Du lịch 'chữa lành': Đòn bẩy xúc tiến thương mại, mở rộng sinh kế cho người bản địa
Phát triển những xu hướng du lịch trải nghiệm mới lạ không chỉ đơn thuần là kết nối du khách tham quan, mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ thúc đẩy thương mại địa phương và mở rộng sinh kế bền vững cho cộng đồng người dân bản địa…

Khi du khách tìm đến những vùng đất yên bình để tái tạo năng lượng, họ cũng đồng thời tìm kiếm trải nghiệm văn hóa bản địa, sản vật truyền thống và các dịch vụ mang đậm dấu ấn địa phương. Đây chính là cơ hội để người dân bản địa quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thủ công, nông sản sạch, dược liệu tự nhiên… thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại gắn với du lịch.
XU HƯỚNG BÙNG NỔ CỦA DU LỊCH "CHỮA LÀNH"
Bất chấp gánh nặng lạm phát và chi phí sinh hoạt leo thang, du lịch vẫn giữ vững vị thế là ưu tiên hàng đầu của người dân toàn cầu. Sau cú hích phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch, ngành du lịch thế giới đang đứng trước ngã rẽ quan trọng, tập trung định hình lại hành trình khám phá theo hướng tốt đẹp hơn cho cả con người và thiên nhiên.
Sự thay đổi trong tâm lý và nhu cầu của du khách đang thúc đẩy ngành du lịch toàn cầu chuyển mình mạnh mẽ. Thay vì chỉ là những chuyến đi đơn thuần, mô hình mới sẽ ưu tiên môi trường, đề cao cộng đồng bản địa, tích hợp công nghệ để nâng cao trải nghiệm, và mang đến những giá trị sâu sắc hơn cho mỗi chuyến đi. Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy một kỷ nguyên du lịch có trách nhiệm và bền vững đang chính thức bắt đầu.
Theo Báo cáo xu hướng du lịch năm 2025 “Khám phá khác biệt, trải nghiệm tốt hơn” của Euronews, mạng lưới truyền hình tin tức toàn châu Âu. Trong đó “Trải nghiệm mới lạ” là xu hướng du lịch hàng đầu trong năm 2025.

Theo phân tích, du khách có xu hướng tránh những điểm đến đông đúc, thay vào đó là những địa điểm ít được biết đến hơn, khám phá những “viên ngọc ẩn”, những điểm đến hoang sơ, chưa được khai thác nhiều. Khảo sát năm 2024 của Thrilist cho thấy 68% Gen Z cho biết họ ưu tiên những điểm đến mà họ có thể khám phá những điều mới mẻ, hơn là những nơi nổi tiếng đã được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng số.
Du lịch "chữa lành" được xem là một trong những định hướng nằm trong xu hướng “Trải nghiệm mới lạ”. Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Cục Du lịch quốc gia, du lịch “chữa lành” hay còn gọi là du lịch chăm sóc sức khỏe được định nghĩa là một hiện tượng nhằm nâng cao sức khỏe cá nhân cho khách du lịch đến các điểm đến cung cấp các dịch vụ và trải nghiệm để trẻ hóa cơ thể, tâm trí và tinh thần.
Đây không chỉ đơn giản là một cách để khám phá những địa điểm mới mẻ và trải nghiệm văn hóa đa dạng, mà còn là một hình thức chăm sóc sức khỏe toàn diện, mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành du lịch nhiều địa phương. Không chỉ dừng lại ở trải nghiệm nghỉ dưỡng, loại hình du lịch này tạo điều kiện để du khách kết nối với thiên nhiên, văn hóa và cộng đồng bản địa.
Nên hoàn toàn có thể nói rằng, du lịch trải nghiệm hay du lịch “chữa lành” cũng là cơ hội “vàng” để thúc đẩy xúc tiến thương mại tại chỗ, khi sản vật địa phương, dược liệu tự nhiên, sản phẩm thủ công truyền thống được giới thiệu và tiêu thụ ngay tại điểm đến. Nhờ đó, người dân không chỉ giữ gìn bản sắc mà còn mở rộng sinh kế, từng bước nâng cao thu nhập. Du lịch chữa lành vì thế không chỉ chữa lành cho du khách, mà còn “làm lành” cho kinh tế địa phương.
CƠ HỘI “LÀM LÀNH” CHO KINH TẾ ĐỊA PHƯƠNG
Phân tích kỹ hơn về cơ hội xúc tiến thương mại từ phát triển du lịch “chữa lành” tại địa phương, có thể thấy mọi vùng đất đều có tiềm năng đem lại hiệu quả khai thác. Địa phương có thể khai thác trực tiếp dưới góc độ các tour du lịch, các dịch vụ lưu trú, ẩm thực. Ngoài ra, có thể dựa trên các sản phẩm mang tính văn hóa truyền thống, làng nghề như: lá thuốc, nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ…
Thay vì chỉ sản xuất nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước hoặc thị trường quanh vùng, sản phẩm thủ công truyền thống và đặc sản địa phương đang từng bước “lên kệ” thông qua các hoạt động trải nghiệm gắn với du lịch “chữa lành”, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng tiềm năng là du khách trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, nhiều cộng đồng còn tổ chức các tour đi bộ xuyên rừng, hái thảo dược, thiền giữa thiên nhiên, nấu ăn từ nguyên liệu địa phương, tắm lá dược liệu… do chính người dân bản địa làm hướng dẫn viên, người tổ chức. Nhờ đó, lao động địa phương đặc biệt là phụ nữ, người lớn tuổi, thanh niên chưa qua đào tạo chuyên môn vẫn có cơ hội tiếp cận việc làm phù hợp và ổn định.

Một ví dụ điển hình cho thành công trong phát triển du lịch “chữa lành” tạo sinh kế cho người dân địa phương là hoạt động tắm lá người Dao đang rất phổ biến ở Sapa, Lào Cai. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, địa bàn tỉnh có khoảng 850 loài cây thuốc trong tổng số 3.948 loài thực vật có công dụng làm thuốc; 78 loài có tiềm năng khai thác....
Địa phương cũng nhận định việc phát triển vùng trồng cây dược liệu gắn với du lịch tại địa bàn tỉnh có nhiều lợi thế so với nhiều địa phương khác. Cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây trồng truyền thống việc phát triển cây dược liệu sẽ tạo công ăn việc làm cho người bản địa. Các sản phẩm dược liệu cũng được các doanh nghiệp địa phương quảng bá trong các hội chợ du lịch được coi là sản phẩm của du lịch.
Tại tỉnh hiện có nhiều địa phương phát triển kinh tế nhờ hoạt động khai thác lá thảo dược điển hình bản Tả Phìn, thị xã Sa Pa, hiện bản có khoảng 50 hộ kinh doanh dịch vụ tắm lá thuốc. Đây cũng là một điểm sáng giúp người dân bản địa tăng thu nhập, cải thiện đời sống khi làm du lịch.
Bên cạnh đó, loại hình du lịch này có đặc thù thường gắn với mô hình du lịch cộng đồng, phát triển theo chuỗi giá trị. Thay vì phụ thuộc vào các doanh nghiệp lớn hoặc dịch vụ bên ngoài, mô hình này khuyến khích người dân bản địa trực tiếp tham gia cung cấp các dịch vụ du lịch, từ đó tạo ra hệ sinh thái việc làm ngay tại chỗ, phù hợp với điều kiện và thế mạnh của từng địa phương.