Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam: Chủ động hợp tác, đầu tư công nghệ

Liên quan đến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ngày mai (20/11), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án này.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Các doanh nghiệp nội địa cần chủ động hợp tác, đầu tư công nghệ để tham gia xây dựng Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đây là nhận định chung được cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, chuyên gia đưa ra tại tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt" do Báo Giao thông tổ chức ngày 19/11.

Theo ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, với giá trị vốn đầu tư hợp phần xây lắp hạ tầng khoảng 33 tỷ USD, cùng đó là các hợp phần về hệ thống điều khiển, hệ thống cấp điện, phương tiện…, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được xác định tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Việt Nam phải làm chủ về nguồn vốn, tránh sự phụ thuộc vào nước ngoài và đây là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước.

Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả khẳng định, dự án này mang lại nhiều cơ hội song các doanh nghiệp cũng sẽ phải trải qua nhiều thách thức về công nghệ, kỹ thuật.

Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Quang Huy thông tin về sự chuẩn bị của doanh nghiệp. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Quang Huy thông tin về sự chuẩn bị của doanh nghiệp. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Hiện Tập đoàn Đèo Cả đang chuẩn bị nguồn lực về con người và công nghệ. Riêng về công nghệ, Tập đoàn Đèo Cả đang kết hợp với các đơn vị đường sắt ở Trung Quốc để tham quan các dự án, tư vấn một số giải pháp về công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số.

Tập đoàn Đèo Cả hướng tới tham gia sản xuất đầu máy toa xe để đảm bảo nội địa hóa cao như định hướng Chính phủ. Doanh nghiệp này cũng đang kết nối với các doanh nghiệp quốc tế về Việt Nam với mục tiêu liên kết các doanh nghiệp Việt để thực hiện tuyến đường sắt tốc độ cao với tính đồng bộ, hiện đại nhất.

Dưới góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, doanh nghiệp Việt cần chủ động hợp tác, đầu tư công nghệ. "Nếu ta không chủ động hợp tác để đầu tư công nghệ đón đầu thì tới lúc gói thầu mở ra sẽ rất khó thắng. Với thi công đường sắt, công nghệ về thi công đặt tay, hệ thống cấp điện cho phương tiện đầu máy, toa xe cũng là bài toán", vị chuyên gia này nhận định.

Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính đánh giá, từ ray trở xuống là thi công móng, bệ, thân, dầm. Vấn đề ở đây là tính đồng bộ, hệ thống dây chuyền, thiết bị thi công. Lúc này, bài toán đặt ra phải có sự thống nhất rất cao từ chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu mới thực hiện được.

Đại tá Phan Phú, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng chia sẻ về sự hợp tác của các doanh nghiệp, nhà thầu. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Đại tá Phan Phú, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng chia sẻ về sự hợp tác của các doanh nghiệp, nhà thầu. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Đồng tình với quan điểm này, Đại tá Phan Phú, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng chia sẻ: "Hiện nay, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp giao thông trong nước là điều chúng tôi rất trăn trở. Chúng tôi mong rằng, đứng trước cơ hội thị trường xây lắp vô cùng lớn từ Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, các doanh nghiệp trong nước sẽ bắt tay nhau thay vì triệt tiêu. Chỉ có hợp tác là cơ hội duy nhất để tham gia sâu vào dự án".

sáng 13/11/2024, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

sáng 13/11/2024, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Liên quan đến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ngày mai (20/11), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án này.

Theo Tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để hoàn thành vào năm 2035.

Tại dự án xây mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài chính tuyến khoảng 1.541 km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Việc đầu tư dự án phù hợp với chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Quốc hội thông qua; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển mạng lưới đướng sắt; phù hợp với quy hoạch của các ngành, các địa phương có liên quan.

Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam hướng tới mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh./.

Diệp Anh

Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/du-an-duong-sat-toc-do-cao-tren-truc-bac-nam-chu-dong-hop-tac-dau-tu-cong-nghe/353935.html
Zalo