Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chuyển sang giai đoạn quan trọng

Đã có thêm chỉ dẫn cụ thể cho bước chuyển giai đoạn quan trọng với Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam nếu chiểu theo kết luận mới đây của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng ban Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án Chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Theo Thông báo số 07/TB- VPCP, ngày 8/1/2025 tại Phiên họp lần thứ ba, Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án Chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, việc đầu tiên mà Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phải khẩn trương hoàn thành ngay trong tháng 1/2025 là trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết số 172/2024/QH15, ngày 30/11/2024 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đây là văn bản pháp lý rất quan trọng để công trình hạ tầng chiến lược, được kỳ vọng tạo động lực, tạo ra sức bật đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - chính thức chuyển giai đoạn lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi cùng một loạt công việc quan trọng khác sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp lần thứ tám, Quốc hội khóa XV.

Yêu cầu đặt ra cho Dự thảo là phải bám sát các mục tiêu, yêu cầu của Quốc hội để xây dựng kế hoạch, tiến độ chi tiết các thủ tục, công việc chính phải thực hiện (từ thời điểm lập báo cáo nghiên cứu khả thi đến thời điểm khởi công xây dựng) và dự kiến kế hoạch tổng thể để khai thác, vận hành Dự án. Dự thảo Nghị quyết cũng phải xác định cách thức tiến hành, cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương để triển khai các cơ chế đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội thông qua.

Những yêu cầu tiên quyết mà Dự thảo phải đạt được sẽ giúp công trình đặc biệt này bảo đảm tính khoa học, toàn diện, đồng bộ, có tính khả thi cao khi triển khai.

Ngoài việc sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cũng phải “vừa chạy, vừa xếp hàng”, thực hiện ngay một loạt công việc cấp bách khác như rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về đường sắt tốc độ cao; xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu, lựa chọn các doanh nghiệp trong nước có năng lực, kinh nghiệm để phối hợp, chuyển giao công nghệ, từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong thi công xây lắp, hệ thống thông tin tín hiệu... Ngoài ra, Bộ GTVT cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các địa phương tiến hành trước công tác giải phóng mặt bằng; thành lập các tổ công tác chuyên môn, trong đó có thể mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia.

Một nhiệm vụ quan trọng khác mà lãnh đạo Chính phủ đặt ra cho Bộ GTVT là phải sớm kiện toàn mô hình Ban Quản lý dự án đường sắt - đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư quản lý quá trình triển khai Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Bên cạnh vai trò chủ lực của Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan khác cũng được yêu cầu phải xắn tay ngay để xử lý một loạt nhiệm vụ quan trọng khác. Trong đó, Bộ Xây dựng cần sớm hướng dẫn áp dụng, sử dụng hệ thống định mức xây dựng, đơn giá, giá xây dựng công trình, sử dụng suất vốn đầu tư của các dự án, công trình đường sắt tương tự để lập tổng mức đầu tư dự án; hướng dẫn áp dụng mẫu hợp đồng của Hiệp hội Tư vấn quốc tế trong thực hiện các gói thầu thuộc Dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu thành lập Hội đồng Thẩm định nhà nước; phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng tổ chức lựa chọn tư vấn thẩm tra để tiến hành thẩm tra, thẩm định song song với quá trình lập, hoàn thiện Báo cáo Nghiên cứu khả thi.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu phương án huy động vốn đầu tư để thực hiện Dự án, trong đó cần xác định rõ nhu cầu vốn, kế hoạch vốn, các nguồn vốn (ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, nguồn thu từ đất đai, xã hội hóa...) để có phương án, bố trí kế hoạch vốn phù hợp.

Cần phải nói thêm rằng, để có thể cơ bản hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào năm 2035 như yêu cầu của Quốc hội, Dự án phải hoàn thành toàn bộ công tác chuẩn bị trước năm 2027.

Trong bối cảnh quỹ thời gian dành cho công tác chuẩn bị đầu tư chỉ còn chưa đầy 2 năm, việc giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ không chỉ đòi hỏi sự tăng tốc, nước rút ngay từ bây giờ, mà còn đòi hỏi sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm rất cao của các bộ, ngành liên quan. Trong đó, các bộ, ngành và địa phương phải gạt bỏ tư duy “việc anh, việc tôi” trong xử lý công việc liên quan.

Với quy mô đầu tư rất lớn, phức tạp về công nghệ như Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, chỉ cần chậm xử lý một hạng mục thì sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ tiến độ chung, làm giảm hiệu quả đầu tư, kéo dài thời gian thi công của công trình thế kỷ này.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac---nam-chuyen-sang-giai-doan-quan-trong-d240300.html
Zalo