Dự án cao tốc chậm tiến độ: Chủ đầu tư phải đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh thi công
Bộ Xây dựng yêu cầu các ban quản lý dự án/chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu đẩy tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực, tổ chức thi công '3 ca, 4 kíp' để bù lại tiến độ bị chậm tại các dự án cao tốc.

Nhà thầu thi công thảm nhựa mặt đường một dự án thành phần cao tốc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nếu không có các giải pháp điều chỉnh kỹ thuật, giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật và nguồn vật liệu, nhiều dự án thành phần cao tốc có nguy cơ không thể hoàn thành vào cuối năm nay.
Nhiều dự án chậm tiến độ
Báo cáo của Bộ xây dựng cho thấy, theo kế hoạch dự kiến trong năm 2025 sẽ hoàn thành khoảng 1.188km đường bộ cao tốc gồm 28 dự án/dự án thành phần.
Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản 17 dự án/dự án thành phần dài 889km, đến nay đã hoàn thành đưa vào khai thác 4 dự án thành phần (Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng, Bùng-Vạn Ninh và 70km đoạn Vân Phong-Nha Trang) với tổng chiều dài 208 km thuộc cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và 19km dự án Bến Lức-Long Thành (VEC là chủ đầu tư) vào dịp 30/4/2025.
Nhà chức trách dự kiến sẽ hoàn thành khai thác tuyến chính 2 Dự án thành phần Vũng Áng-Bùng, Vạn Ninh-Cam Lộ và 13km còn lại của Vân Phong-Nha Trang vào cuối tháng 6/2025; 2 Dự án thành phần Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Quy Nhơn-Chí Thạnh và dự án Hòa Liên-Túy Loan vào cuối tháng 9/2025. Các dự án còn lại đang nỗ lực triển khai, cơ bản bám sát kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2025.
Các địa phương làm cơ quan chủ quản 11 dự án/dự án thành phần dài 299km, đến nay Dự án thành phần 3 Biên Hòa-Vũng Tàu (20km) và Dự án thành phần Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (6km) tiến độ triển khai đáp ứng và vượt kế hoạch đề ra.

Đơn vị thi công đúc dầm cầu cao tốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chín dự án còn lại với chiều dài 273km (Dự án thành phần 1, 3, 5 Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Dự án thành phần 1 và 3 cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Tuyên Quang-Hà Giang, Dự án thành phần 1 cao tốc An Hữu-Cao Lãnh chậm tiến độ và có nguy cơ không hoàn thành vào cuối năm 2025 (bình quân giá trị sản lượng đạt 46%, trong khi các dự án do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản, bình quân 72%).
“Thời gian còn lại hơn 7 tháng, mùa mưa đã đến gần, nhiều dự án cần có thời gian chờ lún, nếu không quyết liệt, nỗ lực tháo gỡ các khó khăn về vật liệu xây dựng, hoàn thành giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công ‘3 ca, 4 kíp’, có các giải pháp kỹ thuật rút ngắn thời gian chờ lún sẽ rất khó hoàn thành trong năm 2025, nhất là dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh), Dự án Biên Hòa-Vũng Tàu (Đồng Nai), Dự án An Hữu-Cao Lãnh (Đồng Tháp)," lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay.
Ngoài ra, hai Dự án Hữu Nghị-Chi Lăng, Đồng Đăng-Trà Lĩnh có kế hoạch hoàn thành năm 2026, tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng đang nỗ lực triển khai để bảo đảm thông tuyến vào cuối năm 2025, tuy nhiên hiện nay tiến độ dự án Hữu Nghị-Chi Lăng giá trị sản lượng thi công đạt 17%, chưa đáp ứng yêu cầu.
Phải thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau
Để đảm bảo tiến độ hoàn thành 3.000km năm 2025, Bộ Xây dựng yêu cầu các ban quản lý dự án/chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật; khẩn trương hoàn thành các thủ tục nâng công suất mỏ, xác định nguồn vật liệu đá phục vụ thi công, chủ động nguồn đất đắp trong tháng 5 này, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.
Các cơ quan chủ quản cần chủ động phối hợp với các địa phương có mỏ để linh hoạt điều chuyển mỏ vật liệu cấp theo cơ chế đặc thù đang còn trữ lượng nhưng không còn nhu cầu khai thác sang các dự án khác theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Các chủ đầu tư/ban quản lý dự án rà soát lại tiến độ, quyết liệt chỉ đạo nhà thầu tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để bù lại tiến độ bị chậm, đặc biệt tại 7 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam gồm: Vạn Ninh-Cam Lộ, Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Chí Thạnh-Vân Phong, Dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, Cần Thơ-Hậu Giang, Hậu Giang-Cà Mau.
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chỉ đạo nhà thầu Gói thầu J3-1 khẩn trương lập kế hoạch và triển khai thi công; rà soát tiến độ các gói thầu còn lại, yêu cầu các nhà thầu tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị để bù lại tiến độ bị chậm và phải hoàn thành trong năm nay.

Các chủ đầu tư, các nhà thầu tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ thi công. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương căn cứ hướng dẫn của Bộ về điều chỉnh giải pháp xử lý nền đất yếu, vật liệu gia tải, giải pháp thiết kế nền móng, mặt đường nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động quyết định các giải pháp kỹ thuật theo thẩm quyền, bảo đảm hoàn thành các dự án đúng tiến độ được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, nhất là các Dự án Cao Lãnh-An Hữu đoạn qua Đồng Tháp, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.
Hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng chỉ đạo nhà đầu tư tận dụng tối đa điều kiện thời tiết mùa khô để đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Hữu Nghị-Chi Lăng và Đồng Đăng-Trà Lĩnh, bảo đảm thông tuyến vào cuối năm 2025; tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Hòa Bình, Bình Dương kiểm soát tiến độ, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Gia Nghĩa-Chơn Thành, Hòa Bình-MộcChâu đoạn qua Hòa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-ChơnThành.
Chỉ đạo tại Hội nghị giao ban công tác tháng 4 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2025 vào chiều 8/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh chỉ ra mục tiêu đến cuối năm 2025 phải thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nếu đạt được, đến hết năm nay, cả nước sẽ có hơn 3.300km đường bộ cao tốc./.