Dự án Bánh gạo giàu tinh bột kháng của nhóm sinh viên nhận 'mưa' giải thưởng

Cuộc thi Food Innovation and Development 2024 đã thu hút 486 sinh viên tham gia với 122 dự án đến từ 27 trường ĐH, CĐ, THPT trên cả nước.

Food Innovation and Development 2024 là cuộc thi do Trường ĐH Công Thương TP HCM phối hợp cùng Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực - Thực phẩm Việt Nam (VAFoST), Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) và các đơn vị tổ chức.

Nhóm sinh viên giới thiệu sản phẩm bánh gạo giàu tinh bột kháng đến ban giám khảo

Nhóm sinh viên giới thiệu sản phẩm bánh gạo giàu tinh bột kháng đến ban giám khảo

Trải qua 2 phần thi tranh tài căng thẳng ở vòng chung kết 1 và 2 diễn ra ngày 21-12, dự án Bánh gạo Synbiotic của nhóm sinh viên Trường ĐH Công thương TP HCM đã xuất sắc giành giải đặc biệt (50 triệu đồng); giải nhất bảng các sản phẩm tốt cho sức khỏe (25 triệu đồng); giải sản phẩm giải quyết thách thức từ doanh nghiệp (20 triệu đồng) và giải gian hàng thực tế ảo được bình chọn nhiều nhất (3 triệu đồng).

Tổng số tiền các giải thưởng mà nhóm sinh viên này nhận được là 98 triệu đồng.

Đại diện nhóm nghiên cứu, em Nguyễn Tân Vinh cho biết ưu điểm nổi trội bánh gạo Synbiotic chính là giàu hàm lượng tinh bột kháng. Nhóm đã kết hợp những loại gạo giàu tinh bột kháng như gạo cẩm, gạo huyết rồng, gạo IR504 và lợi khuẩn để tạo nên sản phẩm tốt cho sức khỏe.

"Đối với những người đang ăn kiêng, tinh bột kháng có tác dụng hỗ trợ giảm lượng tinh bột trong chế độ ăn mà vẫn duy trì cảm giác no. Ngoài ra, tinh bột kháng giúp tăng cường sức khỏe đường ruột" – Vinh chia sẻ.

Ngoài bánh gạo, nhóm còn có một số sản phẩm giàu tinh bột kháng khác như sữa chua gạo, sữa gạo, bánh mochi,...

Ngoài bánh gạo, nhóm còn có một số sản phẩm giàu tinh bột kháng khác như sữa chua gạo, sữa gạo, bánh mochi,...

Từ Hà Nội vào TP HCM, nhóm dự thi Trường Hóa và Khoa học Sự sống (ĐH Bách khoa Hà Nội) và Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã giới thiệu về dự án phô mai tươi hybrid làm từ hạt điều

Từ Hà Nội vào TP HCM, nhóm dự thi Trường Hóa và Khoa học Sự sống (ĐH Bách khoa Hà Nội) và Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã giới thiệu về dự án phô mai tươi hybrid làm từ hạt điều

Ông Tạ Quang Hòa, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực - thực phẩm Việt Nam, đánh giá cao ý tưởng khởi nghiệp và khả năng thương mại hóa sản phẩm bánh gạo, tuy nhiên nhóm cần cải tiến thêm quy trình đóng gói thân thiện với môi trường, đồng thời xây dựng bộ nhận diện thương hiệu hiệu quả hơn.

Để gia tăng giá trị sản phẩm, ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ Phần Dh Foods gợi ý nhóm có thể sử dụng thêm loại gạo hữu cơ hoặc kết hợp thêm những loại trái cây đặc sản.

NGƯT- PGS- TS Lê Thị Hồng Ánh, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi đánh giá các sản phẩm dự thi đầy sáng tạo, nhất là sử dụng những nguồn nguyên liệu thực phẩm phong phú, đặc trưng của từng địa phương.

"Điểm nổi bật của cuộc thi không chỉ tập trung vào công nghệ sản xuất mà còn chú trọng tính bền vững và bảo vệ môi trường. Các dự án thể hiện rõ khả năng ứng dụng thực tiễn cao, góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu như an ninh lương thực và giảm thiểu lãng phí thực phẩm" – NGƯT Lê Thị Hồng Ánh nhận xét.

Dự án bánh gạo Synbiotic nhận "mưa" giải thưởng

Dự án bánh gạo Synbiotic nhận "mưa" giải thưởng

Cuộc thi chính là bệ phóng cho những dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm

Cuộc thi chính là bệ phóng cho những dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm

Các giải thưởng tại cuộc thi Food Innovation and Development 2024

Giải đặc biệt: dự án Bánh gạo Synbiotic của Trường ĐH Công thương TP HCM

Bảng thi 1: Các sản phẩm tốt cho sức khỏe

Giải nhất: dự án Bánh gạo Synbiotic của Trường ĐH Công thương TP HCM

Giải nhì: dự án Phát triển đồ uống không cồn và bánh lên men từ gạo nếp cẩm Việt Nam của Trường Hóa và Khoa học Sự sống (ĐH Bách khoa Hà Nội) và Trường Kinh tế (ĐH Bách khoa Hà Nội)

Giải ba: dự án Nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm tảo xoắn Spirulina từ quy trình nuôi tảo xoắn của Trường ĐH Yersin Đà Lạt

Bảng thi 2: Các sản phẩm tạo tác động tích cực cho cộng đồng/giải quyết vấn đề an ninh lương thực

Giải nhất: dự án Ứng dụng dung môi eutectic sâu vào sản xuất chitosan từ vỏ lột xác tôm của Trường ĐH Công thương TP HCM

Giải nhì: dự án Phô mai tươi hybrid thực vật của Trường Hóa và Khoa học Sự sống (ĐH Bách khoa Hà Nội) và Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam

Giải ba: dự án Nghiên cứu chế phẩm bảo quản thịt lợn tươi từ tinh dầu thảo quả của Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên.

Huế Xuân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/du-an-banh-gao-giau-tinh-bot-khang-cua-nhom-sinh-vien-nhan-mua-giai-thuong-196241222012916388.htm
Zalo