Dự án Luật thuế Giá trị gia tăng: Còn nhiều vấn đề phải bàn thêm

Thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa diễn ra đã có 11 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu và có 2 lượt ý kiến tranh luận. Các ý kiến phát biểu nhất trí với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau như đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu ra; thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; thuế GTGT đối với phân bón và máy móc, thiết bị nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp qua sơ chế… Theo dự thảo, đối tượng không chịu thuế là "Hàng hóa, dịch vụ của hộ cá nhân kinh doanh có mức doanh thu từ 200 triệu đồng trở xuống". Trường hợp chỉ số CPI biến động trên 20% thì Chính phủ đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho điều chỉnh mức này. Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị, cần đánh giá tác động rất kỹ lưỡng. Nếu chúng ta tăng lên mức dưới 200 triệu đồng thì có thể khiến nguồn thu ngân sách Nhà nước giảm khoảng 2.630 tỷ, nếu tăng lên 300 triệu đồng thì giảm 6.383 tỷ đồng. Do đó ông Hải cho rằng, nên giữ nguyên ở mức 100 triệu đồng.

Thứ hai, quy định khi CPI biến động trên 20% thì Chính phủ sẽ đề xuất Ủy ban Thường vụ để điều chỉnh cũng nên cân nhắc lại, vì nếu bình thường kinh tế vĩ mô ổn định, để CPI tăng 20% ít khi xảy ra. Do đó, quy định tăng hay giảm nên giao cho Chính phủ căn cứ vào điều kiện, tình hình kinh tế - xã hội để quyết định việc điều chỉnh cho phù hợp.

Về mức thuế suất 5%, nhiều ý kiến tán thành việc chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%. Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng nên giữ như quy định hiện hành và đề nghị đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi chính sách từ góc độ ngành sản xuất cũng như từ góc độ tác động đối với người tiêu dùng.

Ý kiến khác đề nghị quy định phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất 0% hoặc 2% và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào hoặc đề nghị tăng thuế đối với những mặt hàng này theo lộ trình.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đắk Nông nhận thấy, nếu giữ quy định của luật hiện hành doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và khoản thuế này được tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá sản phẩm, từ đó làm giảm tính cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu đưa phân bón vào diện chịu GTGT với mức thuế suất 5% sẽ xử lý được các bất cập liên quan đến hoàn thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp nhưng sẽ làm tăng giá phân bón. Điều này sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp, đến đời sống của người nông dân.

Một nước nông nghiệp như Việt Nam cần có một ngành sản xuất phân bón

Một nước nông nghiệp như Việt Nam cần có một ngành sản xuất phân bón

Cũng liên quan đến nội dung các sản phẩm phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế 5%, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) tán thành Phương án 2, không áp thuế đối với tất cả các nhóm hàng này. Lý do là vì trong 15 nhóm này có những nhóm là vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp, như thức ăn chăn nuôi, phân bón... do đó nếu để ở mức 5% vẫn là gánh nặng cho người sản xuất nông nghiệp, làm tăng giá thành của sản phẩm đầu ra.

Về nội dung giải trình của cơ quan soạn thảo: Nếu không áp thuế sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, làm tăng giá thành. Dẫn Báo cáo đánh giá tác động của cơ quan soạn thảo trong giai đoạn 2015-2022, ông Giang cho biết nếu khấu trừ thì doanh nghiệp được hoàn thuế khoảng 1,5 nghìn tỷ. Nếu chúng ta tiếp tục đánh thuế 5% riêng đối với phân bón thì thu được khoảng 5,7 nghìn tỷ đồng và lấy ở đây ra 1,5 nghìn tỷ đồng để hoàn thuế cho doanh nghiệp. Như vậy, ngân sách Nhà nước thu được khoảng 4.200 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, thuế này là thuế gián thu, đánh trực tiếp vào người tiêu dùng, bây giờ lại lập luận rằng với việc chúng ta đánh thuế 5% để giảm giá bán, tôi thấy không hợp lý. Giữa giá thành và giá bán là hoàn toàn khác nhau. Có thể giá bán bán dưới giá thành, nhưng quan trọng nhất là giá bán phải theo giá quốc tế”, ông Giang cho hay.

Trong khi, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, dự thảo luật này còn rất nhiều vấn đề còn có 2 quan điểm, thậm chí có những quan điểm giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo còn đang khác nhau. Về tổng thể đây là một đạo luật tác động tới mọi người, mọi nhà, tác động rất lớn đến xã hội, nên cần có một sắc thuế thật sự hiện đại, khách quan nhưng cũng phải đúng bản chất của một đạo thuế gián thu. Do đó, những nội dung thiết kế ở đây cần hướng tới sự phổ quát hơn, không nên đi vào trực tiếp những đối tượng nào, tránh việc quy định quá cụ thể sẽ mất tính khách quan của loại thuế này.

“Trong chương trình chúng ta đã xác định là chỉ có 2 loại thuế suất là 0% và 10%, trong dự thảo luật này chúng ta đề ra tại khoản 2 Điều 17 là Chính phủ sẽ nghiên cứu và trình Quốc hội lộ trình 10%. Tôi cho rằng điều này mang tính hoạch định, không nhất thiết phải đưa vào luật này. Tương lai chúng ta có thể đưa về một thuế suất chung là 10% để giống như các nước trên thế giới, chúng ta không nên chẻ quá nhiều thuế xuất như hiện nay, 0% chỉ cho xuất khẩu và 10% cho tất cả hàng hóa, dịch vụ để tạo thành quy trình thống nhất với nhau trong kinh doanh để chúng ta thu thuế cho hiệu quả. Đó là điều chúng ta mong đợi, nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa làm được”, ông An phát biểu.

Về phần thuế 5% đối với phân bón, ông An cho rằng, cần đánh giá thật khách quan vấn đề này, không nên căn cứ vào việc giá cao hay giá thấp, có tăng giá hay không tăng giá khi áp thuế để quyết định chính sách này. “Nhìn tổng thể, tôi cho rằng một đất nước phát triển nông nghiệp như Việt Nam lại không có một ngành sản xuất phân bón trong nước đàng hoàng và đĩnh đạc mà cứ phải đi điều chỉnh lên, điều chỉnh xuống về mặt chính sách như vậy là không ổn. Tôi đọc lại báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách có nói, nếu tăng thuế thì các doanh nghiệp sản xuất trong nước có dư địa để giảm giá bán. Ở đây Ủy ban Tài chính - Ngân sách dùng từ rất chuẩn là có dư địa để giảm giá chứ không phải để giảm giá ngay, còn giảm như thế nào báo cáo đã rất cụ thể. Tôi cho rằng lý do để cơ quan soạn thảo và Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu phương án ủng hộ việc đưa về thuế suất 5% là có lý. Nếu chúng ta cứ đi vào câu chuyện thuế như này thì ngành sản xuất phân bón vẫn lặp lại câu chuyện cách đây 10 năm, như vậy chúng ta sẽ vẫn phụ thuộc vào thế giới”, ông An nhấn mạnh.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/du-an-luat-thue-gia-tri-gia-tang-con-nhieu-van-de-phai-ban-them-155088.html
Zalo