Dự án 'Talkie Vbot- Robot hỗ trợ giáo dục cho trẻ em khuyết tật ngôn ngữ' đoạt giải Nhất có xứng tầm?
Dự án 'Talkie Vbot- Robot hỗ trợ giáo dục cho trẻ em khuyết tật ngôn ngữ' của nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, đoạt giải Nhất khoa học kỹ thuật cấp quốc gia được cho là chưa xứng tầm.

Tạp chí Công dân và Khuyến học ngày 25/3/2025 đưa tin dự án "Hệ thống phân loại rác thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo và cảm biến âm thanh" của nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Siêu, Hưng Yên, đoạt giải Nhất tại Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2024-2025.
Tuy vậy, có nhiều ý kiến cho rằng dự án này giống với một sản phẩm của chuyên gia nước ngoài Samuel Alexander (Indonesia) công bố trên cộng đồng Hackaday.io trước đó.
Sau đó, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết nếu phát hiện có vi phạm, ban tổ chức cuộc thi sẽ xử lý nghiêm theo quy chế cuộc thi và các quy định khác của ngành.
Tiếp đến ngày 26/3/2025, một bài viết trên diễn đàn Liêm chính khoa học (do Tiến sĩ Dương Tú, Đại học Purdue, Indiana, Mỹ, làm quản trị) cho rằng dự án "Talkie Vbot- Robot hỗ trợ giáo dục cho trẻ em khuyết tật ngôn ngữ" của nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, đoạt giải Nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia là chưa xứng tầm.
Theo đó, bài viết này có nội dung như sau: "Cách trình bày của đề tài "Talkie Vbot- Robot hỗ trợ giáo dục cho trẻ em khuyết tật ngôn ngữ" tinh vi hơn đề tài "Hệ thống phân loại rác thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo và cảm biến âm thanh" khá nhiều.
Cụ thể, đề tài "Cách trình bày của đề tài "Talkie Vbot- Robot hỗ trợ giáo dục cho trẻ em khuyết tật ngôn ngữ" sử dụng speech to text (chuyển giọng nói thành văn bản) để phát hiện nói lặp cho trẻ.
Ví dụ như trẻ nói "Cóp cóp py đề tài" thì [robot] sẽ phát hiện ra bị lặp ở từ "cóp" và sửa lại. Ngoài ra có call API (một tập hợp các quy tắc và thông số kỹ thuật cho phép các ứng dụng khác nhau giao tiếp và trao đổi dữ liệu với nhau) với GPT4 để trả lời các giao tiếp nữa.
Với hàm lượng [khoa học] như thế này thì nhóm tác giả (và cả đội ngũ đứng sau) biết rằng không được đi xa chứ đừng nói đến việc có giải, nên đã đưa vào thêm 1 cái đầu robot nhằm mô tả khẩu hình khi nói cho sinh động để tăng hàm lượng.
Ngoài tăng hàm lượng ra thì nó không giải quyết được vấn đề gì, khi trong video demo tiếng nói ra xong hết rồi nhưng robot nhấp miệng chưa xong. Nhóm trình bày bảng thử nghiệm mà ai cũng có thể tự điền số vào được, kết quả nghiên cứu chủ yếu nhận xét chung chung không có thêm số liệu kỹ thuật hay số liệu khoa học nào của sản phẩm.
Do đây là lĩnh vực robot + giải pháp phần mềm đơn giản, ai cũng hiểu hàm lượng và điểm nổi bật nằm ở đầu robot. Nhóm tác giả (học sinh) có cả một video nói về phần cứng và rất tinh vi trong việc dùng từ, dùng ảnh và cả cái cách quay video tự ngồi lắp ráp để đánh vào tâm lý tự làm.
Dựa trên những gì nhóm này show, cả 3 phiên bản robot đều không phải là của nhóm, đặc biệt là phiên bản cuối cùng mặc dù nói cải tiến rất nhiều nhưng tất cả đều là giả, không có một sự cải tiến nào cả.
Thực sự mà nói để cải tiến phần hệ cơ này cực khó. Ai đã từng làm các part dạng 3D và mô phỏng như thế này sẽ hiểu để sửa một phần nhỏ trong một cơ cấu truyền động phức tạp như thế này sẽ là cả một vấn đề, chỉnh một phần nhỏ là gần như chỉnh lại tất, chưa kể nhiều thứ còn xung đột với nhau.
Đương nhiên nếu nhóm làm được thì là câu chuyện khác nhưng dựa vào những gì đang có thì bản chất là copy 100% từ cơ khí lẫn source code điều khiển. Những gì nhóm làm là tải nó về, nạp code vào và bắt đầu dùng chiêu trò tinh vi xây dựng cơ sở khoa học ngược, trình bày của người khác như là của mình để giám khảo không nhận ra.
Để có phiên bản đầy đủ nhất, đủ cơ sở để phân tích cơ cấu và viết bài này tôi đã tự bỏ tiền ra mua soure với giá chỉ 3 đô-la, quá rẻ cho 1 giải nhất quốc gia. (Ảnh)
Mô tả thêm ảnh: Tất cả những gì TalkieVBot làm là ẩn đi lớp mặt nạ ở bên ngoài và ẩn đi các servo sau đó thêm một bờ môi đỏ quyến rũ. Ngoài ra nhóm còn tải file về từ source gốc và dùng phần mềm khác nên màu sắc hiển thị có phần nào đó khác so với file gốc, tất cả với mục đích là làm lạ mắt, cố tình làm cho người khác không nhận ra.
Vậy thử hỏi với hàm lượng ít ỏi ở phần nói lặp cộng thêm 1 cái đầu robot copy và cũng không để giải quyết vấn đề gì trong đề tài thì có xứng đáng với giải Nhất không? Trong khi các đề tài khác trong cùng lĩnh vực "sáng" hơn nhiều.
Bài viết này thể hiện góc nhìn và quan điểm của tác giả - được đăng tải trên diễn đàn Liêm chính khoa học có 108,5 ngàn thành viên. Vậy nên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ dự án "Talkie Vbot- Robot hỗ trợ giáo dục cho trẻ em khuyết tật ngôn ngữ" đoạt giải Nhất có xứng tầm hay không để dư luận được rõ.