Quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với người khuyết tật
Những năm qua, việc triển khai thực hiện chế độ, chính sách với người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, ngành quan tâm. Qua đó, đã huy động được nhiều nguồn lực chung tay hỗ trợ, giúp đỡ để NKT tự tin hòa nhập cộng đồng.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 28.600 NKT, trong đó có 4.171 NKT đặc biệt nặng, 15.955 NKT nặng; 51 NKT thuộc hộ nghèo; 1.176 NKT là người cao tuổi. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh luôn quan tâm ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, bảo đảm quyền của NKT, thúc đẩy sự tham gia của NKT vào đời sống xã hội. Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả hoạt động trợ giúp NKT; ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách về NKT trên các lĩnh vực: giáo dục và đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe…Công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về NKT được đẩy mạnh. Việc tổ chức triển khai thực hiện Luật NKT trên địa bàn được quan tâm. Các sở, ngành chức năng đã ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hằng tháng đối với NKT; đẩy nhanh tiến độ xác định mức độ khuyết tật và thực hiện chính sách với NKT.
Bà Lê Thị Hải Vân, Trưởng phòng Phòng Bảo trợ và Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) cho biết: Nhằm tăng cường năng lực, kiến thức và cập nhật những chính sách trong lĩnh vực bảo trợ xã hội (BTXH) đối với NKT, định kỳ hằng năm, Sở LĐ, TB&XH tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện cấp 2.000 giấy xác nhận mức độ khuyết tật, in 1.320 tờ rơi tuyên truyền về công tác trợ giúp NKT. Đến nay, số NKT được hưởng trợ cấp hằng tháng là 20.126 người; số NKT đang được nuôi dưỡng trực tiếp và có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng là 4.770 người; số NKT được chăm sóc nuôi dưỡng tại 2 cơ sở trợ giúp xã hội là 278 người.
Trong những năm gần đây, chính sách BTXH đối với NKT được quan tâm hơn. Cụ thể, đã nâng mức chuẩn trợ cấp hằng tháng, điều chỉnh về chính sách bảo hiểm y tế cùng những chính sách ưu đãi dành cho NKT, giúp NKT có thêm điều kiện ổn định cuộc sống. Khi NKT tham gia hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội đã được các cấp, ngành đặc biệt tạo điều kiện quan tâm và có quy định cụ thể trong việc miễn, giảm, trợ giá đối với NKT.
Để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với NKT, Hội NKT tỉnh phối hợp với: Sở LĐ,TB&XH tỉnh, Tổ chức Dansk Handicap Forbund (DHF) của Đan Mạch, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp)… tổ chức tập huấn, hội thảo, truyền thông nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nòng cốt, hội viên hội NKT. Năm qua, Hội NKT tỉnh đã tổ chức trên 15 hội nghị tập huấn với hơn 150 lượt người tham gia, tập trung vào các nội dung: bình đẳng giới và hòa nhập cho NKT, chính sách BTXH cho NKT, chính sách trợ giúp pháp lý cho NKT…
Ông Trần Quang Dũng, Chủ tịch Hội NKT tỉnh cho biết: Hội NKT tỉnh hiện có 1.438 hội viên, trong đó 1.282 hội viên được hưởng trợ cấp hằng tháng, tuy nhiên, vẫn còn một số hội viên NKT chưa có giấy xác nhận mức độ khuyết tật nên chưa được thụ hưởng đầy đủ những chính sách trợ giúp xã hội của nhà nước trong tất cả các lĩnh vực. Để tháo gỡ khó khăn đó, thời gian qua, các cấp hội đã tập trung phối hợp, tổ chức hoạt động tuyên truyền đến hội viên về quyền, lợi ích trong việc sử dụng giấy xác nhận mức độ khuyết tật; hướng dẫn hội viên về thủ tục, trình tự đề xuất cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật. Đồng thời, phối hợp tổ chức phổ biến tuyên truyền đến đội ngũ lãnh đạo các cấp hội, cán bộ nòng cốt về quy định, chính sách, thủ tục, trình tự hưởng trợ cấp hằng tháng, chính sách BTXH... Thời gian tới, hội tiếp tục tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ nòng cốt giúp đội ngũ này làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, tư vấn pháp lý, giúp hội viên NKT có thể tiếp cận gần hơn đến việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, thực hiện hòa nhập cộng đồng.