Dự kiến sẽ có tuyến đường sắt nhẹ kết nối ga Thủ Thiêm và ga Long Thành
Về giao thông kết nối sân bay Long Thành với TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đang hoàn thiện báo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt nhẹ kết nối từ ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) đến ga Long Thành (Đồng Nai) để kêu gọi đầu tư, và dự kiến sẽ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Chiều 20/11, tiếp tục chương trình Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (gọi tắt sân bay Long Thành).
Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 với quy mô đầu tư 100 triệu hành khách/năm, lộ trình thực hiện gồm 3 giai đoạn.
Trong đó, Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của Dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.
Theo tờ trình của Bộ Giao thông vận tải, về quy mô đầu tư Giai đoạn 1, tại thời điểm trình duyệt chủ trương đầu tư Dự án, do việc xác định nguồn vốn để đầu tư còn khó khăn nên Quốc hội đã quyết định Giai đoạn 1 của Dự án chỉ đầu tư “Đường cất, hạ cánh số 1” ở khu vực phía bắc.
Trường hợp Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải tạm dừng khai thác do xảy ra sự cố trên “Đường cất, hạ cánh số 1” thì Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Quá trình triển khai Giai đoạn 1, Chính phủ nhận thấy việc xây dựng “Đường cất, hạ cánh số 3” cách “Đường cất, hạ cánh số 1” đang đầu tư 400m về phía bắc ngay trong Giai đoạn 1 có nhiều thuận lợi và sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Do vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh 3 nội dung: đưa đường “cất, hạ cánh số 3” từ giai đoạn 3 lên giai đoạn 1 (xây dựng song song 2 đường cất hạ cánh); lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành đến cuối năm 2026, thay vì cuối năm 2025 - như vậy chậm 1 năm so với nghị quyết của Quốc hội; đề xuất cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Giai đoạn 1 của dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua.
Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các nhà thầu và người lao động đã tích cực thi công ngày đêm trên công trường để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Đại biểu nhất trí đề xuất bổ sung đầu tư tuyến đường cất, hạ cánh số 3 hướng bắc vào giai đoạn 1 và kéo dài thời gian hoàn thành giai đoạn 1 đến cuối năm 2026; cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh giai đoạn 1.
Cũng bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành theo như tờ trình của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) nhấn mạnh đây là dự án trọng điểm quốc gia, mang tầm chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, do đó nên có các giải pháp bảo đảm triển khai thực hiện hiệu quả và sớm đưa vào hoạt động.
Báo cáo, giải trình một số nội dung liên quan đến dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, về tính khả thi của nguồn vốn, Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư là 109.111 tỷ đồng. Trong đó dự án thành phần 3 do ACV đầu tư có tổng mức đầu tư là 99.019 tỷ đồng, tương đương với 4,23 tỷ USD.
Đến thời điểm hiện nay, dự án thành phần 3 còn dư khoảng 3.908 tỷ đồng. Các công trình đang và sẽ triển khai của dự án thành phần 3 đều đã được phân bổ dự phòng phù hợp nên việc sử dụng khoảng từ 3.304 tỷ đồng/3.908 tỷ đồng từ phần tiết kiệm và dự phòng để đầu tư đường cất, hạ cánh số 3 không ảnh hưởng tới các công trình khác và không làm phát sinh thêm chi phí dẫn đến phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Về nguồn vốn, hiện nay ACV đã huy động được đủ 4,23 tỷ USD để đầu tư, trong đó vốn tự có của ACV khoảng 2,43 tỷ USD và vay thương mại tại các ngân hàng thương mại là 1,8 tỷ USD.
Về tiến độ triển khai hạng mục đường cất, hạ cánh số 3, Bộ trưởng nêu rõ, Chính phủ dự kiến thời gian chuẩn bị khoảng tối đa không quá 12 tháng, nhưng Bộ Giao thông vận tải dự kiến chỉ mất một nửa thời gian là khoảng 6 tháng. Thời gian thi công khoảng tối đa 12 tháng, tương tự như đường cất, hạ cánh 1.
“Như vậy, sau khi Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, hạng mục đường cất, hạ cánh số 3 cũng sẽ hoàn thành trong năm 2026 và bảo đảm đồng bộ cùng với giai đoạn 1, tức là tối đa đến 2/9/2026”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.
Liên quan giao thông kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án cũng như trong quá trình lập các quy hoạch quốc gia ngành giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải cũng đã hoạch định và đang đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông kết nối trung tâm TP Hồ Chí Minh và các vùng lân cận tới Cảng không quốc tế Long Thành.
Về đường bộ, hiện đang đầu tư các tuyến mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành và Chính phủ đang giao cho VECH triển khai thực hiện các thủ tục để nâng từ 4 làn lên 8 làn và 10 làn dự kiến sẽ triển khai và hoàn thành vào năm 2027.
Ngoài ra, xây dựng tuyến đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, dự kiến hoàn thành trong năm 2026, giúp kết nối từ TP Hồ Chí Minh đến Long Thành, và tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành giúp kết nối khu vực phía nam của TP Hồ Chí Minh, dự án này cũng dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giúp kết nối các khu vực phía bắc của TP Hồ Chí Minh.
Về đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, có 3 tuyến đường sắt kết nối, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam, từ ga Thủ Thiêm đến ga Long Thành.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt nhẹ kết nối từ ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) đến ga Long Thành (Đồng Nai) để kêu gọi đầu tư, và dự kiến sẽ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), có phần vốn của nhà nước tham gia. Bên cạnh đó, cũng đã có quy hoạch tuyến đường sắt kết nối từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến ga Thủ Thiêm.