Bộ Tài chính thông tin về xử lý tài sản công sau sắp xếp, tinh gọn
Bộ Tài chính đã ban hành quy định hướng dẫn các cơ quan đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, tinh gọn bộ máy khẩn trương tổng kiểm kê trước khi sáp nhập, hợp nhất rồi chuyển kết quả cho cơ quan chủ quản mới, tránh thất thoát tài sản.
Kiểm kê tài sản trước khi sắp xếp lại bộ máy
Tại buổi họp báo chuyên đề về "Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý", do Bộ Tài chính tổ chức chiều 18/12, báo chí nêu câu hỏi: "Cuộc tổng kiểm kê tài sản lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, được thực hiện trong bối cảnh Trung ương đang sắp xếp tinh gọn bộ máy, như vậy có khó khăn gì hay không?".
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, Đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 01/3/2024.
Theo đó, thời điểm chốt số liệu kiểm kê là trước ngày 1/1/2025, phạm vi của đợt tổng kiểm kê rất lớn, với gần 100.000 đơn vị thuộc đối tượng kiểm kê, gồm hai nhóm: Nhóm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định; Nhóm kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý như tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đê điều, cấp nước sạch, công trình công cộng...
Việc thực hiện kiểm kê tài sản công lần này diễn ra vào thời điểm sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở nhiều địa phương do đó ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Thịnh cho biết, Bộ Tài chính đã lường trước tình huống này nên đã ban hành văn bản hướng dẫn ngày 14/12/2024 cho các bộ ngành, cơ quan thực hiện kiểm kê tài sản trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, kết thúc hoạt động hoặc chuyển chức năng, nhiệm vụ về cơ quan khác.
"Các đơn vị cũ cần kiểm kê toàn bộ tài sản công trước khi chuyển sang cơ quan chủ quản mới, chuyển toàn bộ hồ sơ kiểm kê cho cơ quan chủ quản mới sau sáp nhập, hợp nhất, đảm bảo việc kiểm kê không có khoảng trống, tránh thất thoát tài sản", ông Thịnh nhấn mạnh.
Về xử lý tài sản công sau sáp nhập, đại diện Cục Quản lý công sản cho hay, văn bản hướng dẫn nói trên của Bộ Tài chính cũng đã quy định rõ theo hướng: các cơ quan đơn vị cũ chuyển toàn bộ tài sản công về cơ quan đơn vị mới sau sắp xếp. Sau khi cơ quan, đơn vị mới sắp xếp ổn định về mặt cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự thì tính toán đến câu chuyện xử lý tài sản công như thế nào. Trước hết phải có một người chịu trách nhiệm quản lý, sau đó cơ quan, đơn vị mới xác định lại nhu cầu sử dụng của mình, phần còn lại không có nhu cầu sử dụng thì sẽ xử lý theo quy định của Nhà nước, bao gồm điều chuyển cho đơn vị khác hoặc bán, chuyển nhượng, chuyển giao...
Đối với các tài sản đơn vị cũ đang sử dụng vào liên doanh, liên kết, cho thuê thì vẫn phải chuyển sang đơn vị mới để kế thừa, sau đó xử lý tiếp theo quy trình xử lý tài sản cho thuê, liên doanh liên kết, ví dụ xem xét hợp đồng liên kết hoặc cho thuê để đánh giá lại và điều chỉnh giá cho phù hợp mặt bằng giá mới...
Xử lý kịp thời đối với tài sản dôi dư, sử dụng sai mục đích
Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, trong quá trình tổng kiểm kê, nếu có tài sản dôi dư không sử dụng hoặc sử dụng tài sản sai mục đích, thì báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý ngay trong quá trình kiểm kê, không chờ đến khi kết thúc toàn bộ quá trình kiểm kê mới báo cáo.
Sau khi hoàn thành kiểm kê, Bộ Tài chính sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương sử dụng kết quả để xây dựng kế hoạch và chính sách quản lý tài sản công hiệu quả hơn, bao gồm việc hoàn thiện các quy định về định giá và sử dụng tài sản; đánh giá thực trạng quản lý tài sản của các cơ quan, đơn vị để xác định những điểm yếu cần cải thiện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tài sản công, giúp minh bạch và thuận tiện trong việc theo dõi, điều chỉnh.
Có câu hỏi gửi tới ông Thịnh đề nghị cho biết vai trò của cơ quan quản lý công sản đối với một số dự án công đang bị thất thoát lãng phí như dự án chống ngập ở TP. Hồ Chí Minh và hai bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Luật Quản lý tài sản công ban hành năm 2017 có nhiều quy định chưa rõ, sau đó Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội và vừa rồi Quốc hội thông qua Luật số 56 sửa 9 luật, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Luật Quản lý tài sản công mới đã sửa theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, theo đó Bộ Tài chính và Chính phủ chỉ giải quyết các vấn đề liên bộ và các vấn đề giữa các bộ với địa phương, còn lại phân cấp hết cho các bộ, ngành, địa phương gắn với công tác kiểm tra, giám sát. Luật mới cũng phân định rõ việc quản lý, sử dụng tài sản công tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công và các luật khác.
Về các dự án lãng phí kể trên, ông Thịnh nói rằng nhiều người cho rằng đó là tài sản công, nhưng thực tế nó chưa phải tài sản công vì đó là các dự án chưa hoàn thành, chưa hình thành tài sản công nên chưa phải đối tượng quản lý của Luật quản lý, sử dụng tài sản công do Cục Quản lý công sản chịu trách nhiệm.
"Các dự án này đang ở giai đoạn đầu tư, cho nên việc tháo gỡ vướng mắc đã được Chính phủ đang giao cho các bộ chủ quản của các dự án đó. Bộ Tài chính cũng có quá trình tham mưu giải quyết", ông Thịnh nói.
Các mốc thời gian hoàn thành kiểm kê theo Đề án 213:
Đến ngày 31/12/2024 hoàn thành công tác chuẩn bị phục vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Đến ngày 31/3/2025 hoàn thành việc kiểm kê của các đối tượng thực hiện kiểm kê.
Đến ngày 15/6/2025, các bộ, ngành, địa phương báo cáo về Bộ Tài chính.
Đến ngày 31/7/2025, Bộ Tài chính hoàn thành việc tổng hợp kết quả kiểm kê, xây dựng báo cáo tổng hợp về tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý trên phạm vi cả nước, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.