Cần nghiêm trị những kẻ sản xuất, lưu hành hàng giả
Chúng ta đang bỏ nhiều hình phạt tử hình nhưng có lẽ, tội sản xuất và lưu hành hàng giả, đặc biệt là thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng giả, nên có án tử hình, và cần nghiêm trị.
Ngày 19/5, hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị bắt khi cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an mở rộng điều tra một vụ án sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối người tiêu dùng. Trước đó, ngày 18/5, Công an Thành phố Hà Nội triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả do hai vợ chồng Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt tổ chức với hơn 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả và hơn 500 loại mặt hàng. Đường dây này hoạt động tinh vi, lập hàng loạt công ty “ma”, thuê xưởng gia công tem nhãn, nhập nguyên liệu không rõ nguồn gốc.

Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên khi nghe đọc lệnh từ cơ quan công an. Ảnh: Bộ Công an
Đối với sữa, Bộ Công an cho biết, vụ án sản xuất, buôn bán sữa giả do Công ty cổ phần (CTCP) Dược quốc tế Rance Pharma và CTCP Dược dinh dưỡng Hacofood Group thực hiện là lớn chưa từng có, với gần 600 nhãn hiệu bị làm giả, hơn 20 triệu hộp sữa các loại được tung ra thị trường, doanh thu lên tới 500 tỷ đồng trong vòng 4 năm.
Việc sản xuất, kinh doanh sữa giả không chỉ liên quan đến doanh nghiệp mà còn làm lộ diện những cán bộ tha hóa như ông Nguyễn Thanh Phong - nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế. Theo kết quả điều tra ban đầu vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm tại Công ty cổ phần dược phẩm liên danh MediPhar, có 9 sản phẩm là giả. Cơ quan CSĐT cũng làm rõ sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận công bố sản phẩm.
Tại Thanh Hóa, cơ quan công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn với nhiều thủ đoạn tinh vi, thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả cùng nhiều loại nguyên vật liệu sản xuất thuốc giả.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện 8 cơ sở kinh doanh thuốc giả, xử lý 147 cơ sở vi phạm, trong đó có nhiều đơn vị phân phối thuốc không phép, thuốc nhập lậu và thuốc hết hạn sử dụng. Nhiều loại thuốc giả vẫn lọt vào đơn kê cho bệnh nhân, trong đó có người điều trị ung thư và trẻ nhỏ. Tổng mức xử phạt hành chính lên tới hơn 7 tỷ đồng - mức cao kỷ lục.
Người tiêu dùng đang bị bủa vây giữa ma trận “hàng xách tay”, thực phẩm chức năng "thần dược" và thuốc không rõ nguồn gốc. Sản phẩm được dán tem chống hàng giả, quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, thâm nhập hiệu thuốc và đại lý phân phối. Một số sản phẩm sữa - không loại trừ cả thuốc và thực phẩm chức năng - nằm trong danh mục hàng giả được cơ quan công an xác minh len lỏi vào các bệnh viện, trong đó có bệnh viện lớn với số lượng bệnh nhân điều trị lên đến hàng triệu lượt mỗi năm. Có bao nhiêu người bệnh từng dùng sữa giả?
Khi đạo đức kinh doanh đặt sau lợi nhuận và hệ thống giám sát còn sơ hở, hàng giả đã, đang và còn tiếp tục len lỏi, bào mòn sức khỏe cộng đồng. Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm bị phạt tù từ 02 năm đến chung thân, tùy theo mức độ phạm tội, pháp nhân phạm tội bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 18 tỷ đồng, ngoài ra có thể bị đình chỉ kinh doanh từ 6 tháng đến 3 năm. Song, công luận cho rằng những chế tài đó chưa đủ sức răn đe.
Chúng ta đang bỏ nhiều hình phạt tử hình, nhưng có lẽ, tội sản xuất và lưu hành hàng giả, đặc biệt là thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng giả nên có án tử hình và cần nghiêm trị.