Tinh gọn bộ máy: Hà Nội và TP.HCM không quá 15 sở

Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính phủ đã có văn bản định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp quận huyện.

Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính phủ đã có văn bản định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp quận huyện.

Theo đó, mục đích sắp xếp, tinh gọn tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện tương đồng với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, đảm bảo tính thống nhất, liên thông trong quản lý nhà nước.

Nguyên tắc triển khai là tổ chức hợp lý các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì.

 Tổ chức hợp lý các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện quản lý đa ngành, đa lĩnh vực (Ảnh minh họa)

Tổ chức hợp lý các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện quản lý đa ngành, đa lĩnh vực (Ảnh minh họa)

Trên cơ sở đó, đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, duy trì 3 sở (có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong), gồm: Sở Tư pháp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc Sở Văn hóa, Thể thao với địa phương duy trì Sở Du lịch); Thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Ban chỉ đạo cũng định hướng, gợi ý hợp nhất với một số sở, ngành tương đồng với sắp xếp các bộ ở trung ương, cụ thể:

Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính. Tên gọi dự kiến sau hợp nhất là Sở Kinh tế - Tài chính, tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ hai sở trước khi hợp nhất.

Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tên gọi sau hợp nhất dự kiến là Sở Nông nghiệp và Môi trường, tiếp nhận nguyên trạng hai sở trước khi hợp nhất.

Hợp nhất Sở Thông tin và truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ. Tên gọi sau hợp nhất là Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông.

Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ. Tên gọi sau hợp nhất dự kiến là Sở Nội vụ và Lao động.

Đối với cơ quan chuyên môn cấp huyện, sẽ duy trì 3 phòng: Phòng tư pháp; phòng tài chính - kế hoạch; thanh tra huyện; văn phòng HĐND và UBND cấp huyện.

Hợp nhất phòng lao động - thương binh và xã hội với phòng nội vụ, dự kiến thành phòng nội vụ và lao động.

Thành lập phòng kinh tế, hạ tầng và đô thị trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ tham mưu về xây dựng, giao thông, công cộng từ phòng kinh tế và phòng quản lý đô thị (tại quận, thị xã, thành phố), phòng kinh tế và hạ tầng (tại huyện).

Thành lập phòng văn hóa, khoa học và thông tin trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của phòng văn hóa - thông tin; chức năng, nhiệm vụ về khoa học, công nghệ từ phòng kinh tế (tại quận, thị xã, thành phố), phòng kinh tế và hạ tầng (tại huyện) trên địa bàn cấp huyện.

Thành lập phòng nông nghiệp và môi trường trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của phòng tài nguyên và môi trường; chức năng, nhiệm vụ của phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn…

Về thời gian thực hiện, các địa phương hoàn thành việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn, đảm bảo đồng bộ với việc hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ (dự kiến hoàn thành trước 20/2/2025 và báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ trước ngày 28/2/2025).

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tinh-gon-bo-may-ha-noi-va-tphcm-khong-qua-15-so-post1702159.tpo
Zalo