Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Tác động lớn đến sự phát triển của nhiều lĩnh vực

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được triển khai thi công sớm, hứa hẹn sẽ tác động cực lớn đến sự phát triển của nhiều lĩnh vực ở nước ta. Trong đó, ngành thép và các nhà thầu xây lắp hạ tầng giao thông Việt Nam là một trong những ngành được hưởng lợi hàng đầu.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Cơ hội cho ngành thép Việt

Sắt thép sẽ chiếm tỷ trọng rất lớn của dự án này. Tại hội nghị của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp (DN) diễn ra vào tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết, DN của mình đã chuẩn bị và nghiên cứu về việc phát triển thép dành cho đường ray đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong 2-3 năm qua. Chủ trương đưa yêu cầu phải sử dụng hàng hóa của DN trong nước sản xuất được vào các gói thầu sẽ tạo cú hích cực lớn cho ngành nghề vật liệu xây dựng, khi theo tính toán của các đơn vị tư vấn, dự án cần khoảng 6 triệu tấn thép các loại.

Là DN nội đứng đầu về sản xuất thép trong nước, Hòa Phát tự tin cam kết: Đảm bảo cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại phục vụ dự án, nhất là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao; tất cả các chủng loại sắt thép đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của các gói thầu; đảm bảo thời hạn giao hàng theo đúng tiến độ dự án. Về giá cả, Hòa Phát đảm bảo giá cạnh tranh, thấp hơn giá thép nhập khẩu. Cũng nói thêm, về năng lực sản xuất, Tập đoàn Hòa Phát là DN sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, với công suất 8,5 triệu tấn/năm.

Từ năm 2025, sau khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành, năng lực sản xuất thép thô của DN này đạt hơn 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng, thép chất lượng cao. Với năng lực này, DN dư khả năng cung ứng cho dự án đường sắt tốc độ cao. Việc sản xuất thép ray đường sắt cao tốc hoàn toàn nằm trong khả năng của tập đoàn. Thực tế, Hòa Phát đang khảo sát, đề xuất phương án đầu tư một số dự án lớn tại tỉnh Phú Yên, trong đó có dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép. Cơ cấu sản phẩm dự kiến tại đây tập trung vào các dòng thép chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo như thép tấm, thép kết cấu, thép hình, ray thép.

Theo ghi nhận, nhiều DN sản xuất thép khác có thể tham gia cung ứng thép thực hiện dự án trên. Đơn cử, thời gian qua, Gang thép Thái Nguyên đã sản xuất thép phục vụ cho nhiều lĩnh vực đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Ông Nguyễn Quang Tạo, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Ngãi Cầu (DN chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm kết cấu thép), tự tin, DN sản xuất thép trong nước hoàn toàn có khả năng cung ứng thép cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc -Nam. Thời gian qua, các công ty sản xuất thép đã cung cấp được cho thị trường những sản phẩm thép có tiêu chuẩn chất lượng cao, nên khả năng đáp ứng thép cho thi công dự án là khả thi.

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam: Cơ hội để nhận chuyển giao công nghệ

Với điều kiện hiện nay, chúng ta có thể giải quyết được vấn đề cung cấp vật tư, nguồn lực tham gia xây dựng một số hạng mục thuộc dự án tuyến đường sắt tốc độ cao. Ví dụ, toàn bộ phần hạ tầng như cầu đường, cầu cạn, hầm, nhà ga, hệ thống điện…, các DN trong nước hoàn toàn có thể chủ động triển khai xây dựng. Đặc biệt, đội ngũ công nhân trong ngành GTVT có đủ trình độ tiếp cận làm chủ khoa học kỹ thuật, để có thể xây dựng một tuyến đường sắt tốc độ cao phát huy tối đa nội lực trong nước. Chúng ta chỉ quan tâm đến việc nhập công nghệ khó mà Việt Nam chưa phát triển được, vì vậy trong quá trình xây dựng đề án, chúng ta có điều kiện là được chuyển giao công nghệ. Đây là mục tiêu chúng ta hướng tới, sau khi được chuyển giao công nghệ, chúng ta làm chủ từng bước, và là một quá trình để dần dần chúng ta phát triển công nghiệp đường sắt.

Hy vọng chuỗi thi công, cung ứng đều tham gia

Theo các chuyên gia kinh tế, đối với ngành thép, các sản phẩm thép và cấu kiện thép sẽ là nhóm nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong việc thi công dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ngành thép sẽ là lĩnh vực hưởng lợi rõ nhất khi Chính phủ sẽ ưu tiên sử dụng sản phẩm thép trong nước.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam phân tích, không chỉ các DN sắt thép mà các DN ở các mảng đá, xi măng, gạch ốp lát còn trữ lượng lớn, thời hạn khai thác dài hoặc đang chuẩn bị được cấp giấy phép mới, có thể được hưởng lợi. Theo đó, Công ty CP Hóa An, Công ty CP khoáng sản và xây dựng Bình Dương, Công ty CP xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa… sẽ là những DN điển hình.

 Kỹ sư thuộc Tập đoàn Hòa Phát đang giám sát các lô thép tại nhà máy

Kỹ sư thuộc Tập đoàn Hòa Phát đang giám sát các lô thép tại nhà máy

Đối với hoạt động xây dựng, Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định mặc dù tổng thầu và bên tư vấn nhiều khả năng là DN nước ngoài nhưng các nhà thầu trong nước vẫn có thể giành lấy các hợp đồng thầu phụ, nhất là các DN có chuyên môn và uy tín cao như Công ty CP Xây dựng Coteccons, Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả)…

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, khi các nhà thầu thi công xây dựng trong nước đảm nhận được những hạng mục của dự án, các DN cung ứng vật liệu cũng sẽ có cơ hội tham gia, như cách làm đường bộ cao tốc Bắc - Nam thời gian qua. Cơ hội tham gia tối đa trong chuỗi sản phẩm xây dựng dự án lần này sẽ là bước tiến mới cho các DN nói riêng cũng như ngành xây dựng Việt Nam nói chung.

“Chúng tôi đang thi công các gói thầu lớn thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam, quyết tâm hoàn thành 12 dự án thành phần vào cuối năm 2025. Sau năm 2025, nhân lực, máy móc, thiết bị của các DN sẽ tồn đọng. Do đó, Chính phủ nên có cơ chế tạo điều kiện cho DN được tiếp tục sử dụng nguồn lực sẵn có tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị.

Theo đánh giá của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), Dự án đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam sẽ trở thành một trọng điểm trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của quốc gia. Với mục tiêu kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm, giảm thời gian di chuyển và tăng cường năng lực vận tải, dự án không chỉ giúp hiện đại hóa hệ thống giao thông mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp liên quan.

Công nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp vật tư, thiết bị và công nghệ để hoàn thành dự án này. Trong đó, ngành công nghiệp xây dựng và chế tạo đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các loại vật liệu cần thiết cho việc xây dựng đường sắt, bao gồm bê tông, thép, các cấu kiện hạ tầng như cầu, cống, đường hầm.

Tăng tỷ lệ nội địa cho dự án

Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam Nguyễn Chỉ Sáng nhìn nhận, Việt Nam nhất thiết phải làm chủ việc xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt. Việc làm chủ ở đây không nên cứng nhắc là phải làm chủ 100%, mà là có tỷ lệ nội địa hóa và việc nhận chuyển giao công nghệ thích hợp. Việc này không chỉ đem lại sự tự chủ trong xây dựng các dự án, mà còn làm giảm đáng kể giá thành trong giai đoạn thi công xây dựng, duy tu bảo dưỡng và phát triển công nghiệp nước nhà.

ĐỨC TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-tac-dong-lon-den-su-phat-trien-cua-nhieu-linh-vuc-post768830.html
Zalo