Dự án Hoa - điểm sáng hiếm hoi mối quan hệ Iran - Israel

Mặc dù kết thúc đột ngột, Dự án Hoa, bất kể kết quả ra sao, vẫn là một chú thích hấp dẫn trong lịch sử phức tạp của mối quan hệ Iran-Israel.

Khi khoảng 200 tên lửa đạn đạo của Iran rơi xuống Israel, nhắm vào các cơ sở hạ tầng quân sự và an ninh chiến lược, có suy đoán về việc hai nước trên bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện. Bất chấp tình thế đối đầu hiện tại, Israel và Iran đã từng là đối tác chiến lược.

Tên lửa Qadr của Iran, được trưng bày tại cuộc diễu binh quân sự năm 1980 ở Tehran. Tên lửa này xuất hiện sau khi Dự án Hoa giữa Israel và Iran nhằm phát triển tên lửa bị hủy bỏ.Ảnh: Getty

Tên lửa Qadr của Iran, được trưng bày tại cuộc diễu binh quân sự năm 1980 ở Tehran. Tên lửa này xuất hiện sau khi Dự án Hoa giữa Israel và Iran nhằm phát triển tên lửa bị hủy bỏ.Ảnh: Getty

Trong bối cảnh thế giới đang diễn biến nhanh chóng và thay đổi động lực, nhiều người có thể ngạc nhiên khi biết rằng Iran và Israel đã từng hợp tác trong một dự án bí mật vào những năm 1970, được gọi là "Dự án Hoa" (Project Flower). Nhiệm vụ trị giá hàng tỷ USD này nhằm mục đích cùng phát triển công nghệ tên lửa là một mối quan hệ đối tác hiếm hoi giữa hai quốc gia, hiện được coi là đối thủ.

Dự án Flower nhằm mục đích phát triển tên lửa đất đối đất, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, theo báo cáo của tờ New York Times năm 1986.

Đây cũng thuộc một trong sáu hợp đồng đổi dầu lấy vũ khí giữa Iran và Israel, được hình thành và ký kết dưới thời cai trị của vua Mohammad Reza Pahlavi, Shah của Iran, vào năm 1977. Chỉ vài năm trước khi chế độ này bị lật đổ trong Cách mạng Iran năm 1979. Yitzhak Rabin khi đó là Thủ tướng Israel.

Thời kỳ này chứng kiến mối quan hệ thân thiện và cộng sinh giữa hai quốc gia, trong đó mỗi bên đều có lợi cho nhau.

Thời kỳ hợp tác

Vào thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, Iran đang tìm cách hiện đại hóa năng lực quân sự, trong khi Israel, với chuyên môn công nghệ tiên tiến, đã nổi lên như một đối tác hấp dẫn.

Mặt khác, Israel, đang phải đấu tranh với lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập, đã được hưởng lợi từ dầu mỏ của Iran để duy trì hoạt động của chiến tranh, an ninh và máy móc công nghiệp. Kết quả là, hai nước đã ký kết "sáu hợp đồng dầu đổi vũ khí", và "Chiến dịch Hoa" trị giá 1,2 tỷ USD là một trong số đó.

Trong thời gian đó, Israel thậm chí hỗ trợ Iran đào tạo cảnh sát mật SAVAK, với sự hỗ trợ của CIA Mỹ và Mossad của Israel.

"Ở Iran, họ đối xử với chúng tôi như vua. Chúng tôi đã làm ăn với họ ở quy mô đáng kinh ngạc. Nếu không có mối quan hệ với Iran, chúng tôi sẽ không có tài chính để phát triển vũ khí hiện đang ở tuyến đầu bảo vệ Nhà nước Israel", quan chức Bộ Quốc phòng Israel Yaakov Shapiro, người phụ trách điều phối các cuộc đàm phán với Iran, đã được ghi nhận trong cuốn sách "Cuộc chiến bí mật với Iran" của tác giả người Israel Ronen Bergman.

Mục tiêu chính của Dự án Hoa là phát triển và cải tiến tên lửa đất đối đất, có khả năng lắp đầu đạn hạt nhân. Trích dẫn các tài liệu do các quan chức Israel để lại ở Iran, tờ New York Times năm 1986 đưa tin rằng Israel đã truyền đạt rằng tên lửa có thể được phát triển để có khả năng hạt nhân.

Hiệp ước đồng sản xuất tên lửa đã được ký kết tại Tehran vào tháng 4 năm 1977.

Các tên lửa được thiết kế để có tải trọng 750 kg và tầm bắn lên tới 300 dặm. Song, khía cạnh hạt nhân của dự án chưa bao giờ được theo đuổi vì người Israel nhận ra rằng đầu đạn hạt nhân với Iran có thể trở thành mối đe dọa, tờ New York Times lưu ý.

Thay vào đó, trọng tâm vẫn là tăng cường năng lực tên lửa thông thường của quân đội Iran.

"Khi Israel dẫn đầu quá trình phát triển, Iran đã bắt đầu xây dựng các cơ sở lắp ráp và thử nghiệm tên lửa, với sự hiểu biết rằng quân đội của cả hai nước sẽ mua các hệ thống phòng thủ mới khi đi vào hoạt động", các tác giả Dalia Dassa Kaye, Alireza Nader và Parisa Roshan lưu ý trong Israel và Iran: Một cuộc cạnh tranh nguy hiểm, một ấn phẩm năm 2012.

Sự hợp tác theo Dự án Hoa đã dừng lại đột ngột sau Cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, lật đổ chế độ của Shah và thành lập một nước Cộng hòa Hồi giáo dưới thời Đại giáo chủ Khomeini.

Chế độ mới ở Iran đối đầu với Israel và đồng minh Mỹ, và mọi sự hợp tác quân sự với Israel đều bị chấm dứt ngay lập tức.

Trong những năm tiếp theo, mặc dù Dự án Hoa bị dừng lại, Israel vẫn tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự bí mật cho Iran trong Chiến tranh Iran-Iraq, bắt đầu vào những năm 1980. Nhưng mối quan hệ đã lao dốc.

Mặc dù kết thúc đột ngột, Dự án Hoa, bất kể kết quả ra sao, vẫn là một chú thích hấp dẫn trong lịch sử phức tạp của mối quan hệ Iran-Israel.

Liên Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/du-an-hoa-diem-sang-hiem-hoi-moi-quan-he-iran-israel.html
Zalo