Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân chờ tái sinh

Đã có thêm những định hướng quan trọng để kích hoạt lộ trình hoàn thiện Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân dài 131 km, sau gần 13 năm bị đình, hoãn, giãn tiến độ do thiếu vốn.

Một cầu đường sắt trên tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân thi công dở dang từ năm 2012

Một cầu đường sắt trên tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân thi công dở dang từ năm 2012

Kích hoạt trong giai đoạn 2026 - 2030

Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đang đứng trước cơ hội tái sinh nếu chiểu theo những nội dung trong Công văn số 980/BGTVT-CQLXD vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo quá trình triển khai thực hiện Dự án.

Thông tin đáng chú ý nhất tại Công văn số 980/BGTVT-CQLXD là việc Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận đưa Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân vào danh mục đầu tư công trung hạn 2026 - 2030, làm cơ sở để Bộ GTVT bố trí vốn và hoàn thành thủ tục điều chỉnh Dự án theo thẩm quyền, tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15.

Cần phải nói thêm, tại Kết luận số 49-KL/TW về Định hướng phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã yêu cầu tiếp tục đầu tư hoàn thành đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đến năm 2030. Bên cạnh đó, Quy hoạch Mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định, đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân trong giai đoạn đến năm 2030.

“Đây chính là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để kích hoạt tiến trình hoàn thiện tuyến đường kết nối 2 cạnh của tam giác phát triển Đồng bằng sông Hồng là Hà Nội và Quảng Ninh”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.

Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được Thủ tướng cho phép đầu tư tại Văn bản số 75/CP-CN ngày 9/1/2004 bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, với chiều dài 131 km, điểm đầu tại ga Yên Viên, điểm cuối tại cảng Cái Lân, tổng mức đầu tư 7.663 tỷ đồng. Dự án được chia thành 4 tiểu dự án độc lập và được khởi công vào năm 2008, dự kiến hoàn thành năm 2011.

Theo thiết kế, tuyến đường sắt mới này sử dụng đường lồng (gồm đường khổ 1,435 m và 1 m) sử dụng ray hàn liền, có hệ thống thông tin tín hiệu hiện đại và các nút giao cắt khác mức với các quốc lộ để đạt tốc độ 120 km/giờ cho tàu khách và 80 km/giờ cho tàu hàng.

Nếu tuyến đường này hoàn thành, hành trình tàu khách chạy từ Hạ Long về Yên Viên còn 1,5 - 2 giờ; tàu hàng là 3 - 4 giờ, qua đó hình thành thêm một phương thức vận tải hành khách, hàng hóa khối lượng lớn, chi phí vận tải thấp, an toàn và thân thiện với môi trường trên hành lang vận tải Hà Nội - Quảng Ninh.

Tuy nhiên, do bị đưa vào danh sách các dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ theo chủ trương cắt giảm đầu tư công tại Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP của Chính phủ, nên công trình rơi vào tình trạng “tê liệt” suốt từ năm 2011 đến nay.

Ngoài tiểu dự án Hạ Long - cảng Cái Lân dài 5,66 km với tổng mức đầu tư 1.510 tỷ đồng cơ bản hoàn thành và được đưa vào sử dụng năm 2014, 3 tiểu dự án còn lại của Dự án thực hiện dở dang, nhiều hạng mục phải “đắp chiếu” bảo quản. Tại thời điểm chính thức dừng thi công toàn bộ vào năm 2014, Dự án đã giải ngân 4.322 tỷ đồng, đạt 56% tổng mức đầu tư được Chính phủ phê duyệt.

Ngoài khoản lãng phí rất lớn từ khối tài sản hơn 4.000 tỷ đồng thi công dở dang, không có nhiều công năng sử dụng, Dự án có khối vật tư, thiết bị trị giá hàng trăm tỷ đồng đã mua sắm nhưng chưa sử dụng vào công trình (gồm ray, động cơ quay ghi, tà vẹt, phụ kiện liên kết).

Được biết, đơn vị đại diện chủ đầu tư Dự án là Ban Quản lý dự án đường sắt phải tổ chức trông coi, bảo quản trong kho và tại các bãi ngoài hiện trường bằng kinh phí của Ban Quản lý trong thời gian chưa bàn giao cho đơn vị quản lý, trước khi bàn giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trông coi, bảo quản và bảo dưỡng bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm.

Bên cạnh đó, khi dừng, giãn tiến độ Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, đã xuất hiện các hạng mục công trình đang dở dang.

Để đảm bảo an toàn công trình, Bộ GTVT đã chỉ đạo triển khai thi công đến điểm dừng kỹ thuật, nhưng do Dự án không được bố trí vốn, nên chưa điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh thời gian thực hiện, làm cơ sở để nghiệm thu khối lượng thi công đến điểm dừng kỹ thuật (giá trị khoảng 254,47 tỷ đồng).

Việc quyết toán khối lượng hoàn thành của Dự án đến điểm dừng kỹ thuật hiện chưa thực hiện được vì Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/1/2016 và Thông tư số 64/2018/TT-BTC ngày 30/7/2018 của Bộ Tài chính chỉ quy định hướng dẫn quyết toán đối với dự án hoàn thành hoặc dự án dừng vĩnh viễn, chưa có quy định đối với dự án đến điểm dừng kỹ thuật.

“Sau hơn 10 năm thi công dang dở, một số hạng mục công trình đã bị xuống cấp, suy giảm chất lượng, khối lượng nghiệm thu thực tế tại thời điểm hiện nay sai khác với hồ sơ tại thời điểm dừng, giãn”, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đường sắt cho biết.

Ưu tiên công năng vận tải khách

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và Quy hoạch Mạng lưới đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đường sắt, tư vấn khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự án để triển khai các bước tiếp theo, trong đó đánh giá hiệu quả đầu tư dự án xét trên toàn bộ các khía cạnh, cho cả vòng đời dự án, phù hợp với đặc thù lĩnh vực đường sắt và thực hiện đánh giá hiệu quả kinh tế cho phần kinh phí bổ sung đầu tư dự án.

Đến nay, tư vấn đã cơ bản hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án điều chỉnh và Bộ GTVT đã họp báo cáo cuối kỳ ngày 2/1/2025.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Dự án được triển khai từ năm 2004, nhưng dở dang, đến nay quy hoạch có nhiều thay đổi, trước đây lập dự án trên cơ sở kết quả dự báo nhu cầu vận tải chủ yếu là hàng hóa, trong đó thu hút hàng hóa từ khu vực Vân Nam của Trung Quốc kết nối với cảng Cái Lân (Quảng Ninh).

Hiện nay, quy hoạch cảng biển có điều chỉnh, trong đó tập trung phát triển tại khu vực Hải Phòng (cảng Lạch Huyện), tuyến đường sắt kết nối trên hành lang Đông Tây là tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; theo quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch địa phương đối với hành lang kết nối các địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh có nhiều di sản văn hóa, khu du lịch, nên nhu cầu vận tải hành khách lớn.

“Kết quả dự báo trên tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, nhu cầu vận tải hành khách cao hơn, hàng hóa thấp hơn so với trước đây. Như vậy, công năng của Dự án đã có sự thay đổi, vận chuyển hành khách là chính”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Về quy mô đầu tư, Bộ GTVT cho biết, Dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng Tiểu dự án 1 (đoạn Hạ Long - cảng Cái Lân), như vậy chỉ xem xét đầu tư 3 tiểu dự án còn lại.

Thực tế hiện nay, Tiểu dự án 4 (đoạn Yên Viên - Lim) đi trùng với quy hoạch tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng; hiện trạng đoạn tuyến này đang là đường đơn khổ đường lồng 1.435 mm và 1.000 mm, chưa cần phải đầu tư mà vẫn đáp ứng yêu cầu về khai thác của Dự án. Còn Tiểu dự án 2 và 3 cần phải nghiên cứu đầu tư theo hướng xây dựng mới đoạn Lim - Phả Lại để thông tuyến và nâng cấp, cải tạo tuyến cũ đoạn Phả Lại - Hạ Long, đảm bảo nối thông tuyến từ Yên Viên đến cảng Cái Lân như mục tiêu ban đầu đề ra.

Đồng thời, đơn vị tư vấn đề xuất nghiên cứu điều chỉnh từ đường đơn khổ lồng thành đường đơn khổ tiêu chuẩn 1.435 mm và điều chỉnh chức năng, vị trí của một số ga dọc tuyến phù hợp với nhu cầu vận tải, bảo đảm quy hoạch đô thị, phát triển du lịch… (như ga Chí Linh); số vật tư đã mua còn dư sẽ được chuyển cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để phục vụ công tác bảo trì các tuyến đường sắt quốc gia hiện hữu. Theo tính toán, nếu tiếp tục đầu tư hoàn thiện Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân theo phương án trên, thì cần thêm khoảng 4.000 tỷ đồng.

“Như vậy, xét cả khối lượng đã thực hiện trước đây do dừng giãn, thì sơ bộ tổng chi phí đầu tư Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân khoảng 8.300 tỷ đồng, tăng so với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 700 tỷ đồng”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Trước đó, Ban Quản lý Dự án đường sắt từng nghiên cứu phương án kêu gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hóa. Đơn vị này đã tiếp xúc và làm việc với một số đơn vị quan tâm về lĩnh vực đường sắt trong và ngoài nước để mời đầu tư, nhưng không có đơn vị nào đề xuất đầu tư.

“Với việc đầu tư thêm 4.000 tỷ đồng bằng vốn đầu tư công, kết quả tính toán của tư vấn cho thấy, các chỉ tiêu kinh tế (tỷ suất nội hoàn kinh tế, tỷ số lợi ích/chi phí, giá trị hiện tại ròng) của phương án điều chỉnh Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân là đáp ứng yêu cầu về hiệu quả đầu tư”, đại diện Ban Quản lý Dự án đường sắt chia sẻ.

Tình hình triển khai 4 tiểu Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân

Tiểu dự án 1 (Hạ Long - cảng Cái Lân): xây dựng tuyến mới dài 5,67 km, tổng mức đầu tư 1.510 tỷ đồng, khởi công tháng 6/2005, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2014;

Tiểu dự án 2 (Lim - Phả Lại): xây dựng tuyến mới dài 35,34 km, tổng mức đầu tư 2.012 tỷ đồng, khởi công tháng 2/2008, thi công đến điểm dừng kỹ thuật trong phạm vi nguồn vốn được bố trí (gồm hoàn thành mua sắm ray và tà vẹt; nền đường đã hoàn thành 11 km, đang thi công dở dang 19 km; hoàn thành 9/12 cầu; 35/45 hầm chui dân sinh và 83/140 cống thoát nước);

Tiểu dự án 3 (Phả Lại - Hạ Long): nâng cấp, cải tạo tuyến cũ dài 78,36 km, tổng mức đầu tư 3.851 tỷ đồng, thi công đến điểm dừng kỹ thuật trong phạm vi nguồn vốn được bố trí (gồm đã hoàn thành mua sắm ray và tà vẹt; để đảm bảo an toàn chạy tàu, tháng 8/2013 đã triển khai thi công cải tạo, nâng cấp 15 km nền đường sắt cũ và 4 cầu yếu trên tuyến);

Tiểu dự án 4 (Yên Viên - Lim): nâng cấp, cải tạo tuyến cũ dài 10,77 km, tổng mức đầu tư 290 tỷ đồng. Đang bắt đầu thực hiện công tác khảo sát, thiết kế thì dừng giãn.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-an-duong-sat-yen-vien---pha-lai---ha-long---cai-lan-cho-tai-sinh-d244621.html
Zalo