Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) - Giải pháp đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới
Một trong bốn dự án Luật quan trọng sẽ được Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 12/2 thảo luận và thông qua là dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một dự án Luật được đánh giá là đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến việc xây dựng, hoàn thiện cả hệ thống pháp luật. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh về dự án Luật này.
![Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh. Ảnh: Tiến Đạt](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_113_51451875/b5e78dc3b88d51d3089c.jpg)
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh. Ảnh: Tiến Đạt
PV: Thưa Thứ trưởng, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được đánh giá là dự án đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến việc xây dựng, hoàn thiện cả hệ thống pháp luật. Xin Thứ trưởng cho biết chủ trương, quan điểm về việc xây dựng dự án Luật và quá trình thực hiện của Bộ Tư pháp?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) là một dự án luật đặc biệt quan trọng vì nó tác động đến việc xây dựng, hoàn thiện cả hệ thống pháp luật, là “luật làm luật”, giải pháp toàn diện thực hiện đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, nhằm thực hiện hiệu quả một trong ba đột phá chiến lược theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc”, trong đó đề ra nhiệm vụ cần khẩn trương sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 3/1/2025, Bộ Chính trị đã cho ý kiến đối với Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả do Đảng đoàn Quốc hội trình. Ngày 6/1/2025, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn số 12918-CV/VPTW về việc đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả và ngày 20/1/2025, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 119-KL/TW về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, trong đó nêu rõ 07 nội dung cần được thể chế hóa trong quá trình xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi):
Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ việc lãnh đạo công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng; thực hiện nghiêm túc Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị.
Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật.
Thứ ba, tiếp tục đơn giản hóa hệ thống pháp luật, phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy.
Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội theo hướng vừa có chiến lược, định hướng dài hạn, vừa có chương trình hằng năm linh hoạt, bám sát thực tiễn cuộc sống.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm dân chủ, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thứ sáu, tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật; hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ bảy, phát triển nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị, vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, thành thạo chuyên môn. Quan tâm bố trí đủ nguồn lực, có cơ chế tài chính và chế độ, chính sách đặc thù cho công tác và cán bộ làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật, xác định đầu tư cho xây dựng pháp luật là đầu tư cho phát triển; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xây dựng pháp luật.
Về quá trình thực hiện, Bộ Tư pháp đã tập trung tối đa mọi nguồn lực để nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Mặc dù, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn, tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng của dự án Luật, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ động thực hiện đầy đủ các bước theo quy định của Luật hiện hành.
Hiện nay, dự thảo Luật được bố cục gồm 08 chương, 72 điều (giảm 09 chương, 101 điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015), trong đó có sự đổi mới rất căn bản, có những nội dung mang tính chất “đột phá” trong quy trình làm luật, Luật gọn hơn nhưng chất lượng phải tốt hơn, đây là yêu cầu xuyên suốt quá trình xây dựng dự thảo này.
Thưa Thứ trưởng, thực tiễn hiện nay cho thấy, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có “độ trễ” nhất định so với sự phát triển của thực tiễn, điều này dẫn đến tình trạng nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa có pháp luật điều chỉnh, vấn đề này được khắc phục như thế nào trong dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Để khắc phục vấn đề “độ trễ” của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, dự thảo Luật đã đưa ra 2 nhóm giải pháp, cụ thể như sau:
Một là, đổi mới căn bản quy trình lập chương trình xây dựng pháp luật để bảo đảm sự linh hoạt, kịp thời phản ứng chính sách, cụ thể: Tách quy trình xây dựng chính sách ra khỏi chương trình lập pháp hằng năm để giao cho Chính phủ hoặc cơ quan trình chịu trách nhiệm nghiên cứu, thông qua chính sách làm cơ sở cho việc quy phạm hóa văn bản Luật trước khi trình Quốc hội và Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chương trình lập pháp hằng năm theo nguyên tắc chỉ đưa vào chương trình những dự án được Chính phủ hoặc cơ quan trình xây dựng bảo đảm chất lượng;
Hai là, về quy trình thông qua văn bản luật, dự thảo Luật quy định quy trình thông qua các đạo luật trong 1 kỳ họp. Đồng thời quy định rõ, đơn giản hóa quy trình, thủ tục rút gọn và bổ sung quy trình thông qua văn bản trong trường hợp đặc biệt đối với các dự án, dự thảo văn bản xử lý các tình huống khẩn cấp và quan trọng quốc gia sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thưa Thứ trưởng, hiện nay công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn bị đánh giá là “khâu yếu”, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vấn đề này được xử lý như thế nào khi xây dựng dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Trong Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI đã nêu, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là “khâu yếu”, chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, điều này chưa phù hợp với mục tiêu ban hành luật. Hiện nay, dự thảo Luật quy định thành một chương hoàn toàn mới, đó là chương Tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Luật quy định gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Xây dựng cơ chế thường xuyên đánh giá hiệu quả thực thi của văn bản quy phạm pháp luật sau ban hành để kịp thời nhận diện, xử lý hiệu quả những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ quy định của pháp luật; đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, người có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thi hành và báo cáo hoặc cung cấp thông tin về tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, thực tế thời gian qua cho thấy, trong quá trình tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều quy định ở các văn bản dưới luật còn có cách hiểu khác nhau, cần thiết phải có sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm việc áp dụng được thống nhất. Tôi cho rằng với các quy định về hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như dự thảo Luật sẽ giúp xử lý nhanh các vấn đề thực tiễn và không tốn kém chi phí, nhân lực để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.
Thưa Thứ trưởng, quy định về “tham vấn chính sách” trong dự thảo Luật là nội dung đang được nhiều người quan tâm, Thứ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn quy định về việc tham vấn chính sách trong dự thảo Luật?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Vấn đề tham vấn chính sách là vấn đề mới được quy định trong dự thảo Luật. Ban soạn thảo đã nghiên cứu những giải pháp để thúc đẩy chất lượng công tác xây dựng pháp luật, trong đó “chính sách phải ra chính sách”, chính sách phải hợp với lòng dân, chính sách có đúng, có “trúng” thì quy phạm hóa chính sách thành đạo luật, thành văn bản luật mới có chất lượng. Chính vì thế, trong dự thảo Luật lần này có quy định về tham vấn chính sách.
Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Phiên họp thứ 42 ngày 5/2/2025, theo đó, quy trình tham vấn chính sách trong dự thảo Luật cho thấy: thứ nhất, việc làm chính sách đó không được phép khép kín; thứ hai, là xác định trách nhiệm của người làm chính sách phải kỹ lưỡng hơn, tôn trọng yếu tố khách quan hơn; thứ ba, tôn trọng các chủ thể, các đối tượng có sự tác động, các cơ quan liên quan có nhiều thông tin, có trách nhiệm về vấn đề định đề cập chính sách, để thu thập thông tin, chia sẻ thông tin, đồng nhất các quan điểm, từ đó sẽ có nhận thức để chỉ ra đâu là giải pháp tối ưu để giải quyết những mục tiêu chính sách.
Vấn đề tham vấn chính sách được các nước làm rất phổ biến, ở Việt Nam đến nay vấn đề này mới được quy định chính thức trong dự thảo Luật. Tôi cho rằng đây là một quy định mới, rất thực tiễn và thể hiện tính ưu việt, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cơ quan nghiên cứu chính sách trong triển khai tới đây. Từ đó, chính sách sẽ thực sự trở thành những giải pháp hợp lòng dân, phù hợp với các mục tiêu phát triển, tạo ra sự đồng thuận, tạo thuận lợi trong việc thu hút mọi nguồn lực trong Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Quy định pháp luật được ban hành sẽ phù hợp với “ý Đảng, lòng dân” và phát huy sự điều chỉnh trong đời sống xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!