Dù còn nhiều khó khăn nhưng cấp thiết phải mở rộng không gian phát triển CSGDĐH

Mặc dù việc mở rộng không gian phát triển của các trường đại học là một vấn đề cấp thiết, thế nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện.

Việc mở rộng không gian của trường đại học là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học nên cần thực hiện sớm nhất có thể.

Chiến lược đến năm 2030 cần "mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn” được nêu ra tại Quyết định số 1705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Là xu hướng tất yếu và bắt buộc

Bày tỏ quan điểm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế, đây là một chiến lược hết sức quan trọng, xuất phát từ quan điểm đổi mới và toàn diện giáo dục của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, đây cũng là xu hướng tất yếu và bắt buộc, bởi muốn giáo dục đại học Việt Nam phát triển, được thế giới công nhận phải từng bước nâng cao chất lượng, có chiến lược, kế hoạch dài hạn để thực hiện.

Theo thầy Phương, để mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực, trước hết các trường đại học phải nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên để đạt chuẩn về trình độ tiến sĩ theo quy định tại Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

 Sinh viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế (Ảnh: Website Nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế (Ảnh: Website Nhà trường).

Cụ thể, Thông tư 01 nêu rõ, từ năm 2030, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ.

Bên cạnh đó, vấn đề về cơ sở vật chất, giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng thực hành cũng cần được nâng cao, mở rộng, bởi thực tế hiện nay ngoài việc giảng dạy kiến thức lý thuyết, các trường đại học cần nâng cao kỹ năng thực hành cho sinh viên.

Đồng thời, cần phải có những trang thiết bị kỹ thuật, hệ thống học liệu được đảm bảo cho nhu cầu giảng dạy và học tập, nghiên cứu trong môi trường giáo dục đại học. Đơn cử như thiết lập các thư viện số có sự liên kết giữa hệ thống thư viện không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài.

Ngoài ra, cần mở rộng quan hệ hợp tác, đối ngoại trong các hoạt động hợp đồng đào tạo liên kết với nước ngoài hoặc với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo thầy Phương, việc mở rộng không gian phát triển cho nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn.

Đơn cử, về trình độ của đội ngũ giảng viên, đối với những cơ sở đào tạo lâu đời thì số lượng cán bộ, giảng viên có trình độ, học hàm, học vị cao là tương đối nhiều. Thế nhưng đối với những cơ sở mới thành lập thì vấn đề này vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, việc nâng cao trình độ tiến sĩ cho đội ngũ giảng viên lại không đơn giản, phải tốn thời gian ít nhất khoảng 3 năm, thậm chí lên tới 4 năm - 7 năm để nghiên cứu sinh tốt nghiệp.

Hơn nữa, vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, học liệu, thư viện đòi hỏi phải có nguồn tài chính đáp ứng. Đáng nói, hiện nay các cơ sở giáo dục đại học công lập đang thực hiện tự chủ tài chính.

Chính vì vậy, đối với các cơ sở giáo dục đại học đã tự chủ về tài chính, khi không còn nguồn ngân sách từ nhà nước thì cần phải có một thời gian nhất định mới tích lũy được nguồn vốn, nguồn tiền đủ để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất.

Mặt khác, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục đối với các trường đại học công lập cũng còn nhiều khó khăn. Do đó, nên khuyến khích thành lập các trường đại học trong tập đoàn, doanh nghiệp của họ sẽ thuận lợi hơn.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Phan Lê Chung – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế, để mở rộng không gian phát triển cho các cơ sở giáo dục đại học, phải phân loại, nhóm các cơ sở giáo dục đại học và có kế hoạch phát triển gắn liền với sự phát triển chung của tình hình kinh tế đất nước, đồng thời bám theo mục tiêu của từng vùng.

Thầy Chung cũng cho rằng, để mở rộng không gian phát triển, việc đầu tư về nguồn lực cơ sở vật chất và con người là rất quan trọng. Tuy nhiên, cơ chế của trường đại học công lập hiện chưa được thông thoáng như trường tư thục nên khó thu hút đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất giữa khối trường công và khối trường tư có sự chênh lệch rõ rệt.

Đồng thời, định hướng hàng năm của mỗi cơ sở giáo dục đại học cũng rất quan trọng, phải bám sát với thực tế để thực hiện một cách hiệu quả.

Ngoài ra, phải có những quỹ hỗ trợ liên quan đến việc phát triển các ngành nghề. Theo đó, nên mở rộng thêm các ngành được ưu tiên với những ngành quan trọng nhưng đang ít người lựa chọn theo học như một số ngành về bảo tồn văn hóa, nghệ thuật truyền thống.

Cần có ưu đãi về giá đất, tăng cường hỗ trợ tín dụng cho việc mở rộng không gian

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông (Đồng Nai), hiện nay còn rất nhiều trường đại học đóng tại các thành phố lớn với diện tích eo hẹp, không đạt theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Điều này dẫn đến việc xây dựng cơ sở vật chất mới gặp nhiều khó khăn, sinh viên phải học tập, nghiên cứu trong không gian chật hẹp, để diện tích đất đạt 25m2 /sinh viên theo quy định tại Chuẩn cơ sở giáo dục đại học trở thành điều khó có thể thực hiện được.

Ngoài ra, sức ép về mật độ giao thông, tăng dân số cơ học, tăng giá cả của khu vực trung tâm khiến vấn đề di dời trường đại học ra khỏi khu vực trung tâm các đô thị trở nên hết sức cần thiết và cấp bách.

Trước thực tế trên, thầy Song cho rằng, chỉ có việc thực hiện chủ trương di dời kết hợp với quy hoạch đủ quỹ đất cho các cơ sở giáo dục đại học mới giúp các trường mở rộng được không gian phát triển.

 Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Miền Đông trong giờ học trải nghiệm thực tế (Ảnh: Website Nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Miền Đông trong giờ học trải nghiệm thực tế (Ảnh: Website Nhà trường).

Cũng theo thầy Song, vấn đề nâng cao năng lực cho các trường đại học là một bài toán lớn mang tính vĩ mô. Vấn đề này liên quan đến nhiều yếu tố như tăng chi ngân sách cho giáo dục đại học; quy hoạch, sắp xếp các trường đại học, sáp nhập, hợp nhất các trường nhỏ lẻ, hoạt động yếu kém; đổi mới cơ chế quản lý, đào tạo giảng viên; tăng cường chuyển đổi số; tăng tính tự chủ và tăng cường công tác giám sát, kiểm định các trường đại học…

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học cần phát huy nội lực và có chiến lược, kế hoạch thực hiện cụ thể. Đồng thời, cần bám sát theo các quy định về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học để đạt chuẩn và vượt chuẩn.

Mặc dù việc mở rộng không gian phát triển của các trường đại học là một vấn đề cấp thiết, thế nhưng, theo thầy Song, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện.

Trước hết, vấn đề quy hoạch đất cho giáo dục còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương thiếu quỹ đất cho xây dựng trường đại học, đặc biệt là các thành phố lớn.

Hơn nữa, việc đấu thầu, giao đất còn nhiều thủ tục vướng mắc, khó khăn, thời gian thực hiện dài. Giá đất dành cho giáo dục cao, chưa thể hiện rõ được chủ trương khuyến khích xã hội hóa giáo dục.

Thầy Song cho rằng, việc quy hoạch đất cho trường đại học cần đi kèm với quy hoạch về phát triển hạ tầng giao thông, điện nước, các cơ sở dịch vụ đi kèm. Không thể bắt sinh viên đi về một nơi “đồng không mông quạnh”, không có các dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt xung quanh.

Không những vậy, khó khăn còn đến từ việc bản thân nhiều trường đại học cũng chưa quyết tâm cao trong việc di dời ra khỏi các khu vực trung tâm.

Một phần là để di dời, cơ sở mới phải đáp ứng được điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nên cần thời gian, nguồn vốn và kế hoạch thực hiện cụ thể. Một phần do một số trường sợ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, công tác thu hút giảng viên.

Tuy nhiên, việc mở rộng không gian của trường đại học là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học nên cần thực hiện sớm nhất có thể.

Cũng theo thầy Song, hiện Trường Đại học Công nghệ Miền Đông đang có diện tích 10 ha và có kế hoạch mở rộng lên 24 ha trong thời gian tới.

Chính vì vậy, Nhà trường rất mong muốn các thủ tục, quy trình để thực hiện kế hoạch này có thể diễn ra nhanh chóng. Đồng thời, có các ưu đãi hơn nữa về giá đất, tăng cường hỗ trợ tín dụng cho việc mở rộng không gian Nhà trường.

Về tình hình chung, thầy Song mong rằng, các cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng giải quyết các khó khăn, vướng mắc để giúp cho 100% cơ sở giáo dục đạt chuẩn về không gian. Hơn nữa, bản thân các trường đại học cần xây dựng một chiến lược lâu dài, bền vững cho việc mở rộng không gian phát triển của mình.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/du-con-nhieu-kho-khan-nhung-cap-thiet-phai-mo-rong-khong-gian-phat-trien-csgddh-post248724.gd
Zalo