Tai nạn đuối nước rình rập trẻ khi hè đến

Dù kỳ nghỉ hè chưa bắt đầu, nhưng hàng loạt vụ đuối nước thương tâm đã liên tiếp xảy ra trên địa bàn Hà Nội và nhiều địa phương khác, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ nhỏ và thanh, thiếu niên.

Đuối nước không chừa nơi nào

Mới đây, ngày 20-5, 3 sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học FPT cùng nhau ra hồ đập Quán Trăn (xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, Hà Nội) bơi lội. Hậu quả là 2 nam sinh đã tử vong. Trước đó vài ngày, tại huyện Sóc Sơn, 3 em nhỏ tắm hồ Dộc Xăm, một em đã bị đuối nước tử vong.

Từ đầu năm 2025 đến nay, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH), Công an thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 7 tin báo liên quan đến đuối nước, trong đó chỉ cứu được một nạn nhân.

Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn cấp cứu đuối nước cho người dân xã Thái Hòa, huyện Ba Vì. Ảnh: Đức Tuấn

Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn cấp cứu đuối nước cho người dân xã Thái Hòa, huyện Ba Vì. Ảnh: Đức Tuấn

Không chỉ trên địa bàn Hà Nội, thời gian gần đây, tại tỉnh Hà Tĩnh cũng liên tiếp xảy ra các vụ học sinh đuối nước.

Cụ thể, ngày 17-5, nam sinh lớp 6 cùng nhóm bạn đến khu vực bờ sông Lam (thuộc thôn 1, xã Xuân Hồng) cách nhà khoảng 1km để chơi. Sau đó, cả nhóm xuống sông tắm và không may nam sinh này bị nước cuốn trôi. Trước đó chỉ 2 ngày, 2 học sinh bị đuối nước khi tắm ở khu vực khe Ngang, xã Cẩm Hương, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Chỉ trong tháng 4-2025, tỉnh Quảng Bình cũng ghi nhận 3 vụ đuối nước khiến 4 học sinh tử vong…

Không chỉ ở ao hồ, sông suối, tai nạn đuối nước còn có thể xảy ra ngay trong ngôi nhà tưởng chừng như an toàn. Cụ thể, tại Bệnh viện Bạch Mai mới đây tiếp nhận một bệnh nhi 19 tháng tuổi bị đuối nước sau khi ngã vào xô đựng nước thải điều hòa trong lúc chơi quanh sân nhà.

Chiếc xô cao chỉ khoảng 40-45cm, bên trong có 10-15cm nước tưởng chừng vô hại nhưng đủ để khiến trẻ rơi vào tình trạng ngạt nước, tím tái và ngưng thở. Khi phát hiện, người thân vội bế bé lên, dốc ngược và lắc - một phản ứng theo bản năng nhưng phản khoa học. May mắn, một người nhà khác có kiến thức y tế đã nhanh chóng đến hỗ trợ và thực hiện sơ cứu trẻ đúng cách.

Trẻ bị đuối nước được chăm sóc, điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trẻ bị đuối nước được chăm sóc, điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sau khoảng 5-7 phút ép tim và thổi ngạt, bệnh nhi nôn ra nước, có dấu hiệu tự thở trở lại dù vẫn hôn mê. Tiếp đến, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai và điều trị tích cực tại Trung tâm Nhi khoa. Hình ảnh X-quang cho thấy, trẻ có tổn thương phổi do hít sặc nước…

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Công Khắc, Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo: “Với trẻ em, đuối nước có thể xảy ra ở bất kỳ đâu như: Bể cá, xô nước, chậu giặt, bể bơi mini…, đặc biệt vào mùa hè khi trẻ thích nghịch nước. Chỉ cần 10cm nước và vài giây người lớn lơ là, đứa trẻ có thể rơi vào tình huống nguy hiểm đến tính mạng”.

Chung tay hành động trước khi quá muộn

Trước thực trạng đáng báo động, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng tại Hà Nội đã tăng cường tuyên truyền, giải tán bãi tắm tự phát, phát áo phao, tổ chức tập huấn kỹ năng cứu hộ cho người dân ven sông và cán bộ Đoàn.

Theo Trung tá Đinh Ngọc Đạo, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 2, mùa hè cũng là mùa lũ về, mực nước sông lên cao, người dân lại có thói quen tắm sông cho mát. Đây là hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro đuối nước. Qua khảo sát, đơn vị đã chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương giải tán nhiều bãi tắm tự phát hình thành trên sông Đuống, sông Hồng, qua khu vực nội thành đoạn từ cầu Nhật Tân đến cầu Thanh Trì, cầu Đuống…

“Ngoài tuyên truyền, vận động người dân không tắm sông, việc chủ động trang bị các kỹ năng an toàn khi lưu thông đường thủy như bắt buộc mặc áo phao, các kỹ năng sơ cứu người đuối nước… cũng được đơn vị thường xuyên triển khai”, Trung tá Đinh Ngọc Đạo thông tin thêm.

Lực lượng Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn người dân kỹ năng cứu đuối. Ảnh: Đức Tuấn

Lực lượng Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn người dân kỹ năng cứu đuối. Ảnh: Đức Tuấn

Cũng ngay từ đầu mùa hè, Thành đoàn Hà Nội với vai trò định hướng giáo dục thanh, thiếu niên cũng chủ động mở nhiều lớp hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho cán bộ Đoàn và các đội tình nguyện.

Anh Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội cho biết, hằng năm, trước khi hè về Thành đoàn đều có chương trình tập huấn kỹ năng cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ Đoàn. Đây là hoạt động phối hợp giữa Thành đoàn và Công an thành phố Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ, trang bị những kiến thức cơ bản, kỹ năng trong công tác cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống phát sinh.

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, nguyên tắc sơ cứu đuối nước cần được phổ biến rộng rãi, truyền thông sâu rộng cho cộng đồng. Bởi vì dù đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng không ít người vẫn có thói quen dốc ngược người bị đuối nước, vác lên vai. Điều này không những không giúp ích cho nạn nhân mà còn làm chậm thời gian sơ cứu và có thể gây tổn thương thêm.

Bác sĩ Phạm Công Khắc lưu ý, trong trường hợp đuối nước, sơ cứu tại chỗ đúng cách là yếu tố quyết định sự sống còn của nạn nhân. Không nên dốc ngược người bị đuối nước hay vác chạy quanh, mà ngay khi đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm cần đặt họ nằm trên nền cứng, đầu ngửa và nâng cằm để mở thông đường thở. Sau đó, thực hiện thổi ngạt 5 lần đầu tiên, tiếp đến ép tim 30 lần - thổi ngạt 2 lần, luân phiên cho đến khi nạn có phản ứng trở lại, có nhịp thở và đưa đi cấp cứu ngay lập tức.

Ngoài ra, không nên nhảy xuống nước cứu người nếu không có kỹ năng cứu hộ và thiết bị bảo hộ. Người trên bờ nên tìm vật nổi (sào, dây, áo phao…) đưa cho người bị nạn bám vào, hạn chế tiếp xúc trực tiếp để tránh bị kéo chìm theo.

Kỳ nghỉ hè đang đến gần, để phòng đuối nước đối với trẻ em, không ai có thể thay thế sự giám sát của người lớn. Bác sĩ Phạm Công Khắc lưu ý, phụ huynh tuyệt đối không để trẻ chơi một mình gần khu vực có nước. Một giây lơ là có thể trả giá bằng cả tính mạng. Tất cả vật dụng chứa nước cần đậy kín hoặc cất ở nơi trẻ không tiếp cận được. Ngoài ra, nên cho trẻ tập bơi sớm nhất có thể.

Hè là mùa của vui chơi, nhưng cũng là mùa mà chỉ một phút bất cẩn, cái giá phải trả có thể là cả mạng sống. Tai nạn đuối nước có thể phòng tránh được nếu mỗi cá nhân, mỗi gia đình, cộng đồng chủ động nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Thu Trang - Thanh Tú

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/du-kieu-tai-nan-duoi-nuoc-rinh-rap-tre-khi-he-den-703109.html
Zalo