Dự án Cảng Hàng không Quảng Trị sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào 7/2026
Sau gần một năm khởi công, Dự án Cảng Hàng không Quảng Trị đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 7/2026.
Dự án Cảng hàng không Quảng Trị, tại huyện Gio Linh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tháng 12/2021, quy mô cảng hàng không cấp 4C triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP). Công suất thiết kế 5 triệu hành khách và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
Dự án do T&T Group liên danh với Cienco 4 làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ tháng 7/2024, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 7/2026. Dự án gồm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 - Giải phóng mặt bằng do địa phương thực hiện; Dự án thành phần 2 - Xây dựng cảng hàng không do nhà đầu tư tư nhân thực hiện với tổng mức đầu tư 5.821 tỷ đồng (100% vốn doanh nghiệp cho phần xây dựng).

Các hạng mục Dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ theo kế hoạch
Riêng Dự án thành phần 1- Giải phóng mặt bằng, đến nay tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành hơn 241 ha, đạt 91%, gồm toàn bộ khu vực đường băng, nhà ga, sân đỗ. Phần còn lại 24,1 ha chủ yếu liên quan đến các hộ dân thuộc diện tái định cư. Địa phương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng thiết yếu trong các khu tái định cư. Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh vận động các hộ dân trong diện giải tỏa vào khu tái định cư xây dựng nhà ở song song với việc hoàn thiện các hạng mục còn lại để bàn giao mặt bằng cho dự án trong Quý III năm 2025.
“UBND tỉnh yêu cầu cơ quan thường trực Ban chỉ đạo là sở Giao thông Vận tải và các Sở, ngành, Ban quản lý Dự án cử cán bộ để cùng với huyện Gio Linh để kịp thời xử lý các vướng mắc. Quảng Trị quyết tâm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư thi công, kịp hoàn thành như cam kết đến năm 2026 đưa vào sử dụng”, ông Tiến khẳng định.

Nhà làm việc Ban điều hành Dự án Cảng hàng không Quảng Trị
Đối với Dự án thành phần 2 - Xây dựng cảng hàng không, sau gần 1 năm khởi công đã hoàn thành hạng mục sân đỗ máy bay. Các hạng mục còn lại được triển khai đồng bộ trong tháng 5 này, phấn đấu đưa sân bay vào khai thác từ tháng 7/2026. Nhà đầu tư định hướng xây dựng một hệ sinh thái hàng không hoàn chỉnh, liên hoàn bao gồm: Cảng hàng không; Trung tâm trung chuyển hàng hóa (Cargo Hub); Tổ hợp công nghiệp hàng không và đô thị sân bay phát triển thành một tổ hợp hàng không tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Một số hạng mục công trình dần hoàn thiện
Theo kế hoạch, giai đoạn này nhà đầu tư sẽ hoàn thành các công trình cơ bản để đưa vào khai thác sân bay với công suất 500.000 hành khách/năm, gồm đường cất hạ cánh dài 2.400 m, sân đỗ máy bay, đài kiểm soát không lưu, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhà ga hành khách 1 tầng…
Để bảo đảm nhu cầu phát triển Cảng Hàng không Quảng Trị thành cấu phần nòng cốt của "Tổ hợp công nghiệp hàng không - logistics - dịch vụ - thương mại - đô thị sân bay" , Liên danh nhà đầu tư T&T Group – Cienco 4 đã đề nghị cơ quan chức năng cho phép sớm triển khai xây dựng nhà ga hành khách 2 tầng. Sau năm 2026, sẽ nâng cấp quy mô sân bay đạt cấp 4E, kéo dài đường cất hạ cánh lên đến 4.000m để tiếp nhận không hạn chế các loại máy bay và đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 khi có nhu cầu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (thứ 3 trái sang) kiểm tra tiến độ xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị
Ông Đỗ Tất Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cảng hàng không Quảng Trị cho biết, sẽ xây dựng đồng bộ công trình đảm bảo khai thác tàu bay Code E, đáp ứng công suất khai thác 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. “Khu vực xung quanh sân bay có đường cao tốc, quốc lộ, đường sắt Bắc Nam, hai cảng biển, cửa khẩu biên giới Lào. Tham vọng của T&T sẽ đầu tư cả vùng này thành một tổ hợp bao gồm đô thị sinh thái, khu công nghiệp logistics, đặc biệt là công nghiệp hàng không. Toàn bộ khu vực này sẽ trở thành Tổ hợp công nghiệp hàng không rộng khoảng 10.800 ha”, ông Bình cho hay.

Phối cảnh Cảng hàng không Quảng Trị
Tổ hợp công nghiệp hàng không - logistics - dịch vụ - thương mại - đô thị sân bay Quảng Trị không chỉ tạo ra một cực tăng trưởng mới cho vùng Bắc Trung Bộ mà còn đưa Việt Nam bước chân vào bản đồ sản xuất, nghiên cứu, bảo trì hàng không của khu vực Đông Nam Á. T&T Group định hướng đưa Quảng Trị thành "điểm đến mới" của các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực hàng không, chế tạo thiết bị, logistics và dịch vụ quốc tế. Đây sẽ là nơi đặt đại bản doanh của những "ông lớn" toàn cầu khi tìm kiếm một trung tâm trung chuyển chiến lược mới trong khu vực.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo tiến độ Dự án
“Công trình này hết sức quan trọng đối với tỉnh Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị có phát triển được không, có thể huy động được doanh nghiệp đến đây hay không, có thay đổi được tình hình phát triển kinh tế xã hội hay không thì phụ thuộc rất lớn vào hạ tầng hàng không này. Quảng trị vừa có cảng hàng không, T&T có Vietravel Airlines. Nếu trung tâm của Vietravel Airlines xây dựng ở đây thì Quảng Trị sẽ là tỉnh đầu tiên hưởng lợi từ ảnh hưởng của Vietravel Airlines. Bởi vì Vietravel Airlines sẽ kết nối người dân thế giới, trong nước đến với những danh lam, thắng cảnh, văn hóa, con người Quảng Trị, đến để đầu tư”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhận định.
Theo định hướng, "Tổ hợp công nghiệp hàng không - logistics - dịch vụ - thương mại - đô thị sân bay", phát triển theo mô hình Aerotropolis – thành phố xoay quanh sân bay, hiện đại, thông minh, sinh thái và hội nhập quốc tế. Cấu trúc tổng thể của dự án lấy cảm hứng từ hình tượng "Phượng Hoàng tung cánh", biểu tượng cho sự hồi sinh và vươn mình mạnh mẽ của vùng đất lửa Quảng Trị.