Dự án 8: Hành trình mang lại những đổi thay
Bằng những giải pháp linh hoạt, sáng tạo, giai đoạn 2021 - 2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị đã triển khai Dự án 8 đạt được nhiều kết quả tích cực. Các hoạt động, mô hình thúc đẩy bình đẳng giới được quan tâm thực hiện, góp phần thay đổi 'nếp nghĩ, cách làm', nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và tiếng nói trẻ em.

Công tác tuyên truyền góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh: L.M
Hoạt động cụ thể, thiết thực
Trường Sơn là xã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh chọn là đơn vị làm điểm đầu tiên trong triển khai Dự án 8. Đây là cơ hội để địa phương giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực.
Sau khi dự án khởi động, Hội LHPN xã đã thành lập các tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ), địa chỉ tin cậy, câu lạc bộ (CLB) Thủ lĩnh của sự thay đổi. Qua đó, người dân được tiếp cận nhiều hơn những kiến thức về Luật Bình đẳng giới, xóa bỏ khuôn mẫu giới trong công việc gia đình, kiến thức về hôn nhân và gia đình, phòng chống bỏ học cho trẻ em vùng cao...
Nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn Nguyễn Thị Mỹ Duyên chia sẻ: “Trong quá trình triển khai dự án, Hội LHPN xã Trường Sơn luôn xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng bởi nó tác động trực tiếp đến nhận thức, nếp nghĩ, cách làm của bà con, góp phần thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu tại địa phương. Chúng tôi đã chủ động, linh hoạt đưa ra những cách làm, giải pháp sáng tạo, phù hợp với thực tế nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất”.
Bám sát kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh đã thành lập hơn 200 tổ TTCĐ. Các thành viên tham gia là những cán bộ cốt cán, có uy tín trong thôn, bản... Họ đã phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong trong tuyên truyền, vận động người dân địa phương thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”...
Để thúc đẩy, nâng cao quyền năng kinh tế cho hội viên, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, Hội LHPN tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn tham vấn, hướng dẫn, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ cho các tổ nhóm sinh kế. Cụ thể, hội đã hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), như: HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn, THT chuối lùn Tà Rụt, THT đan lát Lao Bảo, HTX nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn. Hội cũng triển khai tổ vay vốn tiết kiệm thôn bản để hỗ trợ chị em đầu tư mở rộng phát triển sản xuất...
Nhằm bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội cộng đồng, giám sát và phản biện, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, tạo điều kiện cho chị em bày tỏ tâm tư, nguyện vọng. Đặc biệt, việc hình thành các CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi mang ý nghĩa thiết thực với trẻ em, giúp các em nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tự tin, bản lĩnh để thay đổi.
Dự án 8 là 1 trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025, do Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện. Các nhóm nội dung hoạt động trọng tâm của dự án này tập trung vào tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”; góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới, các quan điểm lạc hậu vùng ĐBDTTS. Đồng thời, dự án xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ, trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ...
Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”
Công tác tuyên truyền được xác định là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và tiếng nói trẻ em. Việc thành lập các mô hình can thiệp tại cộng đồng đã góp phần chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em ĐBDTTS và miền núi.

Chị em xã Tà Rụt được hướng dẫn kỹ thuật trồng chuối lùn - Ảnh: L.M
Chị Hồ Thị Thư, Trưởng bản kiêm Tổ trưởng tổ TTCĐ bản Đá Chát (xã Trường Sơn) phấn khởi chia sẻ: “Sau khi tham gia các buổi truyền thông của tổ TTCĐ, nhiều chị em trong bản chia sẻ rằng, chồng các chị đã có nhiều thay đổi. Các anh đã biết quan tâm, chia sẻ với vợ công việc gia đình nhiều hơn. Hi vọng thời gian tới, hoạt động của tổ TTCĐ sẽ có thêm nhiều nội dung bổ ích để bà con được tiếp thu những kiến thức hay, từ đó thay đổi nhận thức, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”.
THT chuối lùn Tà Rụt là điển hình cho sự đổi mới tư duy sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ vào kết nối thị trường. THT được thành lập năm 2019, hiện có 20 thành viên đều là phụ nữ. Trước đây, các chị em THT chủ yếu trồng chuối theo phương pháp truyền thống, sau đó, nhờ sự đồng hành, hỗ trợ về kỹ thuật của Dự án 8, chị em đã áp dụng phương pháp mới mang lại năng suất, hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, sản phẩm chuối tươi của THT đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP 3 sao, khẳng định được chất lượng, uy tín trên thị trường.
Chị Hồ Thị Xở, Tổ trưởng THT chuối lùn Tà Rụt cho hay: “Nhờ sự đồng hành, hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh và các dự án, tổ chức liên quan, THT chúng tôi đã duy trì sản xuất, có đầu ra ổn định, góp phần cải thiện đời sống vật chất cũng như vị thế của các chị em. Thành công của mô hình cũng lan tỏa tinh thần vươn lên mạnh mẽ trong cộng đồng phụ nữ ĐBDTTS”.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thúy Nga cho biết: “Việc triển khai các hoạt động Dự án 8 giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025 là chiến lược quan trọng, là nhiệm vụ vừa mang tính trước mắt vừa mang tính lâu dài trong việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em ĐBDTTS và miền núi.
Với sự nỗ lực trong thực hiện Dự án 8 của các cấp hội và sự vào cuộc của các tổ chức, ban ngành, đoàn thể trong thời gian qua, nhiều mô hình, hoạt động đối với phụ nữ và trẻ em ĐBDTTS và miền núi đã đem lại quyền lợi thiết thực, chuyển biến tích cực trong việc nâng cao quyền năng cho phụ nữ ĐBDTTS. Các định kiến và phân biệt đối xử dựa trên giới tính dần được xóa bỏ; quyền của trẻ em được bảo vệ và phát triển toàn diện; tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, phát triển kinh tế vùng ĐBDTTS và miền núi...”.