Đủ kiểu phung phí đất đai của các doanh nghiệp cao su

Kết luận thanh tra (KLTT) về quản lý, sử dụng đất đai, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã nêu ra một loạt vi phạm trong quản lý đất đai của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và các công ty cao su thành viên của VRG, trong đó có những sai phạm không dễ gì khắc phục triệt để. Hiện nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến đất đai của các công ty cao su tiếp tục được phát hiện…

Năm 2020, TTCP đã chỉ rõ, việc Chủ tịch HĐQT VRG cho phép Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng chuyển giao hơn 96 ha đất cao su cho Trường Trung học kỹ thuật nghiệp vụ Cao su (sau chuyển thành Trường Cao đẳng công nghiệp Cao su), UBND tỉnh Bình Phước ra quyết định thu hồi 97 ha đất của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng để giao đất, ký hợp đồng cho thuê đất với Trường Cao đẳng công nghiệp Cao su là không đúng quy định về quản lý đất đai. Lý do, trường này không phải tổ chức kinh tế để được cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư. UBND tỉnh Bình Dương không thực hiện giải phóng mặt bằng, để Công ty CP Cao su Phước Hòa và Công ty CP khu công nghiệp (KCN) Nam Tân Uyên tự thỏa thuận mức bồi thường 621 ha. UBND tỉnh Bình Phước thu hồi 25 ha đất không đưa vào sử dụng, giao đất không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 25 ha, phê duyệt đánh giá tác động môi trường trái thẩm quyền và cho phép kinh doanh ngành nghề trái quy định đối với KCN có diện tích 291 ha.

Việc sử dụng đất để xây dựng KCN nhưng không thành lập công ty phát triển hạ tầng KCN và thực hiện chuyển nhượng dự án không đúng quy định xảy ra tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Vi phạm về cho thuê lại đất khi chưa được Nhà nước cho thuê đất, chưa xây dựng dự án nhà ở trong KCN, bàn giao đất khi chưa có quyết định thu hồi đất xảy ra tại Công ty CP Cao su Phước Hòa, Công ty CP KCN Nam Tân Uyên.

Khu đất cao su được bàn giao để làm Dự án điện mặt trời “3 không” Lộc Ninh 3.

Khu đất cao su được bàn giao để làm Dự án điện mặt trời “3 không” Lộc Ninh 3.

Từ đề nghị của UBND tỉnh Bình Phước, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép chuyển đổi 3.296 ha đất của 4 công ty cao su thành viên của VRG sang mục đích phát triển công nghiệp và bố trí khu dân cư. Tuy vậy, sau hơn 10 năm diện tích đất các công ty cao su bàn giao cho địa phương chỉ đạt 2.894 ha, còn 1.164 ha chưa được sử dụng theo nội dung đã được thu hồi gây lãng phí không nhỏ. Thế nhưng, việc giao đất cho địa phương cũng tăng, giảm tùy tiện khi Công ty Công ty CP Cao su Đồng Phú bàn giao cho địa phương đến 820 ha, tăng 365 ha; Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long bàn giao 1.692 ha, tăng 419 ha. Ngược lại, đất của những công ty cao su không ở vị trí đắc địa được bàn giao khá ít so với diện tích cần thu hồi như Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh chỉ bàn giao được 110 ha, giảm đến 278 ha; Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng chỉ bàn giao được 270 ha, giảm đến 506 ha so với điện tích phải bàn giao đã được phê duyệt.

Tại tỉnh Đồng Nai, theo phương án được UBND tỉnh này phê duyệt vào năm 2016, thì diện tích đất Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (Donaruco) phải bàn giao cho địa phương quản lý lên đến 10.011 ha. Diện tích này gồm cả phần đất Donaruco không sử dụng phải bàn giao cho địa phương là 1.146 ha. Nhưng đến khi TTCP tiến hành thanh tra, Donaruco mới chỉ bàn giao được hơn 487 ha theo 5 quyết định thu hồi đất của tỉnh. Phần diện tích chưa bàn giao lên tới 9.523 ha được lý giải là UBND tỉnh Đồng Nai chưa có quyết định thu hồi đất trong khi Donaruco đã 8 lần có văn bản đề nghị được bàn giao đất. Donaruco còn phải “ôm” thêm 3,3 ha đất dự kiến bàn giao cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong nhiều năm do địa phương không thu hồi đất để triển khai dự án.

Ngoài ra, 3 công ty thành viên của VRG được chuyển đổi mục đích sử dụng 137 ha đất để làm dự án nhà ở. Trong đó, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng làm khu dân cư Phước Bình diện tích hơn 2,2 ha; Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng làm khu dân cư Rạch Bắp và khu dân cư 49-50 với diện tích 101 ha; Công ty CP Cao su Phước Hòa làm khu dân cư diện tích 33 ha. Nhưng khi kiểm tra, TTCP phát hiện UBND tỉnh Bình Dương và Bình Phước khi giao đất đã không tổ chức thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Thậm chí UBND tỉnh Bình Phước còn cho phép Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng chuyển nhượng dự án nhà ở khi chưa đủ điều kiện, chưa thực hiện đúng quy định về đất đai; HĐQT VRG duyệt chủ trương chuyển đổi chủ trương đầu tư dự án không đúng thẩm quyền.

Về nhà đất công, quản lý đến 759 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích lên đến 1.200 ha đất và 1,17 triệu m2 nhà thuộc diện phải sắp xếp. Nhưng sau hơn chục năm thực hiện, đến khi TTCP vào cuộc VRG mới chỉ sắp xếp được 43 tài sản với tổng diện tích đất gần 15,4ha, diện tích nhà là 42.198m2, trong đó có 11 cơ sở nhà đất tại TP Hồ Chí Minh. TTCP còn xác định, Công ty tài chính Cao su mua 3 tài sản nhà, đất tại TP Hồ Chí Minh không đúng quy định khi không lập báo cáo nghiên cứu khả thi, ký hợp đồng mua tài sản khi chưa lập dự án đầu tư, giá mua tài sản cao hơn giá đất thành phố ban hành sau đó hơn chục năm… Vụ việc chuyển nhượng khu đất có diện tích 6.202m2 làm dự án cao ốc ở số 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, TP Hồ Chí Minh từ 2 công ty thành viên của VRG là Donaruco và Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa đã khiến hơn chục người có trách nhiệm của VRG cùng một số doanh nghiệp trong và ngoài ngành cao su bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can vào năm ngoái.

Gần đây, khi vụ án sai phạm trong ngành điện khiến nhiều bị can thuộc Bộ Công thương và một số tỉnh, thành phố bị điều tra, truy tố, sai phạm tại Dự án điện mặt trời “3 không” Lộc Ninh 3 ở tỉnh Bình Phước đã liên tục được nhắc đến. Trong đó khu đất Dự án điện mặt trời Lộc Ninh 3 ngang nhiên “mọc lên” có diện tích hơn 149 ha là đất rừng sản xuất của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh. Để tự thỏa thuận giao đất cho chủ đầu tư dự án điện mặt trời trên, ngày 23/9/2020, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh đã có văn bản gửi VRG đề nghị phê duyệt giá bồi thường, thanh lý cây cao su, bàn giao đất về địa phương. Ngay sau đó, VRG đã có văn bản thống nhất mức giá đền bù, hỗ trợ khi thanh lý vườn cây cao su, keo lai tối thiểu là 372,3 triệu đồng/ha. Có được sự đồng ý trên, Công ty CP năng lượng Lộc Ninh 3 và Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh đã thỏa thuận số tiền bồi thường cho diện tích 149 ha đất là 45,4 tỷ đồng.

Để hỗ trợ dự án điện mặt trời “3 không” này, tháng 10/2020, UBND tỉnh Bình Phước đã đề nghị VRG bàn giao 150 ha đất cho địa phương. Trong phụ lục thông báo KLTT vào ngày 25/12/2023 của TTCP đối với tỉnh Bình Phước, TTCP đã khẳng định: Đối với 149 ha đất làm Dự án điện mặt trời Lộc Ninh 3, đến thời điểm thanh tra, Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến về việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng sản xuất do Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh quản lý, sử dụng sang đất công trình năng lượng theo đề nghị của địa phương. Do đó, diện tích đất này chưa được UBND tỉnh Bình Phước cho chuyển mục đích sử dụng, chưa cho Công ty CP năng lượng Lộc Ninh 3 thuê đất. Nhưng trong thời gian làm thủ tục điều chỉnh diện tích, vị trí xây dựng, Công ty CP năng lượng Lộc Ninh 3 đã tự ý xây dựng dự án trên khu đất này. TTCP xác định đây là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Đất đai 2013. Việc Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh để Công ty CP năng lượng Lộc Ninh 3 sử dụng khu đất trên làm dự án là vi phạm quy định về nghĩa vụ của người sử dụng đất. Trách nhiệm đối với những khuyết điểm, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đối với dự án này là của UBND tỉnh Bình Phước và 2 công ty liên quan…

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dia-oc/du-kieu-phung-phi-dat-dai-cua-cac-doanh-nghiep-cao-su-i759878/
Zalo