Dự án đường 3.500 tỷ ở Quảng Ngãi gặp khó vì vướng mặt bằng
Hơn một năm khởi công, công trường dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi (Quảng Ngãi) vẫn trong tình trạng thi công đứt quãng, mặt bằng tuyến chính dự án không liên tục.
Vướng mặt bằng, dự án nghìn tỷ thi công cầm chừng
Ghi nhận trên tuyến chính dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi từ TP Quảng Ngãi đến huyện Bình Sơn cho thấy, công trường "ngủ yên", dù thời tiết nắng ráo.

Công trường dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi mới bàn giao được 21% mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công, dù hơn 1 năm triển khai.
Đoạn đầu tuyến qua địa phận xã Tịnh An, nhà thầu dựng lán trại, tập kết thiết bị. Tuy nhiên, phần lớn mặt bằng tuyến chính chưa được tháo gỡ nên không thể thi công. Lác đác vài thiết bị bóc phong hóa đoạn ngắn có mặt bằng.
Đi dọc tuyến, phóng viên phải men qua nhiều đường liên xóm. Thậm chí, có vị trí muốn tiếp cận cọc mốc giải phóng mặt bằng (GPMB), phải đi đường vòng khá xa do phần lớn khu vực quy hoạch thi công vẫn "án binh bất động". Nhà của người dân vẫn còn, sinh hoạt diễn ra bình thường, chưa có dấu hiệu thể hiện nơi đây là tuyến chính dự án.
Dự án Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi có quy mô đường 4 làn xe, chiều dài hơn 27km, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, khởi công tháng 12/2023.
Đây là dự án giao thông trọng điểm được tỉnh Quảng Ngãi triển khai nhằm giải quyết bài toán quá tải trên QL1; đồng thời kết nối giao thông trực tiếp giữa TP Quảng Ngãi với KKT Dung Quất.
Đi tiếp đến địa phận huyện Sơn Tịnh, ở một vài vị trí cầu, cống, nhà thầu bố trí thiết bị, nhân sự thi công. Song, do công địa hẹp, trong khi đất sản xuất của người dân chưa được bồi thường, công tác thi công gặp nhiều khó khăn.
Nhìn từ flycam, điểm nhận diện tuyến chính của dự án là những công trình cầu cống xây dựng dang dở; một số đã thi công xong, công nhân rút đi. Còn lại, mọi thứ vẫn như hơn một năm trước với hình ảnh ken đặc nhà dân và hoa màu.
Đoạn qua địa bàn huyện Bình Sơn cũng chờ mặt bằng. Dọc tuyến dài khoảng 15km trong tình trạng nơi rầm rộ, chỗ im lìm. Sôi động nhất trên tuyến là cầu số 2 bắc qua sông Trà Bồng thuộc địa phận xã Bình Dương.
Trên công trường cầu dài gần 500m, vốn xây lắp 470 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên và Công ty CP Đầu tư Phát triển Gia Hưng thi công, nhà thầu bố trí 4 mũi làm việc ở hai đầu cầu và bãi đúc dầm với gần 100 nhân sự.

Mũi thi công cầu số 2 bắc qua sông Trà Bồng rầm rộ nhất khi nhà thầu thỏa thuận với người dân và tiếp cận được mặt bằng hai bên đầu cầu.
Công trường dự án rộn ràng khi các hạng mục 8 trụ cầu và 2 mố thi công cơ bản, sẵn sàng lao lắp dầm. Song, đường dẫn hai bên đầu cầu cũng không ngoại lệ, khi người dân vẫn sinh hoạt bình thường, đất trồng hoa màu phủ màu xanh tốt.
Ông Hoàng Trọng Hòa, Phó giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên - Giám đốc điều hành dự án cho hay, công địa thi công tuyến chính chưa triển khai được do mặt bằng chưa thông. Riêng đường dẫn hai bên đầu cầu, nếu có, nhà thầu đã bóc phong hóa, san lấp và lên nền đường.
"Thiết bị, tài chính sẵn sàng, song mặt bằng chưa có nên không thể triển khai rầm rộ được", ông Hòa nói và kiến nghị chủ đầu tư, tỉnh Quảng Ngãi cần sớm bàn giao mặt bằng sạch để nhà thầu thi công hoàn thiện dự án.
Theo đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi, mặt bằng toàn dự án mới bàn giao cho đơn vị thi công khoảng 21%. Đơn vị có nhiều kiến nghị gửi UBND tỉnh đề nghị chỉ đạo địa phương liên quan khẩn trương vào cuộc giải quyết công tác mặt bằng, bàn giao cho nhà thầu.
Công tác thi công chủ yếu là các hạng mục cầu cống, trong đó trọng tâm là hệ thống 9 cầu trên tuyến. Song, một số công trình cầu chỉ tiếp cận một phần mặt bằng. Riêng hạng mục nền đường chưa triển khai được nhiều.
Nhà thầu lo hết việc vì mặt bằng chưa thông
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại thời điểm khởi công, dự án được đặt mục tiêu hoàn thành cuối năm 2025, gắn biển chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XXI. Song, do nhiều nguyên nhân, nhất là công tác bồi thường, GPMB quá chậm, tiến độ dự án không đạt như kế hoạch đề ra.

Phần lớn diện tích mặt bằng tuyến chính dự án vẫn là nhà dân, vượt tượt xanh mướt.
Theo lãnh đạo các địa phương có dự án đi qua (TP Quảng Ngãi và 2 huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn), nguyên nhân vướng GPMB là chậm hoàn thành xác định giá đất cụ thể, tái định cư, các khoản hỗ trợ...
Trong đó, Luật Đất đai mới có hiệu lực và điều chỉnh quy hoạch dẫn đến có một số vướng mắc cần giải quyết. Ngoài ra, việc xác định lại giá đất cụ thể để trình phương án phê duyệt chi phí bồi thường cũng khó khăn...
Phần lớn vướng mắc về giá đất đã được xử lý. Song, chậm trễ hiện nay là nhiều địa phương đang tập trung sáp nhập xã, bỏ huyện..., cũng phần nào ảnh hưởng công việc.
Ông Hoàng Trọng Hòa, Giám đốc điều hành dự án cho biết, với những hạng mục cầu cống đang triển khai, nếu chậm đến đầu mùa mưa sẽ thi công xong. Khi đó, trường hợp mặt bằng tuyến chính chưa thông, nhà thầu sẽ không còn việc làm.
"Đề nghị tỉnh Quảng Ngãi quyết liệt trong công tác mặt bằng, sớm bàn giao cho nhà thầu thi công để đảm bảo tiến độ dự án như hợp đồng và giải ngân vốn", ông Hòa kiến nghị.
Được biết, lũy kế giá trị thi công đạt khoảng 320/2.350 tỷ đồng, đạt 14% giá trị khối lượng xây lắp.

Công trường thi công đứt đoạn, việc tiếp cận mặt bằng khó khăn ảnh hưởng lớn tiến độ dự án.
Theo ông Ngô Văn Dụng, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, để đảm bảo mặt bằng cho nhà thầu thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án, đơn vị đã cử cán bộ quản lý dự án "đeo bám" các địa phương để phối hợp xử lý. Đến nay, cơ bản vướng mắc phần đất nông nghiệp đã thông, trong tháng 6 này sẽ tập trung xử lý và bàn giao cho nhà thầu.
"Riêng phần mặt bằng liên quan đất ở, tái định cư, cần thời gian lâu hơn vì các đơn vị chưa hoàn thành GPMB xây dựng khu tái định cư. Chúng tôi đang tập trung cao độ, cùng các địa phương bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án", ông Dụng cho hay.