Du khách Mỹ đầu tiên tới Triều Tiên sau 5 năm nhờ tấm hộ chiếu hàng trăm nghìn USD
Du khách Mỹ không thể đến Triều Tiên, nhưng người đàn ông này đã chi số tiền lên tới sáu con số để có tấm hộ chiếu thứ hai nhằm đi du lịch quốc gia này.

Justin Martell chụp ảnh năm 2015 trước Đài tưởng niệm Mansudae, nơi đặt hai bức tượng đồng đồ sộ của 2 cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Il Sun và Kim Jong Il, ông nội và cha của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: Young Pioneer Tours
Theo kênh CNN, Justin Martell là một nhà làm phim sinh ra ở bang Connecticut, sáng lập Pioneer Media - một công ty chuyên ghi hình những địa điểm độc đáo và khó tiếp cận.
Martell vừa trở thành công dân Mỹ đầu tiên đặt chân tới Triều Tiên kể từ khi đại dịch bùng phát hơn 5 năm trước.
Anh tham gia vào một đoàn nhỏ gồm hướng dẫn viên của các công ty du lịch đến Triều Tiên tuần trước để chuẩn bị cho các chuyến du lịch sắp tới. Sau 5 ngày ở Triều Tiên, họ đã băng qua cây cầu bắc qua sông Tumen trong giá lạnh để trở lại Trung Quốc ngày 17/2.
Martell cùng những người đồng hành, bao gồm Rowan Beard (Australia) của công ty Young Pioneer Tours (YPT) và Gerg Vaczi (Hungary) của công ty Koryo Tours đang gấp rút triển khai kế hoạch tổ chức các chuyến du lịch.
Vào ngày 20/2, họ dự kiến bắt đầu đưa những nhóm nhỏ du khách phương Tây tới Rason, một khu vực hẻo lánh của Triều Tiên gần biên giới Trung Quốc và Nga. Du khách đến từ Đức, Pháp, Anh, Canada, Australia, Macao và Jamaica đã đặt chỗ.
Các chuyến đi này đánh dấu một bước tiến quan trọng sau nhiều năm Triều Tiên đóng cửa nghiêm ngặt hơn bao giờ hết.
Đối với hầu hết thế giới, những ngày đen tối của COVID-19 dường như chỉ còn là ký ức xa vời, nhưng Martell cho biết điều đó không đúng với Triều Tiên.
Các biện pháp y tế nghiêm ngặt như đeo khẩu trang và kiểm tra nhiệt độ vẫn là điều bình thường, trong khi các địa điểm du lịch nổi tiếng, gồm cả chợ địa phương, vẫn bị cấm do lo ngại về nguy cơ lây nhiễm.
Martell nói rằng tâm lý lo sợ về đại dịch vẫn còn ăn sâu trong Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK) - tên gọi chính thức của Triều Tiên. Người dân còn đồn đoán về những giả thuyết kỳ lạ liên quan nguồn gốc của virus. Martell kể: “Nghe nói có tin đồn rằng COVID-19 xâm nhập vào Triều Tiên qua một quả bóng bay được gửi từ Hàn Quốc”.
Mặc dù đại dịch khiến du khách không thể vào Triều Tiên, nhưng người Mỹ thực chất đã bị cấm nhập cảnh từ trước đó. Bộ Ngoại giao Mỹ áp đặt lệnh cấm nhập cảnh Triều Tiên vào ngày 1/9/2017 sau cái chết của Otto Warmbier - một sinh viên Mỹ 22 tuổi bị giam giữ tại Triều Tiên và trở về trong tình trạng sống thực vật rồi qua đời không lâu sau đó.
Martell, người đã đến Triều Tiên 11 lần trước đó, đang ở nước này khi lệnh cấm có hiệu lực. Anh kể lại: “Khi đó tôi đang băng qua biên giới Sinuiju - Dandong thì lệnh được ban hành. Điều đó khiến tôi trở thành du khách Mỹ cuối cùng rời khỏi Triều Tiên bằng hộ chiếu Mỹ”.
Bất chấp lệnh cấm, Martell vẫn quyết tâm quay lại Triều Tiên. Anh nói: “Tôi không muốn dừng lại. Tôi không muốn cuộc trò chuyện kết thúc”.

Martell đứng trước một tấm biển quảng cáo ở Rason vào ngày 16/2. Dòng chữ có nghĩa "Chủ nghĩa xã hội muôn năm!". Ảnh: Young Pioneer Tours
Để lách lệnh cấm nhập cảnh Triều Tiên mà Mỹ áp đặt, Martell đã xin quốc tịch thứ hai của Saint Kitts và Nevis, một quốc đảo Caribe nổi tiếng với chương trình cấp quốc tịch bằng đầu tư. Bằng cách chi một khoản tiền sáu con số vào Quỹ Đóng góp Quốc đảo Bền vững, anh đã có được tấm hộ chiếu thứ hai, hợp pháp để quay lại Triều Tiên mà không vi phạm lệnh cấm của Mỹ.
Anh giải thích: “Quá trình này mất khoảng một năm. Kiểm tra lý lịch, kê khai tài chính, đầy đủ các thủ tục”.
Tuy nhiên, từ khi chiến sự Ukraine nổ ra, giá để mua quốc tịch theo diện đầu tư đã tăng vọt. Martell cho biết: “Giá cả đã tăng gấp đôi, gấp ba vì nhiều người Nga đang mua hộ chiếu thứ hai. Giờ chi phí đã lên tới 250.000 USD. Tôi may mắn phải trả ít hơn con số đó”.
Dù tốn kém, anh vẫn thấy đây là khoản đầu tư xứng đáng. Anh nói: “Bạn phải thực sự muốn đi. Nhưng nếu đã bỏ tiền và thời gian, hãy đảm bảo hộ chiếu đó giúp ích nhiều hơn là chỉ để vào Triều Tiên. Hộ chiếu Saint Kitts của tôi giúp tôi vào Nga mà không cần visa - điều mà hộ chiếu Mỹ không giúp được”.
Dù người Triều Tiên tỏ ra quan tâm đến chính trị Mỹ, nhưng cuộc xung đột Nga-Ukraine lại là chủ đề nhạy cảm.
Martell cho biết: “Các hướng dẫn viên biết rõ tình hình thế giới, nhưng về Ukraine, họ chủ yếu lắng nghe. Họ tỏ ra thận trọng, dù vẫn bày tỏ ủng hộ Nga”.
Tuy hành trình du lịch ở Rason còn hạn chế, nhưng các quy định về chụp ảnh lại được nới lỏng đáng kể.
Dù mang hộ chiếu Saint Kitts, nhưng Martell vẫn cảm nhận được sự chú ý đặc biệt vì là người Mỹ. Anh kể: “Tôi bị yêu cầu xóa hai đoạn video, một đoạn quay cảnh chuẩn bị cho điệu nhảy tập thể, một đoạn tôi giải thích sai một khẩu hiệu tuyên truyền do hướng dẫn viên dịch sai”.
Tuy nhiên, anh không gặp thái độ thù địch nào. Anh nói: “Không có bình luận chống Mỹ nào cả. Có lần, khi chúng tôi đang đi bộ trong công viên Hea’an và một số đứa trẻ nhìn thấy chúng tôi rồi bỏ chạy. Một trong các hướng dẫn viên còn đùa rằng có thể trẻ con biết tôi là đế quốc Mỹ… Rồi chúng tôi cười lớn. Tôi không coi đó là bình luận ác ý”.
Ngay cả những biểu tượng thù địch với Mỹ cũng dường như giảm bớt. Martell nhận thấy không có áp phích tuyên truyền chống Mỹ nào được trưng bày công khai. Anh thậm chí phải hỏi nhân viên hiệu sách ngoại văn để mua bưu thiếp có nội dung chống Mỹ vì chúng không còn được trưng bày ở phía trước như trước đây.
Dù còn nhiều rào cản, nhưng điều đọng lại trong Martell và những người đồng hành vẫn là những cuộc gặp gỡ giữa con người với con người, đầy chân thực, tự nhiên và đầy cảm xúc. Tại một trường học địa phương, Martell bất ngờ trở thành khách mời trong một buổi hỏi đáp của các học sinh tò mò. Anh kể: “Những đứa trẻ không quan tâm đến chính trị. Chúng muốn biết về âm nhạc, thể thao, về cuộc sống ở Mỹ. Chúng chỉ muốn kết nối”.