùi thơm, sau đó mới cho vào ghè ủ kỹ.
Mất cả tuần lễ, bà Blung mới ủ xong hơn 1 tạ bắp nếp cho khoảng chục ghè rượu chuẩn bị đón Tết. Những ghè đẹp nhất sẽ mang ra nhà rông uống cùng dân làng vào sáng ngày đầu năm, còn lại để đãi khách ở nhà.
Bà Blung đúc rút kinh nghiệm làm thức uống không thể thiếu trong những dịp quan trọng: “Trong các loại nguyên liệu, hạt bo bo làm rượu là ngon nhất, kế đến là bắp nếp, rồi đến mì và gạo. Hạt bo bo có vỏ cứng nên phải cho nhiều men hơn một chút so với bắp và mì, thời gian ủ cũng lâu hơn. Nếu ủ thiếu men, rượu sẽ bị nhạt và chua, còn dư men, rượu sẽ bị đắng. Ghè rượu ngon là rượu có màu vàng sánh đậm như mật ong, ngọt và thơm”.
Ở một góc bếp khác, bà Đinh Thị Bel cũng cặm cụi cắt nhỏ củ mì nấu chín để chuẩn bị ủ rượu. Những củ mì to đủ hình dạng là giống mì gòn rất ngon đối với người Tây Nguyên. Người Bahnar thường trồng mì trong vườn để ăn và làm rượu chứ ít khi bán.
Người phụ nữ qua hơn 80 mùa rẫy cho biết: Rượu cần ủ từ mì gòn không phải loại ngon nhất, nhưng gần gũi với bà con hơn cả. Đây là nguyên liệu lâu đời, được sử dụng nhiều nhất từ khi đời sống còn đói khổ cho đến tận bây giờ.
Bà Bel vừa cắt mì không ngơi tay, vừa trò chuyện: “Từ khi người Bahnar ăn Tết cổ truyền của dân tộc, nhà nào cũng làm rượu như lúc chuẩn bị có lễ hội. Mọi năm thu hoạch xong mùa vụ mới đón Tết, nhưng năm nay rẫy mì thu chưa xong mà Tết đã cận kề”.
Anh Gênh (con trai bà Bel) góp chuyện: “Ngoài ủ rượu, bà con còn góp tiền mua heo cúng tiễn năm cũ. Sau đó, cả làng đón năm mới tại nhà rông. Bây giờ, bà con đã quen với Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam”. Với sự giao lưu văn hóa, tinh thần hội nhập nhanh, thế hệ trẻ Bahnar có lý do để chờ đón ngày Tết chung của dân tộc.
Em Đinh Thị Sim hồ hởi: “Thanh niên trong làng rủ nhau vào rừng hái lá dong, lá chuối về gói bánh chưng, bánh tét. Gia đình nào không làm được thì mua. Vì vậy, ẩm thực của người Bahnar không chỉ có cơm lam, gà nướng, cháo gạo giã như trong các lễ hội truyền thống mà có thêm một số món mới, tạo hương vị Tết đặc biệt”.
Nghệ nhân Ưu tú Đinh Keo-nguyên Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kông Chro-cho biết: Trước đây, đồng bào Bahnar không có phong tục đón Tết Nguyên đán mà chỉ có các lễ hội đặc trưng. Theo xu thế chung, bây giờ, Tết trở thành nét văn hóa và không tách rời với truyền thống văn hóa truyền thống của đồng bào Bahnar.
Theo phong tục, người Bahnar thường tổ chức lễ sơmă kơcham vào khoảng tháng 2 dương lịch. Đây là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Bahnar để tổng kết năm cũ, mở đầu mùa vụ mới nên ý nghĩa gần giống với Tết Nguyên đán.
Dịp này, dân làng quây quần ở nhà rông, cùng nhau ăn uống mừng vui với thành quả lao động sản xuất. Nhà nào thu được bao nhiêu bắp, lúa đều chia sẻ cho cả làng cùng biết, cùng vui. Những năm gần đây, sơmă kơcham thường được tổ chức chung vào dịp Tết cổ truyền nên bà con chuẩn bị lễ, Tết chu đáo hơn.
Nghệ nhân Đinh Keo hồ hởi: “Năm nay, Tết đến sớm nên không trùng lễ sơmă kơcham. Những ngày qua, bà con tất bật chuẩn bị để ăn 2 cái Tết liền kề. Ngày đầu năm, dân làng mang rượu ra nhà rông đón Tết sau đó ai về nhà nấy tiếp tục đón bà con họ hàng tới thăm hỏi, chúc mừng.
Người Bahnar không có phong tục mừng tuổi bằng tiền, thay vào đó, già trẻ thường chúc nhau “Mạnh khỏe nhé!”. Đây là lời chúc tốt đẹp nhất mọi người dành cho nhau, vì mạnh khỏe là sẽ có tất cả. Nó còn bao hàm ý nghĩa may mắn, làm ăn thuận lợi”.