Du khách hào hứng trên chuyến tàu 'xuyên thời gian' về miền đất võ Bình Định
Ngày 1/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định tổ chức chuyến tàu trải nghiệm văn hóa 'Hành trình văn hóa – Về miền đất võ'. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5.
Không gian xứ Nẫu trên từng nhịp tàu
Theo đó, tàu có lộ trình từ ga Quy Nhơn đến ga Diêu Trì (Tuy Phước, Bình Định) chiều dài hơn 10km. Nhưng chương trình không đơn thuần là một phương tiện di chuyển mà còn mang theo sứ mệnh kết nối quá khứ và hiện tại, văn hóa và thiên nhiên, trải nghiệm và cảm xúc.

Chuyến tàu "Hành trình văn hóa - Về miền đất võ" mang theo những ký ức và trải nghiệm thú vị.
Ngay từ khi đặt chân lên tàu, du khách đã được đắm chìm trong không gian văn hóa đặc trưng xứ Nẫu với những làn điệu dân gian mộc mạc, những câu chuyện hào hùng về phong trào Tây Sơn, được kể bởi các hướng dẫn viên như những người giữ hồn đất võ.
Bên cạnh đó, du khách còn có dịp thưởng thức các món ngon địa phương được phục vụ trên tàu từ bánh ít lá gai đến nước mía ghế đá… những thức quà bình dị mà đậm đà hương vị miền Trung.
Trong suốt hành trình, du khách sẽ được ngắm bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, từ làng chài yên bình đến những cánh đồng lúa xanh rì, từ bờ biển trải dài đến rặng cây hoang sơ ven dọc hai bên đường ray.
Anh Iurii Kulavov, du khách đến từ nước Nga chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm chuyến tàu như thế này, tôi vô cùng ấn tượng với con người và phong cảnh ở Quy Nhơn. Ngay trên tàu, tôi đã được thưởng thức những món đặc sản của Bình Định, rất ngon và thú vị.
"Chắc chắn sau chuyến đi này, tôi sẽ giới thiệu đến những người bạn của tôi về vẻ đẹp của phong cảnh, con người Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung để mọi người được trải nghiệm, khám phá những điều mới mẻ tuyệt vời này", anh Kulavov nói.
Theo cô Tuyến Xuân, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, lần đầu tiên tôi đến với Quy Nhơn và được trải nghiệm hành trình văn hóa - Về miền đất võ, khơi dậy cảm xúc về những năm tháng ngày đầu giải phóng, rất xao xuyến, xúc động và tự hào. Không những vậy, người dân Quy Nhơn thân thiện, nồng hậu là một điểm cộng lớn.
Khám phá những trầm tích văn hóa
Trước khi dừng điểm cuối của hành trình là ga Diêu Trì, là một trong những ga lớn của tuyến đường sắt Bắc - Nam, con tàu hành trình về miền đất võ này còn dừng tại hai điểm du lịch độc đáo, chứa đựng trầm tích văn hóa, lịch sử.
Trong đó, tháp Đôi - cụm di tích Chăm Pa mang đậm dấu ấn kiến trúc và tâm linh, nằm giữa lòng thành phố Quy Nhơn. Và cầu Luật Lễ - cây cầu sắt hơn 100 năm tuổi nhuốm màu thời gian, chứng nhân của biết bao đổi thay nơi vùng đất võ.
Theo bà Ngô Kim Huệ (62 tuổi, TP Quy Nhơn), dù là người con của Quy Nhơn nhưng đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm trên cây cầu đường sắt cổ kính. Tôi mong rằng sẽ có nhiều chuyến tàu "về miền Đất Võ" hơn nữa để bạn bè du khách trong và ngoài nước biết đến Quy Nhơn.
Ông Phạm Văn Minh, trưởng Ga Diêu Trì cho hay: Tuyến đường sắt kết nối Quy Nhơn - Diêu Trì dài khoảng 10,3km nên nhà ga có chủ trương cho tàu chạy với tốc độ trung bình 40km để du khách có thêm thời gian trải nghiệm một cách tốt nhất.
Hiện, nhà ga cũng bố trí các nhân viên đủ tiêu chuẩn để hướng dẫn cho du khách suốt dọc hành trình. Bên cạnh đó, thực hiện phong trào "một đường tàu - một đường hoa, mỗi nhà ga - một điểm đến" do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phát động, đơn vị sẽ thực hiện trồng các loại hoa của địa phương dọc tuyến đường sắt để hành khách có thêm trải nghiệm khi đi tàu - ông Minh nói.
Một số hình ảnh PV ghi nhận trên chuyến tàu "xuyên thời gian" về miền đất võ Bình Định:

Du khách lên tàu, chuẩn bị hành trình khám phá "về miền đất võ".

Lên tàu, du khách được "chìm đắm" trong không gian rực rỡ chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Du khách được thưởng thức nghệ thuật bài chòi.

Anh Iurii Kulavov (áo đen) thích thú khi được thưởng thức những đặc sản của Bình Định.

Tại điểm dừng chân Tháp Đôi, du khách được thưởng thức những điệu múa Chămpa.

Cô Kim Huệ lưu lại những kỷ niệm cùng gia đình tại Tháp Đôi.

Du khách tham quan cầu Luật Lễ, cây cầu sắt hơn 100 năm tuổi.

Cầu Luật Lễ là nhân chứng của biết bao đổi thay nơi vùng đất võ.

Ga Diêu Trì - Điểm cuối của hành trình.

Du khách chụp hình lưu niệm kết thúc hành trình.
Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch cho biết: Đây là sản phẩm du lịch mới giúp du khách có những trải nghiệm mới mẻ.
Đây không chỉ đơn thuần là một hành trình di chuyển, mà còn là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự kết nối mới mẻ, thân thiện và đậm đà bản sắc của thành phố biển Quy Nhơn với những hành trình khám phá tuyệt vời hơn nữa trong tương lai.
Trước đó, Bình Định tổ chức nhiều chuyến tàu 0 đồng để đưa du khách từ Hà Nội, TP.HCM về tỉnh, kích cầu du lịch.