Dù chưa 'bùng nổ' nhưng thị trường bất động sản đã phục hồi rõ nét

Thị trường bất động sản Việt Nam đã phục hồi rõ nét trong quý đầu năm, với sự gia tăng nguồn cung, thanh khoản, đặc biệt ở các phân khúc nhà ở và đất nền. Các chuyên gia dự báo, dù doanh nghiệp vẫn gặp thách thức về sức khỏe tài chính, song quý II/2025 sẽ chứng kiến sự khởi sắc mạnh mẽ nhờ chính sách tháo gỡ pháp lý và nền tảng kinh tế ổn định hơn.

Nguồn cung bất động sản nhà ở vẫn tiếp tục đà tăng trưởng tích cực. Ảnh: Lê Toàn

Nguồn cung bất động sản nhà ở vẫn tiếp tục đà tăng trưởng tích cực. Ảnh: Lê Toàn

Nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ tốt

Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam cũng đã có những khởi động đầu tiên nhằm kích hoạt chu kỳ mới. Mặc dù chưa có sự “bùng nổ” trên diện rộng, nhưng nguồn cung và thanh khoản trên thị trường đã phục hồi rõ nét ở một số phân khúc, đặc biệt so với giai đoạn trầm lắng ở năm 2023.

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho thấy, quý I/2025, nguồn cung toàn thị trường BĐS nhà ở Việt Nam đạt 27.000 sản phẩm, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, có 14.500 sản phẩm chào bán mới, chỉ bằng khoảng 1/2 quý trước nhưng tăng gấp 3 so với quý I/2024; còn lại là hàng tồn tiếp tục chào bán.

Nguồn cung BĐS nhà ở vẫn tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, khi số lượng dự án nhà ở phê duyệt mới đang được cải thiện, với mức tăng đạt 18% trong năm 2024.

Bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường BĐS Việt Nam cho biết, các dự án mở bán nhà ở trong quý I nhìn chung đều được hấp thụ tốt, nhờ nhu cầu ở thực vẫn trong xu hướng tăng. Đồng thời, tâm lý của nhà đầu tư lạc quan hơn về kỳ vọng tăng giá trong trung - dài hạn nhờ động lực tăng trưởng kinh tế và hệ thống hạ tầng giao thông phát triển.

“Đáng chú ý là tín hiệu về việc “nới lỏng” tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, với chỉ đạo định hướng duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp của Chính phủ, góp phần kích thích nhu cầu BĐS, không chỉ ở nhóm người mua để ở mà còn từ các nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh BĐS vẫn là kênh đầu tư có tiềm năng sinh lời tốt và có khả năng tích trữ tài sản lâu dài được ưa chuộng” - bà Miền cho hay.

Cũng theo dữ liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, tỷ lệ hấp thụ chung toàn thị trường đạt 45%, tương đương với 12.273 giao dịch, bằng 50% quý trước nhưng gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hấp thụ các dự án mới mở bán vẫn rất tích cực, đạt khoảng 60%, đặc biệt tại các tỉnh, thành có thông tin cụ thể về quy hoạch, hạ tầng và có dự án mới như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Thái Nguyên.

Xu hướng đổ về khu vực xa trung tâm

Bà Phạm Thị Miền nhận định, thị trường địa ốc sẽ có sự khởi sắc rõ nét trong quý II/2025 khi nguồn cung phục hồi nhờ các chính sách tháo gỡ pháp lý trên nền tảng kinh tế tăng trưởng, hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, lãi suất duy trì ổn định ở mức thấp... Tuy nhiên vẫn còn rủi ro liên quan đến sức khỏe tài chính của các chủ đầu tư.

Phát triển hạ tầng vùng ven đi kèm không ít thách thức

Dù tiềm năng, nhưng việc phát triển hạ tầng vùng ven cũng đi kèm không ít thách thức. Thời gian thực hiện các dự án lớn có thể kéo dài nhiều năm, trong khi chi phí đầu tư lớn có thể gây áp lực lên ngân sách và đẩy giá đất tăng cao. Bên cạnh nguy cơ đầu cơ khi có thông tin quy hoạch khiến giá bất động sản vượt xa giá trị thực, người mua cần cân nhắc kỹ các yếu tố về tiến độ hạ tầng, năng lực và uy tín của chủ đầu tư và tính minh bạch về pháp lý dự án để giảm thiểu rủi ro.

Tỷ trọng đóng góp của khu vực miền Nam vào nguồn cung nhà ở cả nước tiếp tục có xu hướng tăng. Tuy nhiên, khu vực miền Bắc vẫn sẽ dẫn đầu về tỷ trọng nguồn cung nhà ở với hàng loạt dự án quy mô lớn đang triển khai mạnh mẽ tại Hà Nội và các tỉnh vùng ven.

Tốc độ hấp thụ ở mức ổn định trong bối cảnh nguồn cung được cải thiện và mặt bằng giá chưa có nhiều điều chỉnh. Thị trường vẫn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt nhờ nhu cầu nhà ở vẫn neo cao, tâm lý của khách hàng, nhà đầu tư ngày càng tích cực. Lệch pha cung - cầu vẫn diễn ra, đặt ra những thách thức về khả năng chi trả nhà ở của người dân. Mặc dù nguồn cung đã có sự cải thiện nhờ hàng loạt các dự án nhà ở xã hội đang được thúc đẩy triển khai.

Thị trường BĐS sẽ tiếp tục đà phát triển với mặt bằng giá duy trì ở mức cao và khó giảm sâu, đặc biệt là tại khu vực trung tâm các thành phố lớn nhờ vào hàng loạt các yếu tố tạo động lực tăng giá trong khi phần lớn các nhà đầu tư vẫn chưa chịu áp lực lớn về dòng tiền. Tuy nhiên, đà tăng giá của thị trường sẽ chậm lại khi thị trường xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu ở thực và phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Dòng tiền có xu hướng đổ về khu vực huyện, xã, khi mặt bằng giá tại khu vực thành phố đã quá cao, không còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Theo bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội, xu hướng dịch chuyển ra vùng ven đã trở nên rõ nét khi quỹ đất tại khu vực nội đô đang dần thu hẹp, ngay cả các khu vực giáp Vành đai 2 và Vành đai 3 cũng gần như không còn quỹ đất để phát triển thêm dự án. Đồng thời, xu hướng này còn được thúc đẩy bởi chính sách giãn dân kết hợp với định hướng phát triển hạ tầng đồng bộ theo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Bất động sản công nghiệp liệu còn giữ vị thế "ngôi sao"?

Biến động thuế quan, cũng như căng thẳng thương mại toàn cầu đang tác động lớn và bất ngờ tới thị trường BĐS khu công nghiệp. Nhiều nhận định cho rằng, tốc độ tăng trưởng của phân khúc nay có thể bị ảnh hưởng khi nhu cầu mở nhà máy của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp xuất khẩu có thể bị giảm sút. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn bày tỏ quan điểm khả quan về cung - cầu sản phẩm này trong năm nay.

Chỉ tính trong quý I/2025, cả nước có thêm 15 dự án đầu tư hạ tầng được Chính phủ điều chỉnh hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích đạt 4.930 ha, gấp gần 3 lần 2024 và bằng 54% cả năm 2024. Nhu cầu tiếp tục duy trì ở mức cao và đang trong xu hướng tăng nhờ dòng vốn FDI mạnh mẽ, đặc biệt từ các ngành công nghệ cao.

Thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam đang chứng tỏ sức hút nhờ nền tảng vững chắc từ chính sách mở cửa và lợi thế cạnh tranh về lao động, hạ tầng. Dù đối mặt với thách thức từ biến động thương mại quốc tế, triển vọng trung hạn vẫn lạc quan, đặc biệt khi các dự án mới dần đi vào vận hành, mở rộng quy mô tiếp nhận làn sóng đầu tư mới.

Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc CBRE chi nhánh Hà Nội còn cho biết, các dự án hạ tầng trọng điểm, như tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai và cao tốc Bắc - Nam, không chỉ cải thiện đáng kể khả năng kết nối logistics mà còn mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những nỗ lực trong việc tinh gọn bộ máy, đơn giản hóa thủ tục hành chính và ưu tiên thu hút FDI chất lượng cao đã giúp Việt Nam ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư chiến lược.

"Giá thuê đất tăng, tỷ lệ lấp đầy vẫn cao, đây không chỉ là dấu hiệu của sự phục hồi mà còn là minh chứng cho sức hút lâu dài của Việt Nam trong bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu. Với động lực mạnh mẽ từ hạ tầng, chính sách và nhu cầu thị trường, BĐS công nghiệp Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tỏa sáng và đóng vai trò "ngôi sao" trong năm 2025" - bà An nhận định.

Hồng Quyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/du-chua-bung-no-nhung-thi-truong-bat-dong-san-da-phuc-hoi-ro-net-174646-174646.html
Zalo