Du lịch đã 'cán đích'
Nhờ những chính sách thị thực và hiệu quả từ các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch, ngành du lịch Việt Nam năm 2024 đã 'cán đích' khi đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Về khu vực, khách quốc tế đến từ châu Á chiếm tỷ trọng lớn nhất (79,6%), tiếp đến là châu Âu (11,3%), châu Mỹ (5,7%) và châu Phi (0,3%). Hàn Quốc vẫn giữ vững vị trí thị trường lớn nhất gửi khách tới Việt Nam với 4,5 triệu lượt. Đáng chú ý, thị trường Ấn Độ đã trở thành điểm nhấn với sự tăng trưởng đột phá. Từ 138.000 lượt khách năm 2022, đã tăng lên 501.000 lượt năm 2024. Có thể nói, Ấn Độ là thị trường tiềm năng, góp phần đáng kể vào sự đa dạng hóa thị trường nguồn khách.
Để có được kết quả đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) đã triển khai hàng loạt chiến dịch quảng bá, tập trung vào các thị trường trọng điểm và tiềm năng. Các chiến dịch truyền thông trên nền tảng số, kết hợp với hình thức quảng bá trực tiếp qua các sự kiện quốc tế như hội chợ du lịch và các chương trình giao lưu văn hóa đã góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, năm 2024, Việt Nam đã vượt qua nhiều ứng viên nặng ký để giành 3 giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”. Đây cũng là lần thứ sáu Việt Nam được tôn vinh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”, khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, là ngôi sao sáng trên bản đồ du lịch khu vực châu Á và thế giới.
Năm 2025, Việt Nam phấn đấu đón 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế, 30 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm, đóng góp trực tiếp 8 - 9% trong GDP. Chỉ tiêu này cao gấp 1,5 lần mục tiêu năm 2024, song các chuyên gia tin rằng, Việt Nam có thể đạt được, với điều kiện ngành du lịch phải tăng tốc bứt phá, đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả để phát triển bền vững.
Bởi dù đạt được những con số ấn tượng, thời gian qua ngành du lịch Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức, từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện hạ tầng đến phát triển nguồn nhân lực...
Hiện nhiều nước trong khu vực châu Á đang tăng sức cạnh tranh thu hút du khách bằng chính sách miễn thị thực. Hiện Việt Nam đang miễn thị thực cho công dân 25 nước, tuy nhiên, Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất tiếp tục mở rộng danh sách miễn thị thực cho 20 nước còn lại thuộc Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác như Mỹ, Australia, New Zealand...
Vấn đề hợp tác du lịch - hàng không cũng được coi là chiến lược then chốt trong thu hút du khách quốc tế. Việt Nam cần tiếp tục mở rộng mạng lưới bay, kết nối trực tiếp các chuyến bay thẳng từ thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, nâng cấp các sân bay đầu mối trung chuyển như Nội Bài, Tân Sơn Nhất để tăng khả năng đón khách quốc tế.